Aa

VN-Index chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp, dòng tiền tập trung vào nhóm BĐS vừa và nhỏ

Thứ Sáu, 09/04/2021 - 09:00

VN-Index có phiên điều chỉnh trở lại sau 8 phiên tăng điểm liên tiếp. Dòng tiền có phần dịch chuyển từ nhóm bluechip sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Thị trường chứng khoán phiên 8/4 biến động theo chiều hướng tiêu cực khi VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng 12 phiên qua. Mở cửa phiên giao dịch ngày 8/4, sắc xanh ở nhóm cổ phiếu lớn chiếm ưu thế hơn đã giúp các chỉ số tăng điểm. Tuy nhiên, áp lực chốt lời bất ngờ dâng cao khiến đà đi lên của các chỉ số bị chặn đứng và đảo chiều giảm trở lại.

Áp lực chốt lời diễn ra nhanh và mạnh khiến hệ thống trên HoSE tiếp tục xuất hiện dấu hiệu nghẽn lệnh từ sớm. Thị trường giảm khá mạnh được cho là đến từ áp lực chốt lời chứ không phải do gặp thông tin bất lợi từ bên ngoài.

Do hệ thống nghẽn rất sớm nên xảy ra tình trạng lệnh mua bắt đáy không vào được khiến VN-Index gần như không có sự hồi phục nào đáng kể ở phiên chiều mà chỉ đi ngang.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm điểm trong phiên 8/4. Trong đó, VIB giảm 3,9%, MBB giảm 1,9%, VCB giảm 1,9%, BID giảm 1,6%. Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn như VIC, SAB, BVH, MSN... cũng chìm trong sắc đỏ và gây áp lực rất lớn đến các chỉ số. 

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 8/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, GVR, HDB, VCG, HVN... đã có phiên tăng điểm ấn tượng. Trong đó, GVR tăng 1,4% lên 28.400 đồng/cp, HDB tăng 1,1% lên 28.050 đồng/cp, VCB tăng 1% lên 29.550 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 8/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL và BCM là 2 mã hiếm hoi tăng giá, trong đó NVL tăng 0,8% lên 88.800 đồng/cp, còn BCM tăng nhẹ 0,7% lên 57.400 đồng/cp. Chiều ngược lại, bên cạnh VIC, cả 3 cổ phiếu lớn khác là VHM, VRE và THD đều chìm trong sắc đỏ. VHM giảm 0,8%, VRE giảm 0,3% còn THD giảm 0,7%.

Dù VN-Index gặp khó nhưng dòng tiền tiếp tục có dấu hiệu chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó nhiều mã bất động sản bứt phá mạnh. Các mã như PLA, DIH, OCH, SDU, TIX… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PXL tiếp tục tăng 9,4% lên 11.600 đồng/cp, DIG cũng tăng đến 5,5% lên 30.900 đồng/cp.

ASM tăng 4,4% lên 16.550 đồng/cp. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên, HĐQT ASM đề xuất mức chia cổ tức cho năm 2019 và mức chi cho năm 2020 với tổng tỷ lệ 30%, tương ứng với giá trị gần 777 tỷ đồng. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2020.

Trong khi đó, trước sự rung lắc mạnh của thị trường chung, nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ khác như HQC, CCL, CEO, TIG… đều chìm trong sắc đỏ, nhưng số mã giảm sâu ở nhóm này là không nhiều.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, VN-Index giảm 7,49 điểm (-0,6%) xuống 1.234,89 điểm. Toàn sàn có 167 mã tăng, 233 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,91 điểm (0,31%) lên 293,75 điểm. Toàn sàn có 114 mã tăng, 100 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (0,62%) lên 83,07 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 16.121 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 812 triệu cổ phiếu. 3 cổ phiếu bất động sản là FLC, HQC và ITA đều nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC khớp lệnh 35,4 triệu cổ phiếu, còn HQC và ITA lần lượt là 23,3 triệu cổ phiếu và 20,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 8/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại mua ròng 22 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán phiên 8/4, trong đó, VRE được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 72 tỷ đồng. NVL đứng ngay sau với giá trị hơn 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một cổ phiếu bất động sản khác cũng nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại là PDR với 14 tỷ đồng. Chiều ngược lại, KDH, DXG và CII là các mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh, trong đó, KDH bị bán ròng 30 tỷ đồng. DXG và CII lần lượt là 22,6 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra đã xuất hiện nhưng chưa thực sự mạnh. Và biên độ dao động vẫn nằm trong biên độ của cụm nến trước đó trong khoảng 1.230 - 1.245 điểm.

Trên góc độ kỹ thuật, thị trường đang bước vào giai đoạn cuối của sóng 5 với target dự kiến tại vùng 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng dự kiến trong nửa đầu tháng 4/2021. Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là kết thúc sóng tăng 5 nên đây là thời điểm quan trọng để quan sát xem thị trường có vượt được ngưỡng 1.250 điểm để nối dài sóng tăng 5 hay sẽ điều chỉnh. Trong phiên giao dịch cuối tuần 9/4, thị trường có thể tăng điểm trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với target của sóng tăng 5 quanh 1.250 điểm. Nhà đầu tư trung hạn quan sát thị trường và có thể canh chốt lời dần khi thị trường đạt tới 1.250+- điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 cũng quan sát thị trường và canh chốt lời tại 1.250+- điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top