Aa

Cổ phiếu bất động sản nhỏ đua nhau bứt phá trong phiên 9/4

Thứ Bảy, 10/04/2021 - 06:00

Một số cổ phiếu trụ cột giảm sâu đã gây áp lực rất lớn lên VN-Index và khiến chỉ số này kết phiên trong sắc đỏ. Dòng tiền vẫn dịch chuyển mạnh sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có yếu tố đầu cơ cao.

Phiên giao dịch ngày 9/4, thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến theo chiều hướng rung lắc, trong đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục gây ra áp lực lên các chỉ số, đặc biệt là VN-Index. Lực bán mạnh xuất hiện ở nhiều cổ phiếu lớn như VCB, BID, VIB, MSN... Trong đó, VCB chốt phiên giảm đến 2,5% xuống 97.500 đồng/cp và lấy đi của VN-Index 2,51 điểm (-0,2%).

VN-Index giao dịch toàn thời gian của phiên 9/4 ở sắc đỏ dù có lúc hồi phục và gần như vượt lên trên mốc tham chiếu. Cứ mỗi khi lực cầu bắt đáy giúp chỉ số này thu hẹp đà giảm thì lực chốt lời dâng cao ngay sau đó và VN-Index lại “quay đầu”.

Ở chiều ngược lại, FPT, STB, PNJ, VPB... là các cổ phiếu lớn đóng vai trò kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index trước áp lực từ các cổ phiếu trụ cột nói trên. FPT bất ngờ tăng đến 3,1% lên 82.100 đồng/cp. Hôm 8/4, FPT đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trong đó ban lãnh đạo tập đoàn này cho biết lợi nhuận quý I tăng 22% so với cùng kỳ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 9/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tương tự như các phiên trước, lỗi hệ thống giao dịch trên HoSE vẫn diễn ra ngay cuối phiên sáng nên gần như nhà đầu tư không thực hiện được giao dịch ở phiên chiều.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm vốn hóa lớn biến động khá xấu, trong đó, VIC, VHM và VRE cũng đóng vai trò nhất định trong việc tạo áp lực đến VN-Index. VIC giảm 0,4%, VHM và VRE giảm 0,8%. BCM cũng giảm 0,5%, có thời điểm trong phiên giao dịch, BCM lùi về 56.200 đồng/cp và cũng gây ra khó khăn nhất định đến VN-Index.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 9/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

NVL là cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi trong nhóm bất động sản tăng giá với mức tăng 1,4% lên 90.000 đồng/cp.

Tâm điểm của phiên 9/4 bên cạnh VCB còn là việc dòng tiền vẫn ồ ạt chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ và nhiều mã bất động sản nằm trong số này. Các mã như NTB, PPI, E29, PLA, STL, DIH, SDU, HTT, CIG, HQC... đồng loạt tăng trần. Bên cạnh đó, BII tăng đến 7,3% lên 10.300 đồng/cp, PVL tăng 4,9% lên 4.300 đồng/cp, SCR tăng 4,5% lên 9.200 đồng/cp, DRH tăng 3,1% lên 13.400 đồng/cp.

Trong khi đó, không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu ở phiên 9/4. IDC là cái tên hiếm hoi trong số này giảm trên 2,5%. Trong khi đó, các mã như FIT, ITA, NTL, CII, DIG, DXG... đều có mức giảm khá khiêm tốn.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,23 điểm (-0,26%) xuống 1.231,66 điểm. Toàn sàn có 213 mã tăng, 206 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,04 điểm (0,01%) lên 283,79 điểm. Toàn sàn có 118 mã tăng, 94 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,07%) xuống 83,01 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 22.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 17.800 tỷ đồng. HQC, FLC và TCH là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. HQC khớp lệnh được 23,4 triệu cổ phiếu còn FLC và TCH lần lượt là 22 triệu cổ phiếu và 18,3 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 9/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại mua ròng đột biến 2.300 tỷ đồng trong phiên 9/4 nhờ vào việc thỏa thuận cổ phiếu VHM. Cụ thể, VHM được khối ngoại mua ròng gần 2.200 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận. Bên cạnh VHM thì VRE, NVL và KBC cũng là các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh. Chiều ngược lại, KDH và CII là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 giá trị bán ròng của khối ngoại.

Chốt tuần, VN-Index tăng 7,21 điểm (0,6%) lên 1.231,66 điểm; HNX-Index giảm 1,1 điểm (-0,4%) xuống 293,79 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 19.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 4,5% lên 82.965 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 0,9% lên 3,5 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 6,3% xuống 14.777 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 7,5% xuống 864 triệu cổ phiếu.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy dòng tiền vẫn còn xoay vòng trong thị trường, chưa có dấu hiệu rút ra thực sự. Thị trường giao dịch 5 phiên với biên độ trong khoảng 1.230 - 1.245 điểm và kết tuần vẫn giữ được ngưỡng 1.230 điểm nên tình hình hiện tại vẫn đang nghiêng về trung tính, chưa rõ thị trường sẽ bứt phá theo hướng nào.

Trên góc độ sóng elliot, VN-Index đã đi gần hết sóng tăng 5 với target quanh 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng trong nửa đầu tháng 4/2021, nên tuần giao dịch tiếp theo sẽ là thời điểm quan trọng để xác nhận thị trường sẽ nối dài sóng 5 lên các ngưỡng cao hơn hay sẽ điều chỉnh với sóng a. Tuần tới cũng là tuần đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 4/2021 nên khả năng biến động mạnh có thể xảy ra, nhà đầu tư cần chú ý điều này. Nếu kết thúc tuần 12/4 - 16/4, VN-Index không thể đóng cửa trên ngưỡng 1.250 điểm thì có khả năng thị trường sẽ bước vào sóng điều chỉnh a với target gần nhất 1.125+- điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5).

Nhà đầu tư trung hạn đã mua vào trước Tết và nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 quan sát diễn biến thị trường, canh chốt lời dần nếu VN-Index chạm tới ngưỡng 1.250 điểm trong phiên hoặc canh bán ra nếu VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm (MA20) xác nhận sóng tăng 5 kết thúc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top