Aa

Viêm loét dạ dày: Căn bệnh của giới trí thức!

Chủ Nhật, 11/11/2018 - 06:01

Thống kê khoa học cho biết, những người lao động trí óc có tỷ lệ bị viêm loét dạ dày cao vượt gấp nhiều lần những người lao động chân tay. Và những người thường xuyên căng thẳng thần kinh, thường bị sress cũng trong nhóm này.

Dạ dày (bao tử) có chức năng gì trong cơ thể?

Nó là nơi chứa thức ăn sau khi được nghiền nát bằng răng ở miệng rồi nuốt xuống. Tại đây dạ dày có trách nhiệm co bóp nhào trộn cho thức ăn ngấm đều dịch vị (gồm men tiêu hóa Pepsin và acid clohydric- HCL). Men tiêu hóa bắt đầu phân hủy thức ăn thô thành các chất có thể hấp thu được vào máu. Sau khi được nhào trộn và ngấm đều hỗn hợp dịch vị trên thì sẽ được đẩy xuống ruột non qua môn vị và bắt đầu quá trình tiêu hóa hấp thu vào trong cơ thể...

Cấu tạo của dạ dày thế nào?

Nó là một túi rỗng, được hình thành bởi năm lớp: Lớp thanh mạc bên ngoài cùng, đến lớp dưới thanh mạc, rồi tới lớp giữa được cấu tạo bởi hệ cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo. Lớp dưới niêm mạc là nơi cực kỳ quan trọng, bởi tại đây tiết ra men tiêu hóa pepsin, acid clohydric, một số chất trung gian hóa học và nhất là nó tiết ra một chất gọi là “yếu tố nội” để hấp thu vitamin B12 cần cho việc tạo máu: Bởi thế, những người bị viêm loét dạ dày kinh niên thường xanh xao do thiếu máu mà nguyên nhân là “yếu tố nội” bị hụt. Còn lớp niêm mạc tiếp xúc với thức ăn là nơi tiết ra chất nhầy bảo vệ dạ dày trước hỗn hợp men pepsin và acid clohydic.

Những nguyên nhân nào dẫn đến dạ dày bị viêm loét?

Thường thì các thày thuốc sẽ thăm khám, nội soi, làm xét nghiệm và chia ra thành hai loại viêm loét: Viêm loét lành tính (không nhiễm khuẩn) và viêm loét có nhiễm khuẩn (Helicobacter pylori- Hp) để cho phác đồ thuốc điều trị chính xác cho từng loại. Nhưng tại sao cái bao tử cấu tạo tưởng như rất vững chắc hoàn hảo kia lại bị viêm loét?

Đầu tiên có thể do thức ăn hoặc thuốc uống: rượu mạnh, thức ăn có chất kích ứng làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Thuốc chữa bệnh nhưng có hoạt chất gây loét dạ dày ví dụ như Aspirin. Những thứ đó tác động một cách cơ học vào niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và acid dịch vị làm trầm trọng vấn đề hơn. Nhưng nhiều khi đột nhiên lớp dưới niêm mạc dạ dày của chúng ta tiết ra một lượng acid clohydic cao một cách bất thường. Thế là các chất nhầy có nhiệm vụ bảo vệ dạ dày không tiết ra đủ kịp thời để trung hòa acid dư đó nên nó tác động ngay đến dạ dày, gây tổn thương, đau. Các bạn nên nhớ, acid trong dịch vị dạ dày là HCL, có thể ăn mòn cả sắt luôn nhé. Nên một khi dư acid thì dạ dày bị tấn công loét niêm mạc, viêm trợt... Và ông bạn vi khuẩn Hp vốn khu trú sẵn trong đó hoặc theo đường thức ăn nước uống đi vào liền nhào vô ổ loét làm tổ sinh sôi nảy nở làm cho ổ loét không lành được, loét mãi ra, ăn sâu xuống các lớp khác, dẫn đến thủng dạ dày, chảy máu dạ dày. Viêm loét lâu ngày không chữa dứt điểm là một liên hệ mà y học cho là có liên quan đến ung thư dạ dày.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là, đang yên lành tự dưng dạ dày lại tiết ra quá nhiều acid để làm gì? Điều này thì y học cũng nghiên cứu khá kỹ. Thế nhưng nguyên nhân thực sự sâu xa của điều này còn là bí ẩn. Người ta chỉ đã làm thống kê khoa học cho biết, những người lao động trí óc có tỷ lệ bị viêm loét dạ dày cao vượt gấp nhiều lần những người lao động chân tay. Và những người thường xuyên căng thẳng thần kinh, thường bị stress cũng trong nhóm này. Người ta cũng đã nghiên cứu ra là trong ngày thời điểm dạ dày tiết nhiều dịch vị nhất là khoảng 10h sáng và 10h tối! Bạn nào hay thức khuya sẽ thấy rõ điều này: Vào lúc đêm ta thốt nhiên sẽ thấy bụng cồn cào lên, đó là lúc HCL tràn ra tác động đến niêm mạc dạ dày, khi đó nên ăn uống nhẹ một chút như bánh mì, bích quy hay sữa là thích hợp nhất.

