"Cửa mở" cho Việt kiều
Theo pháp luật hiện hành, Việt kiều được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, do vướng mắc ở quy định hạn chế sản phẩm bất động sản nên lượng kiều bào sở hữu nhà tại Việt Nam không nhiều.
Luật Kinh doanh bất động sản vừa được thông qua đã có độ mở nhất định khi cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài được kinh doanh bất động sản theo hình thức: đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê công trình xây dựng, nhà ở để cho thuê lại; Thuê quyền sử dụng đất đã có hạn tầng kĩ thuật và cho thuê lại; đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kĩ thuật.
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng đã sửa đổi quy định cho phép Việt Kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam mà không bị giới hạn chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Việc Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua đã có độ mở nhất định về chính sách khi cho phép khoảng 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở.
Ông Peter Hồng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đánh giá, việc Việt Kiều được mua bán bất động sản trong nước có thể sẽ giúp "giải cứu" thị trường bất động sản bởi năm 2023 có khoảng 19,2 tỷ USD vốn kiều bào về Việt Nam. Cùng với đó, nhiều Việt Kiều cũng muốn về Việt Nam để đầu tư, mua bất động sản và xem đó là tài sản để dành. Bởi vậy khi Luật được thông qua sẽ góp phần khuyến khích để thu hút dòng vốn lớn này.
Kỳ vọng vực dậy thị trường từ dòng vốn kiều hối
Số liệu từ Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho thấy, từ 2016 đến nay, trung bình mỗi năm lượng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 12 tỷ USD trong đó có khoảng 20% vào bất động sản.
Với những điều luật được thông qua, có thể thấy, chính sách đã dần mở ra đối với Việt kiều khi họ được phép kinh doanh nhà ở như người trong nước. Đây là cơ hội tốt cho thị trường bất động sản khi có thể dễ dàng tiếp thu dòng vốn của người Việt Nam ở nước ngoài. 5 triệu Việt Kiều đang ở nước ngoài đang sở hữu khối tài sản bằng khoảng 40% của hơn 100 triệu dân trong nước. Theo số liệu của World Bank, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2024 sẽ vào khoảng 14,4 tỷ USD.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, lần sửa đổi Luật này đã tạo được sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản khi Việt kiều cũng được mua nhà và có quyền sử hữu nhà ở cũng như quyền sử dụng đất như công dân ở trong nước. Điểm nhấn này sẽ giúp kiều bào yên tâm chuyển tiền về đầu tư, mua nhà ở Việt Nam hơn. Từ đó, thị trường bất động sản cũng có một nguồn cầu lớn từ phía bà con Việt Kiều và thêm cả đầu ra cho nguồn cung nhà ở nhất là nhà ở cao cấp đang trong tình trạng vượt cầu.
Bên cạnh đó, LS Hậu cũng nhấn mạnh sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực thì chúng ta cần có nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất.
Còn theo PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, trước năm 2014, lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, hiện nay lượng kiều hối vào lĩnh vực này đang có xu hướng giảm cả về lượng và tỷ trọng. Theo thống kê, từ năm 2016 - 2020, lượng kiều hối đã có sự dịch chuyển từ bất động sản sang sản xuất kinh doanh nên lượng kiều hối vào bất động sản đã giảm chỉ còn 17-18%. Từ năm 2020 đến nay thì chỉ giao động ở mức 15 - 17%.
Để tăng cường thu hút kiều hối vào bất động sản PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng cần có sự tham gia của nhiều bên, các giải pháp phải đồng bộ. Trong đó có thể kể tới việc thực hiện chính sách kiều hối hiện hành cùng việc duy trì ưu đãi cho người nhận ngoại tệ. Về dài hạn, ông Chung cho rằng cần xem xét để có biện pháp kích thích, công khai hóa luồng kiều hối.
Ông Chung cũng nhấn mạnh, luật vừa được thông qua cần được triển khai theo hướng công khai, minh bạch quá trình mua, sở hữu nhà của người nước ngoài và người định cư ở nước ngoài. Đồng thời ông cũng cho rằng việc Việt Nam thực hiện hội nhập các EVFTA, TPP, AEC,… sẽ giúp mở rộng được cung – cầu cho thị trường bất động sản đồng thời cần mở rộng xuất khẩu lao động theo tinh thần của các FTA bởi đây là các thị trường rất tiềm năng để chúng ta có thể thu về kiều hối.
Ông Chung cũng lưu ý, kiều hối vào bất động sản cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó có rủi ro tiền ẩn kinh tế vĩ mô, về quan hệ kinh tế quốc tế có liên quan đến vấn đề biển Đông; những biến động không thuận của nền kinh tế ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đều có những tác động rõ nét tới nguồn vốn vào Việt Nam nói chung và vào thị trường bất động sản nói riêng. Từ đó có tác động đến nguồn kiều hối.