Aa

Việt Nam: 1 trong 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất Đông Nam Á

Thứ Hai, 03/06/2019 - 20:10

Kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân

Tại Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân 2019 do Hãng kiểm toán và Tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton công bố mới đây, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á năm 2018.

Theo đó, kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng, bao gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), Thương mại điện tử, Giáo dục trực truyến và Công nghệ du lịch (travel Tech). Đồng thời, theo nhận định của Grant Thornton, chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Trước đó, Báo cáo Global M&A Review 2018 thực hiện bởi Bureau Van Dijk - a Moody’s Analytics Company, cũng đã nhìn nhận: Singapore, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Đông Nam Á.

Grant Thornton cho hay, 6 nhóm ngành tại Việt Nam có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới bao gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), Giáo dục, Năng lượng tái tạo, Y tế và dược phẩm, Thương mại điện tử, Vận tải và giao nhận.

Trong đó có 2 nhóm ngành mới nổi là công nghệ tài chính và thương mại điện tử.

Đối với nhóm công nghệ tài chính, thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái công nghệ số, chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 người dân sẽ không thanh toán dùng tiền mặt. Tính đến cuối năm 2017, chỉ có 10% giao dịch thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống điện tử, 90% giao dịch thanh toán còn lại bằng tiền mặt.

"Sự bùng nổ của thương mại điện tử đang làm gia tăng nhu cầu đối với các phương tiện thanh toán điện tử", nhóm nghiên cứu Grant Thornton nhận định.

Đối với nhóm thương mại điện tử, Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao thứ 3 thế giới (69%). Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 87% trong giai đoạn 2015 - 2018 và ước tính đạt 15 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện có khoảng 38,5% dân số, tương đương 35,4 triệu người sử dụng thương mại điện tử tại Việt Nam, và con số này được dự đoán sẽ tăng thêm 6,6 triệu người vào năm 2021. Mức chi tiêu trực tuyến trung bình trên đầu người đạt 62 USD và dự báo có thể đạt 96 USD vào năm 2021.

Vẫn còn đó những thách thức, khó khăn

Mặc dù có cái nhìn tích cực về nền kinh tế tư nhân nhưng Grant Thornton cũng đã nêu ra những thách thức trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư tư nhân tại Việt Nam.

Khảo sát của Grant Thornton tại Việt Nam cho thấy sự tương đồng với nhiều kết quả khảo sát trong khu vực, trong đó định giá quá cao và thiếu cơ hội hấp dẫn là hai thách thức hàng đầu trong việc xác định cơ hội đầu tư đối với hầu hết các nhà đầu tư tư nhân.

Một thách thức quan trọng khác là mức độ chấp nhận thấp của các chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân trong việc gọi vốn từ quỹ đầu tư tư nhân.

"Thách thức này khá điển hình tại Việt Nam khi phần lớn doanh nghiệp tư nhân thuộc sở hữu của cá nhân hoặc gia đình và nhà sáng lập cũng đồng thời là người điều hành doanh nghiệp", nhóm nghiên cứu cho hay.

Ngoài ra, những lo ngại về xung đột tiềm ẩn trong tầm nhìn và sứ mệnh cùng với khó khăn trong việc chia sẻ quyền điều hành khiến các công ty tư nhân ngần ngại hợp tác với các nhà đầu tư.

Chia sẻ quan điểm về các yếu tố cần xem xét khác khi đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, báo cáo của Grant Thornton cho hay, các nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại đáng kể đối với sự thiếu nhất quán trong các quy định và thủ tục đầu tư, cũng như vấn đề tham nhũng.

"Bởi họ cho rằng sự thiếu minh bạch trong thông tin của doanh nghiệp là yếu tố chính gây nên sự thất bại của các thương vụ", báo cáo nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, kinh tế tư nhân có triển vọng phát triển hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo với khả năng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

"Mọi thành phần trong khối cần nhận thức rõ chưa khi nào có được cơ hội - thuận lợi để phát triển như bây giờ, để tính toán các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, lối đi cho doanh nhân - doanh nghiệp tư nhân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, chặt chẽ và công bằng".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top