Nhân đây cũng nói về chứng trào ngược thực quản mà khá nhiều người bị: Do dịch vị dạ dày tiết ra quá nhiều, trào ngược qua tâm vị là van ngăn cách giữa dạ dày và thực quản. Tâm vị vốn chỉ là một lớp niêm mạc không như môn vị là cơ vòng nên dễ bị trào, nôn... Thực quản lại hoàn toàn không có lớp bảo vệ như niêm mạc dạ dày thế nên khi acid dịch vị trào ngược lên, thực quản bị tổn thương, gây loét ngay lập tức. Rất đau đớn. Thậm chí dẫn đến thủng thực quản, xuất huyết ồ ạt. Chứng này gây đau vùng ngực, ho, nhiều khi còn tưởng là bị đau tim hoặc bệnh về phổi kia... Để điều trị chứng này thì cách duy nhất là dùng thuốc giảm tiết acid dịch vị xuống ngay lập tức. Không dư acid dịch vị sẽ không bị trào ngược, thế thôi.

Dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày thế nào cho đúng?

Trước hết xin nói ngay, tất cả các loại thuốc Nam, thuốc Bắc theo đông y là đã thất bại toàn diện trước căn bệnh này. Thực tế lâm sàng đã chứng minh rõ. Nhất là sau khi hai bác sĩ Úc: Robin Warren và Barry Marshall công bố các nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỷ 20 về con vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) và được giải Nobel năm 2005 cho những nghiên cứu này. Cùng với việc đề ra phác đồ điều trị chuẩn tiêu diệt Hp thì giá trị của các loại thuốc Nam, Bắc chì còn là ở lĩnh vực... Placebo (hiệu ứng tâm lý) mà thôi!

Người ta chỉ đã làm thống kê khoa học cho biết, những người lao động trí óc có tỷ lệ bị viêm loét dạ dày cao vượt gấp nhiều lần những người lao động chân tay.

Người ta chỉ đã làm thống kê khoa học cho biết, những người lao động trí óc có tỷ lệ bị viêm loét dạ dày cao vượt gấp nhiều lần những người lao động chân tay.

Với chứng viêm loét lành tính không nhiễm Hp, vết loét nhỏ thì nhiều khi không cần dùng thuốc cũng tự khỏi. Đó là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể. Nhưng nếu phải dùng thuốc thì phác đồ điều trị cũng đơn giản: Chỉ cần dùng một thuốc giảm tiết acid dịch vị (Cimetidin, Famotidin, Omeprazole, Lansoprazole...) kết hợp với một thuốc bao che vết loét để cho mau lành (KremilS, Phosphalugel, Yumangel...) Cộng với chế độ ăn các chất dễ tiêu, không kích ứng là có thể lành trong một tuần. Tất nhiên, sẽ phải có thuốc điều trị duy trì một thời gian để luôn giữ cho acid dịch vị không tăng bất thường trở lại.

Với chứng viêm loét dạ dày dương tính với Hp thì phức tạp hơn. Bởi Hp là một loại vi khuẩn cực độc: Nó sống tốt được trong môi trường acid của dạ dày thì các bạn biết rồi đấy! Thế nên để tiêu diệt con Hp này bao giờ cũng cần phối hợp ít nhất là ba loại kháng sinh! Dẫn ví dụ cho các bạn biết: Phác đồ đầu tiên của các bác sĩ người Úc đưa ra gồm: Tetraxychin+ Amoxyclin+ Metronidazol, ba loại kháng sinh này kết hợp cùng với một loại muối Bismut và một thuốc giảm tiết dịch vị. Uống trong 7 ngày. Mỗi ngày ba lần. Phác đồ này hiện không còn thày thuốc nào trên thế giới dùng. Bởi các thuốc kháng sinh cổ điển kia đã bị Hp kháng lại. Nhưng nguyên tắc phối hợp thuốc kinh điển này vẫn được áp dụng hiệu quả cho các phác đồ thế hệ 4 hiện nay, với các kháng sinh mới, phổ rộng: Vẫn phải kết hợp ít nhất 2 kháng sinh của 2 nhóm khác nhau cùng với thuốc giảm tiết dịch vị! Ví dụ: Clarithromyxin+ Tinidazol+ Omeprazol. Mỗi ngày 2 lần. Sau 7 ngày tiêu diệt Hp, các thày thuốc sẽ kê cho bệnh nhân thuốc duy trì lượng acid dịch vị vừa để tiêu hóa thức ăn không gây loét dạ dày.

