Aa

VIC và VRE bứt phá, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn tăng mạnh trong phiên 4/6

Thứ Bảy, 05/06/2021 - 06:45

Thị trường chứng khoán tiếp tục giao dịch bùng nổ và lập kỷ lục về giá trị giao dịch. Nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục bứt phá trước sự hưng phấn của thị trường chung.

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục đem lại nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Thị trường khởi đầu phiên giao dịch với trạng thái khá thận trọng. Các cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa mạnh nên các chỉ số đều chỉ biến động hẹp quanh mốc tham chiếu.

Thậm chí, có lúc các chỉ số đều giảm điểm trước áp lực bán mạnh ở nhiều cổ phiếu có yếu tố dẫn dắt. Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra vào phiên chiều, dòng tiền vẫn “ùn ùn” chảy vào thị trường và giúp hàng loạt cổ phiếu lớn tăng mạnh trở lại, các chỉ số vì vậy cũng hồi phục. Trong khi HNX-Index và UPCoM-Index giảm điểm nhẹ thì VN-Index tăng trở lại và đóng cửa ở mức cao nhất phiên.

Tâm điểm của thị trường phiên 4/6 tập trung vào 2 nhóm cổ phiếu dầu khí và y tế khi hàng loạt mã được kéo lên mức giá trần như PVS, PVD, DVN, BIO, DP1, DBT... Bên cạnh đó, GAS cũng tăng đến 3,5% lên 91.400 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 4/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ngoài ra, các cổ phiếu lớn như GVR, BVH, MSN, TPB... đồng loạt tăng giá mạnh và giúp nâng đỡ tốt cho VN-Index. VIC, VRE và PDR là các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn tăng mạnh trong phiên 4/6 và đóng góp lớn giúp VN-Index hồi phục. VIC tăng 2,1% lên 121.000 đồng/cp, VRE tăng mạnh 5,6% lên 32.200 đồng/cp, PDR tăng 4,5% lên 81.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 4/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Trong khi đó, các mã bất động sản vốn hóa lớn khác như NVL và VHM đều giảm 0,9%, THD tăng nhẹ chỉ 0,2% còn BCM đứng giá tham chiếu.

Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa rõ nét quay trở lại. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều mã bất động sản thanh khoản cao giao dịch tích cực. PVR, SCR, OGC hay CCL đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, CLG tăng 7,1%, NBB tăng 5,9%, CRE tăng 5,1%, CEO tăng 3,8%.

KBC tăng 5,7% lên 35.500 đồng/cp. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) thông báo chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 10,8%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm. Công ty huy động vốn để cho các công ty con vay nhằm tăng quy mô hoạt động.

Chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu bất động sản thanh  khoản cao lao dốc như FIT, ITA, LDG, CII... Trong đó, FIT giảm đến 4,3% xuống 13.350 đồng/cp, ITA giảm 2,9% xuống 7.450 đồng/cp, CII giảm 2,2% xuống 19.850 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,77 điểm (0,72%) lên 1.374,05 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 193 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,06%) xuống 329,76 điểm. Toàn sàn có 107 mã tăng, 109 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) xuống 90,59 điểm.

Dòng tiền chảy vào thị trường giúp thanh khoản tiếp tục đạt kỷ lục với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,3 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch trên 38.500 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh phiên 4/6 đạt hơn 36.100 tỷ đồng. FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 37,7 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, FLC tăng 2,5% lên 14.300 đồng/cp. Việc các công ty chứng khoán đồng loạt chặn tính năng hủy/sửa lệnh dường như gián tiếp giúp tăng thêm thanh khoản trên thị trường.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 4/6.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch vẫn tiêu cực khi bán ròng lên đến hơn 1.500 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên 4/6. VIC và VHM là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 218 tỷ đồng và 84 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 128 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản cũng được mua ròng mạnh là PDR với 23 tỷ đồng.

Như vậy, thị trường tăng điểm trong tuần thứ năm liên tiếp với giá trị giao dịch tiếp tục gia tăng và lập kỷ lục mới. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 53,59 điểm (4,1%) lên 1.374,05 điểm; HNX-Index tăng 19,3 điểm (6,2%) lên 329,76 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết gia tăng so với tuần trước với trung bình hơn 31.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 16% lên 133.980 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11,2% lên 4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 48,3% lên 23.918 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 46% lên 1 tỷ cổ phiếu.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp với mức tăng mạnh nhất trong năm tuần qua, qua đó đưa VN-Index đạt mức cao kỷ lục mới trong lịch sử 1.374 điểm. Trên góc độ sóng elliot, ngưỡng 1.400 điểm có thể là kháng cự mạnh của sóng tăng 5 trong trường hợp thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần tới do sóng tăng 5 khó có khả năng lớn hơn sóng tăng 3 trước đó với mức tăng 400 điểm (từ 800 điểm lên 1.200 điểm).

SHS cho rằng, dư địa để thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần tới là không nhiều và những rung lắc cũng như điều chỉnh có thể sớm diễn ra. Trong tuần giao dịch tiếp theo 7/6 - 11/6, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi bên cầm cổ phiếu quyết định chốt lời tại vùng giá hiện tại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top