Aa

VN-Index lên hơn 28 điểm trong phiên 11/6, DXG tăng trần trở lại

Thứ Sáu, 11/06/2021 - 06:30

Thị trường chứng khoán tăng mạnh trong phiên 11/6 trước sự hưng phấn của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... DXG tăng trần trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần 11/6. Các chỉ số đều tăng điểm mạnh với sự bứt phá của nhiều nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... Giao dịch trên thị trường cũng “mượt mà” hơn các phiên trước khi tình trạng bảng giá hiển thị sai dường như không còn xuất hiện.

Sau phiên giảm điểm hôm trước, thị trường mở cửa phiên 11/6 với sự thận trọng nhất định. Các chỉ số biến động giằng co quanh mốc tham chiếu với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột.

Tuy nhiên, khoảng nửa sau của phiên sáng trở đi, biến động trên thị trường trở nên tích cực hơn khi hàng hoạt cổ phiếu ngân hàng hay chứng khoán nới rộng sắc xanh, các chỉ số vì vậy cũng tăng điểm rõ nét hơn.

CTG là cổ phiếu khởi động cho sự bứt phá của thị trường chung khi tăng trần lên mức 52.900 đồng/cp. Cổ phiếu này bứt phá ngay khi xuất hiện thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho VietinBank (HoSE: CTG) tăng vốn điều lệ từ hơn 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng theo phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017 - 2018, tỷ lệ hơn 29%.

Bên cạnh CTG, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như STB, HDB, TCB, MBB, TPB... cũng đua nhau bứt phá theo.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 11/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Cùng nhóm tài chính, các cổ phiếu chứng khoán cũng nhận được lực cầu lớn trong phiên 11/6. Trong đó, cổ phiếu đầu ngành là SSI cũng tăng đến 6,6% lên 50.100 đồng/cp. Các cổ phiếu như FTS, VND, SHS, BSI... cũng đua nhau bứt phá.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, giao dịch diễn ra tích cực theo xu hướng thị trường chung. Sắc xanh ở nhóm này đã áp đảo hoàn toàn trong đó ghi nhận các cổ phiếu như BVL, VNI, STL, TN1 DXG hay CIG được kéo lên mức giá trần.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 11/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

22 triệu cổ phiếu BVL của CTCP BV Land đã lên giao dịch ngày đầu tiên trên UPCoM vào ngày 11/6. Chốt phiên, BVL leo lên mức 13.500 đồng/cp nhưng khớp lệnh vỏn vẹn 2.000 đơn vị.

DXG sau 4 phiên giảm liên tiếp (trong đó có 2 phiên giảm sàn) đã hồi phục trở lại khi đóng cửa ở mức 25.250 đồng/cp. Đà giảm trước đó của cổ phiếu này được cho là đến từ thông công ty có kế hoạch phát hành thêm 207 triệu cổ phiếu trong đó có 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương ứng 38,59% lượng cổ phần đang lưu hành) và 7 triệu cổ phiếu ESOP. Giá phát hành riêng lẻ là giá đã chiết khấu 20% so với bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất, còn giá phát hành ESOP là 0 đồng.

Mới đây, DXG có tờ trình thay đổi phương án phát hành cổ phiếu ESOP và cổ phiếu riêng lẻ, bổ sung phát hành cổ phiếu thưởng trong nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Về phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, nguyên tắc xác định giá là giá đã chiết khấu 10 - 15%, bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 ngày giao dịch gần nhất trước thời điểm HĐQT quyết định mức cụ thể nhưng không thấp hơn 20.000 đồng/cp. Về phương án phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành mới được công bố là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như PDR, HQC, CII, FIT, HDC, KDH... cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Các mã bất động sản vốn hóa lớn biến động tích cực và cũng góp phần lớn trong việc đưa VN-Index “bayc cao”. Trong đó, VIC tăng 1,3%, VHM tăng 1,8%, VRE tăng 2,3%, THD tăng 15, PDR tăng 5%, NVL tăng 1,3% còn BCM tăng 3,6%.

Trong khi đó, không có nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm giá ở phiên 11/6. BII giảm 5,3% xuống 7.200 đồng/cp. BII mới đây công bố Nghị quyết HĐQT thông qua đơn từ nhiệm của ông Đỗ Thành Nhân và giới thiệu 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nhân không còn là thành viên HĐQT của Louis Holdings kể từ ngày 10/6, sau hơn 4 tháng tại nhiệm. Lý do được ông Nhân đưa ra là do kế hoạch công việc cá nhân.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 28,16 điểm (2,13%) lên 1.351,74 điểm. Toàn sàn có 293 mã tăng, 104 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,37 điểm (1,72%) lên 316,69 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 62 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,76 điểm (2,02%) lên 88,93 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao và xấp xỉ so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 1,01 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 29.400 tỷ đồng. HQC và DXG là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 36,5 triệu cổ phiếu và 20,8 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 11/6.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 640 tỷ đồng trong phiên 11/6. DXG vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh với 133 tỷ đồng. VIC, THD và HQC cũng là các mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, VHM được khối ngoại mua ròng 97 tỷ đồng. KDH và PDR cũng là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 72 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 22,31 điểm (-1,6%) xuống 1.351,71 điểm; HNX-Index giảm 13,07 điểm (-4%) xuống 316,69 điểm. Thanh khoản trên hai sàn xấp xỉ so với tuần trước với trung bình khoảng gần 31.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 0,2% lên 134.210 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,6% lên 4,08 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 7% xuống 22.233 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 9,5% xuống 933 triệu cổ phiếu.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường điều chỉnh sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp với mức giảm không lớn nhưng thanh khoản trong tuần qua tiếp tục ở mức rất cao với trung bình hơn 30.000 tỷ giao dịch mỗi phiên trên hai sàn cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua là khá mạnh. Rất may là VN-Index đã cho phản ứng hồi phục kỹ thuật khi lùi về quanh ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn MA20 trong phiên 9/6 và bật lên khá tốt từ đây đã giúp kiềm chế đà giảm của chỉ số. Trên góc nhìn sóng elliott, thị trường đã cho dấu hiệu về việc kết thúc sóng 5 sau khi tạo đỉnh quanh ngưỡng 1.375 điểm trong tuần qua để bước vào sóng điều chỉnh a. Tuy nhiên, trên góc nhìn các đường trung bình động thì MA20 và MA50 vẫn đang hỗ trợ tốt cho chỉ số trong giai đoạn này và chưa có sự thay đổi xu hướng trong ngắn và trung hạn. Theo đó, cần tiếp tục theo dõi trong tuần tiếp theo xem chỉ số có thể vượt qua ngưỡng 1.375 điểm để nối dài sóng tăng 5 hay không. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 14/6 - 18/6, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi áp lực bán gia tăng tại vùng giá hiện tại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top