Còn với chứng trào ngược thực quản thì dùng thuốc cũng đơn giản và rất nhanh thấy hiệu quả mặc dù các triệu chứng khi bị trào ngược thường rất dữ dội khiến bệnh nhân lo lắng hoang mang. Chỉ cần uống thuốc giảm tiết acid dịch vị liều cao (Omeprazole, Lansoprazole...) kết hợp thêm thuốc bao che vết loét một thời gian là khỏi hẳn ngay. Sau đó cũng vẫn phải chú ý chế độ ăn uống và thuốc duy trì acid dịch vị dạ dày ổn định.

Bệnh viêm loét dạ dày có chữa khỏi hẳn không?

Với việc nghiên cứu khá rõ cơ chế bệnh sinh hiện nay của Y học và cùng với việc ngành Dược đã sản xuất ra nhiều loại thuốc giảm tiết dịch, thuốc kháng sinh đặc trị Hp... thì việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản khỏi hẳn là điều hầu như chắc chắn. Vấn đề là phải thăm khám, nội soi, xét nghiệm chính xác và đề ra phác đồ điều trị đúng: Phác đồ thế hệ 1 hiện nay hầu như không còn tác dụng gì với Hp, thế nhưng người viết bài này vẫn thấy có thầy thuốc kê cho bệnh nhân! Thật là một sự lạ lùng, hình như họ không cập nhật kiến thức. Nếu ai đó bị viêm dạ dày dương tính với Hp, hãy đề nghị bác sĩ kê đơn cho phác đồ điều trị mới nhất, có thể đắt về giá tiền nhưng sẽ cực tốt khi mà ta khỏi bị căn bệnh này hành hạ phải không các bạn? Rõ ràng là với các tiến bộ y học thì nhiều căn bệnh đã được giải quyết tương đối triệt để. Viêm loét dạ dày cũng vậy. Thế nhưng một vấn đề đặt ra ở đây là căn bệnh này cực kỳ hay tái phát!

Vậy làm thế nào để không bị tái phát viêm loét dạ dày?

Ăn uống vệ sinh sạch sẽ, kiêng chất kích thích thường là câu đầu tiên thày thuốc khuyên bệnh nhân, để tránh bị nhiễm Hp! Nhưng thực ra điều này hơi khó, do Hp là cái giống vi khuẩn có độc lực mạnh, nó rất dễ nhiễm vào người. Có một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tới 2/3 số người dân trên trái đất này trong cơ thể có Hp! Có điều nó không gây thành các ổ viêm loét. Vậy ta cố gắng đừng để cho dịch vị tiết ra quá mức gây nên loét để cho Hp xâm nhập vào. Nhưng thực ra điều này cũng khó: Việc tiết ra dịch vị là do sự điều khiển của yếu tố thần kinh thể dịch mà ta hoàn toàn không thể hiểu và điều khiển bằng lý trí của mình được. Như lúc đầu đã nói, những người làm việc trí óc, thức khuya, căng thẳng... thì acid dịch vị tiết ra rất nhiều. Và chứng loét dạ dày của họ gần như căn bệnh nghề nghiệp! Có người bảo, nếu thế ta không suy nghĩ, không bức xúc mọi sự, không làm việc đầu óc nữa thì thần kinh không căng thẳng, acid dịch vị ít tiết ra, khỏi đau dạ dày luôn! Nhưng thế thì lại không phải là trí thức nữa rồi...

Nên lời khuyên ở đây là, nếu bị viêm loét dạ dày thì cần phải thăm khám cẩn thận rồi dùng một đợt thuốc cho khỏi hẳn. Với những người mà hay bị tái phát thì sau các đợt điều trị viêm loét dạ dày cấp cần uống thuốc duy trì đều đặn hàng ngày để cho acid dịch vị luôn ở mức an toàn không gây ra loét hoặc trào ngược thực quản.

Nhân đây kể một chuyện vui: Một ông bạn tôi hay rượu nhưng cũng hay loét dạ dày. Nhưng ông ta không kiêng được rượu! Nghe lời khuyên của tôi ông ta uống thuốc kiềm chế tăng acid dịch vị hàng ngày. Ông ta bèn uống cả rượu lẫn thuốc và gọi là uống rượu thuốc! Thật lạ lùng là đến giờ này mọi sự nghe chừng vẫn ổn...

Thuốc trong trường hợp này là để nâng cao chất lượng cuộc sống phải không các bạn?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top