Việt Nam hùng cường - Biến khát vọng thành hiện thực

Việt Nam hùng cường - Biến khát vọng thành hiện thực

Thứ Sáu, 14/06/2024 - 06:10

Với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện khát vọng về một Việt Nam hùng cường, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc; và toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực biến khát vọng đó thành hiện thực.

********

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra định hướng: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Đến nay, chúng ta đã đi được gần nửa chặng đường; thành quả đạt được là không nhỏ nhưng nhiệm vụ phía trước cũng còn lắm bộn bề, đòi hỏi không những phải có quyết tâm cao mà còn cần bản lĩnh và trí tuệ, biến thách thức thành cơ hội, vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng tới thịnh vượng. 

Việt Nam hùng cường - Biến khát vọng thành hiện thực- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Hiển Hồ

1. Biến đổi nhanh chóng

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với GDP năm 1990 chỉ 14 tỷ USD, năm 2010 đạt 116 tỷ USD, năm 2020 đạt 268,4 tỷ USD và đến năm 2023 tăng lên 430 tỷ USD, kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 34 trên thế giới (theo bảng xếp hạng của CEBR). CEBR dự báo, GDP năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt 462 tỷ USD đứng thứ 33 trên bảng xếp hạng WELT.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học và Kinh doanh của Anh (Centre for Economics and Business Research - CEBR) nhận định, tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024 - 2028 và 6,4% trong 9 năm tiếp theo. Do đó, GDP của Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD, vươn lên vị trí 24 vào năm 2033 và đạt 1.559 tỷ USD năm 2038, vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua các nước ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại phía sau hoặc lệ thuộc hơn vào nước giàu. Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, chúng ta cần thực hiện nhiều sự chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
GS.TSKH. Nguyễn Mại

Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ, đã ký 17 FTAs thế hệ mới, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương.

Tại Hội nghị Ngoại giao ngày 19/12/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác đối ngoại và ngoại giao năm 2023 đã "đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước".

Năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 28 lãnh đạo cấp cao các nước tới thăm, trong đó có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cũng trong năm 2023, có 22 chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Theo UNDP, Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI - chỉ số phát triển con người - từ năm 1990 đến 2022 đã tăng từ 0,492 lên 0,726 (gần 50%), đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance đánh giá, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023; năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông, nền kinh tế có độ mở lớn chịu tác động đan xen bởi tình hình quốc tế phức tạp, khó lường, căng thẳng địa chính trị, sự gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính, dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế, xã hội, môi trường và hiệu ứng nhà kính, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu, nhưng cũng kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại phía sau hoặc lệ thuộc hơn vào nước giàu. Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, chúng ta cần thực hiện nhiều sự chuyển đổi, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

2. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì quốc gia phát triển cần đạt được các tiêu chí: Về kinh tế như thu nhập bình quân đầu người, tổng sản phẩm nội địa, mức độ công nghiệp hóa, bình quân tiêu chuẩn sinh hoạt và số lượng cơ sở hạ tầng công nghệ; và phi kinh tế như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đánh giá trình độ học vấn, khả năng đọc viết và sức khỏe của dân cư. Năm 2020 WB đề ra tiêu chí nước phát triển là nước GDP/người hàng năm từ 12.696 USD trở lên.

Lịch sử của nước ta đã chứng kiến khí phách dân tộc, sự hy sinh và cống hiến của nhiều thế hệ người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong hòa bình; đã đạt được thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế... Hiện nay, người Việt Nam đang năng động, sáng tạo để xây dựng quốc gia thịnh vượng, công bằng, văn minh, không để một ai bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam hùng cường - Biến khát vọng thành hiện thực- Ảnh 2.

Việt Nam có cơ hội vượt qua các nước ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Ảnh minh hoạ: Huy Phan

Chiến lược phát triển 2021 - 2030 chỉ ra: "Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững… phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân".

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đẩy nhanh quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng của quốc gia, làm biến đổi cơ cấu giữa các ngành kinh tế do quá trình tự động hoá theo hướng công nghệ số và kinh tế tuần hoàn. Quá trình công nghiệp hóa ở nước ta vừa phải tiếp tục xây dựng với công nghệ hiện đại một số ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí, luyện kim, dầu khí, hóa chất cơ bản, vừa phải tập trung đầu tư để nhanh chóng hình thành một số ngành công nghệ cao như bán dẫn, điện tử, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR), Internet vạn vật (IoT), Blockchain (được mệnh danh là sổ cái điện tử), ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch, dịch vụ số.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP thì cần: (1) Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho R&D, Đổi mới & Sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp thành lập Trung tâm R&D và chuyển giao công nghệ bằng chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính; (2) Thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị gia tăng; (3) Đầu tư đào tạo công dân thế hệ số, cải cách giáo dục và đào tạo để lớp công dân mới có tri thức và kỹ năng thích ứng với kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; (4) Có chính sách thu hút chuyên gia người Việt Nam và người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng trong các ngành nghề ưu tiên phát triển.

3. Tư duy mới, đột phá mới

Tư duy phát triển có thể được hiểu là tư duy dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn, nhận thức đúng bản chất và thực trạng tình hình, nhìn ra được xu thế và cơ chế khách quan của sự vận động, trên cơ sở đó xác định được định hướng chiến lược phát triển phù hợp, các nhân tố và thể chế thúc đẩy phát triển. Trong đó cần chú trọng ba yếu tố là hoàn thiện thể chế, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đổi mới quản lý nhà nước.

3.1. Hoàn thiện thể chế

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), thể chế có thể được hiểu là cái tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ. Mặc dù Nhà nước ta đã dành nhiều thời gian và công sức để xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng tiếp cận với các quy chuẩn thế giới, nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, tính minh bạch, ổn định để dự báo còn thấp, sai phạm về hình thức văn bản vẫn xảy ra.

Để khắc phục những khiếm khuyết trên đây, Chiến lược phát triển 2021- 2030 đề ra định hướng: "Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương".

3.2. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng

Từ năm 2011 đến nay cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số. Do đó, Đại hội XIII của Đảng xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số: "Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Để thực hiện chủ trương của Đảng, cần: (1) Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới điện, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu. (2) Rà soát, tháo gỡ các rào cản trong thể chế, pháp luật, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, ổn định, bình đẳng trong hệ thống pháp luật về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. (3) Huy động các nguồn vốn đầu tư từ trong nước và quốc tế để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại cho phát triển kinh tế số. (4) Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; có chính sách ưu đãi các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch. 

3.3. Đổi mới quản lý nhà nước

Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nước ta đã thu được thành tựu được ghi nhận về tinh giản bộ máy công quyền, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức của đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần phải khắc phục như năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Để tận dụng được cơ hội và vượt qua các thách thức đối với quá trình phát triển cần phải đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.

***

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Hưởng ứng lời hiệu triệu ấy, toàn thể dân tộc Việt Nam với khí thế triệu người như một đã đoàn kết một lòng, tiến hành các cuộc kháng chiến chính nghĩa để bảo vệ đất nước, giữ vững nền độc lập và thống nhất giang sơn về một mối. Ngày nay, khí thế ấy lại tiếp tục được phát huy, nhân lên gấp bội trong thời đại mới để xây dựng đất nước phồn vinh. Hơn lúc nào hết, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng dân tộc Việt Nam có đủ nghị lực và trí tuệ, biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để sớm biến khát vọng thịnh vượng thành hiện thực./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top