Aa

Viettel – Niềm tự hào thương hiệu Việt

Thứ Bảy, 01/06/2019 - 07:40

Viettel thành công là do họ đã biết cộng hưởng những sức mạnh rất “đặc thù”, và quan trọng nhất, họ dám chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi.

Có thể là chủ quan, nhưng tôi nghĩ rằng, có 3 thương hiệu Việt đem lại những niềm cảm hứng tự hào lớn nhất cho người Việt, đó là Viettel, Vingroup và Vinamilk. Rất “ngẫu nhiên”, cả ba thương hiệu ấy đều khởi nguồn tên gọi của mình bằng sự nhắc nhớ về hai tiếng Việt Nam!

Cũng “ngẫu nhiên” mà vui mừng rằng, ba thương hiệu này là ba đại diện cho những khối kinh tế nội địa. Viettel “thuần” nhà nước, Vinamilk là sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, còn Vingroup ở phía “tư nhân thuần chủng”.

Mở đầu như thế để hiểu rằng, ở “thành phần” nào cũng được, miễn là chúng ta có những con người tài năng, tâm huyết, những hạt nhân sáng tạo và một tập thể cùng chung lý tưởng thì chúng ta sẽ có những thương hiệu thành công.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khánh thành và thăm trụ sở Tập đoàn Liên doanh Viettel Myanmar (Mytel). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khánh thành và thăm trụ sở Tập đoàn Liên doanh Viettel Myanmar (Mytel). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Mùng 1 tháng 6 này, Viettel bước sang tuổi “tam thập nhi lập”, chúng ta hãy thử một chút lạm bàn về sự thành công của Viettel.

Ba mươi năm, với đời của một con người hay một doanh nghiệp, thì đều, dài đấy mà ngắn đấy. Với những người của công ty điện tử thiết bị thông tin Sigelco ngày nào, thì đó là cả một chặng dài ký ức.

Ba mươi năm đã đủ khiến họ từ những tráng niên chưa vợ chưa chồng, trở thành ông bà với mái tóc điểm sương. Nhưng chắc chắn, nếu để họ kể về những “kỳ tích” mà Viettel đạt được, thì câu chuyện mới chỉ như của ngày hôm qua.

Viettel – Niềm tự hào thương hiệu Việt

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương. Ảnh: Báo Chính phủ.

Sự bắt đầu của Sigelco – Viettel của ba mươi năm trước, giống như sự khởi đầu của vạn ngàn doanh nghiệp mà thôi! Họ bắt đầu từ con số không (có thể âm – dương một chút) và cũng đều với rất ít người. Điều đó chưa có cơ sở để tự hào.

Nhưng, để từ “con số không” đó mà trở thành một Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel ngày nay, với vị trí Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu; với giá trị thương hiệu 4,3 tỷ USD - thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới; với hơn 70 nghìn CBNV và với “cánh tay” vươn dài tới 13 quốc gia cùng trăm triệu khách hàng ở ba châu lục… thì đó là điều để rất đỗi tự hào.

Trong những năm gần đây, xã hội bàn nhiều, buồn nhiều, về sức mạnh của những “quả đấm thép”. Nhưng khi nói về Viettel, từ chính khách đến người dân hay cộng đồng doanh thương đều dành những lời tôn trọng. Lời tôn trọng ấy có từ sức mạnh thực sự của Viettel. Nói là làm! Làm là được!

Cũng nhiều người nói Viettel thành công vì “nước sông công lính”. Nhưng sao không nghĩ, có biết bao tập đoàn nhà nước, cả trong và ngoài quân đội, đều có “lợi thế” này mà làm mãi, tiền lãi vẫn không bằng gửi ngân hàng (chưa kể cơ bản là thua lỗ)?

Lý giải được sự thành công của Viettel, sẽ giải đáp được phần nào cho những yếu kém trong sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Hình như, tất cả đều bắt đầu từ con người.

Sau một trận bóng thua và bực tức trước sự hào hứng của HLV bên thắng cuộc, ông Arsene Wenger của Arsenal có thốt lên một câu: “Khi người ta thắng thì nói gì chẳng đúng!”.

Nhưng hãy thử nghĩ, cũng cơ chế ấy, cũng hoàn cảnh ấy, cũng phải cạnh tranh khốc liệt (thậm chí không được độc quyền như nhiều trường hợp khác), Viettel thành công là vì sao? Ấy là chưa kể họ còn phải “gánh vác” những nhiệm vụ “đặc thù quân đội” khi ở trong nước; và khi “mang chuông đi đánh xứ người”, “cái tiếng” quân đội hình như không phải là lợi thế?! Lý giải được sự thành công của Viettel, sẽ giải đáp được phần nào cho những yếu kém trong sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Hình như, tất cả đều bắt đầu từ con người.

Còn so với những tập đoàn kinh tế tư nhân, với ràng buộc cơ chế của một doanh nghiệp nhà nước, một quyết định của những người lãnh đạo nhưng lại là “ông chủ làm thuê” của Viettel như ông Xuân, ông Hùng ngày trước và ông Dũng hiện nay sẽ khó khăn hơn nhiều so với những ông chủ tư nhân thực sự; trong khi thời cơ và thời gian của những quyết định sẽ đem đến thành công và tiền bạc.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng trở thành Quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng giám đốc Viettel.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng hiện là Quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng giám đốc Viettel.

Tất nhiên là phải nhìn tích cực, nhưng thử nghĩ, những câu hỏi: “Mình được gì từ quyết định mạo hiểm này?”; “Thắng đã vậy, thua thì sao?”, “Mình quyết định điều này vì cái gì?” vv và vv.. có khiến họ nao núng, băn khoăn không?: Câu trả lời và cả sự khác biệt ở đây là động lực ra quyết định.

Người Viettel đã tự đúc rút kinh nghiệm thành công và xây dựng định hướng phát triển của mình qua 8 giá trị cốt lõi:

1. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý.

2. Trưởng thành qua những thách thức và thất bại.

3. Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh.

4. Sáng tạo là sức sống.

5. Tư duy hệ thống.

6. Kết hợp Đông - Tây.

7. Truyền thống và cách làm người lính.

8. Viettel là ngôi nhà chung.

Điều đó quá đúng rồi, nhưng không phải cứ nói được thì làm được. Và đó cũng chỉ là “nói theo cách của Viettel”. Còn cá nhân mình, dù hơi lý thuyết, nhưng tôi nghĩ, Viettel thành công là do họ đã biết cộng hưởng những sức mạnh rất “đặc thù”, đó là tính kỷ luật quân đội, sự quyết liệt, sức sáng tạo của tuổi trẻ và quan trọng nhất, họ dám chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi.

Dù đang là “ngọn đuốc” tiên phong trong các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng và trong các thương hiệu Việt nói chung, là những người “khiến thế giới phải nhìn nhận Việt Nam không còn nhỏ bé”, nhưng người Viettel không “ngủ quên trên chiến thắng”. Quên đi những kỷ lục, những kỳ tích đã đạt được, tự nhận thấy rằng dừng lại là tụt hậu, họ mạnh dạn tạo cho mình bằng những áp lực phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể hơn, Viettel tự đặt cho mình phải trở thành Tập đoàn công nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới, phải đạt mốc chinh phục doanh thu 80 tỷ USD với chiến lược kinh doanh toàn cầu trong mười năm tới.

Tôi đã từng đến châu Phi, từng gặp gỡ những người lính Viettel làm việc dưới cái nóng trên 40 độ C nơi xứ người để ngoài thực hiện những mong muốn rất đời thì còn mong muốn “mang giá trị Việt ra thế giới”. Cũng từng viết rằng, “Hạnh phúc của người Viettel là được chinh phục, được cống hiến”. Thế nên, dù ngày mai vẫn ở phía trước và ta không nói trước được gì, nhưng tôi vẫn tin, nếu giữ được tinh thần ấy, khát vọng ấy, Viettel sẽ chinh phục được đỉnh Everest của mình.

Còn hôm nay, vào đúng ngày Viettel bước vào tuổi 30, tôi nghĩ rằng, với những gì mà Viettel đã làm, đã cống hiến  cho Tổ quốc, các anh chị xứng đáng được tôn vinh với vai trò là “Những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top