Aa

VN-Index vượt 1.400 điểm trong phiên 28/6, VHM bứt phá

Thứ Ba, 29/06/2021 - 06:00

Sắc xanh áp đảo ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và giúp VN-Index vượt mốc 1.400 điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa nhưng một số mã như VHM, THD, DIG, KBC... đồng loạt tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần mới theo cách tích cực. Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 28/6 với sắc xanh áp đảo ở nhóm vốn hóa lớn, các chỉ số vì vậy cũng đồng loạt tăng điểm. Giao dịch có phần giằng co ở trên mốc tham chiếu ở nửa đầu của phiên sáng. Trong khoảng thời gian còn lại, sự hưng phấn đã xuất hiện và nhiều cổ phiếu trụ cột bứt phá mạnh, chính điều này giúp nới rộng đà tăng của VN-Index và HNX-Index.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép có sự bứt phá mạnh. MSB bất ngờ được kéo lên mức giá trần 30.300 đồng/cp. Phiên 28/6, một số CTCK đã bắt đầu đưa MSB vào danh sách được giao dịch ký quỹ và đây cũng có thể là nguyên nhân giúp cổ phiếu này giao dịch bùng nổ, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này vọt lên mức 26,6 triệu cổ phiếu, trong khi trùng bình các phiên trước chỉ vào khoảng 8,5 triệu cổ phiếu/phiên.

Bên cạnh đó, TPB tăng 4,9% lên 37.650 đồng/cp, TCB tăng 3,9% lên 53.600 đồng/cp, SHB tăng 3,3% lên 28.000 đồng/cp, BID tăng 3% lên 46.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phieen 28/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Đối với nhóm thép, HPG tăng 3,4% lên 52.400 đồng/cp bất chấp việc hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HPG được giao dịch bổ sung. Đây là lượng cổ phiếu HPG phát hành thêm để trả cổ tức cổ phiếu năm 2020.

HSG tăng 3,5% lên 42.750 đồng/cp. HSG mới công bố sản lượng tháng 5 đạt 223.273 tấn, tăng 3% so với tháng trước. Doanh thu 4.566 tỷ đồng, tương đương song lợi nhuận 602 tỷ đồng, tăng 12% so với tháng trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục đạt được theo tháng của đơn vị này. Lũy kế 8 tháng niên độ 2020-2021, doanh thu của HSG đạt 29.062 tỷ đồng, thực hiện 88% kế hoạch và lợi nhuận 2.810 tỷ đồng, vượt 87% kế hoạch năm.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 28/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn xuất hiện ở một số cổ phiếu lớn như VNM, SAB, VJC, VCS, VPB,.. Trong đó, VNM giảm 0,6% xuống 89.200 đồng/cp và vốn hóa bị cả BID và TCB vượt mặt. Hiện vốn hóa của VNM đứng thứ 8 trên TTCK Việt Nam và đạt 187.051 tỷ đồng.

Tại nhóm bất động sản, các cổ phiếu lớn gồm VIC, BCM hay PDR cũng giảm giá và gây đôi chút khó khăn đến biến động của VN-Index. VIC giảm 0,7%, PDR giảm 0,4% còn BCM giảm 0,4%. Theo thông báo mới đây của BCM, ngày 23/7 công ty sẽ chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2020 tỷ lệ 4%, 1 cổ phiếu nhận 400 đồng.

Dù vậy, VHM là điểm sáng của nhóm bất động sản khi tăng 3% lên 115.500 đồng/cp và đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 3,21 điểm (0,23%). Bên cạnh đó, VRE cũng tăng 0,6% lên 31.800 đồng/cp và THD tăng 1,6% lên 203.200 đồng/cp.

Sự phân hóa vẫn diễn ra ở nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, NVT được kéo lên mức giá trần 10.150 đồng/cp. NVT đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất là 279 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế 40,7 tỷ đồng, tăng mạnh đến 113% so với thực hiện năm 2020. HĐQT đã thông qua ý kiến cổ đông sẽ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số lượng phát hành riêng lẻ là 25 triệu cổ phiếu với mức giá chào bán là 20.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, nhiều mã có thanh khoản cao biến động tích cực như DIG tăng 3,1%, KBC tăng 2,9%, ITA tăng 2,4%, FIT tăng 1,9%.

Chiều ngược lại, các mã bất động sản thanh khoản cao giảm sâu có LGL, TDH, FLC, HAR... Trong đó, LGL bất ngờ giảm sàn xuống 6.330 đồng/cp

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,69 điểm (1,13%) lên 1.405,81 điểm. VN30-Index tăng 21,11 điểm (1,41%) lên 1.521,41 điểm. HNX-Index tăng 4,88 điểm (1,53%) lên 323,1 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 114 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,36%) lên 89,8 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện với khối lượng khớp lệnh đạt 25.800 tỷ đồng. FLC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 23 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 28/6.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại bán ròng trở lại 203 tỷ đồng ở phiên 28/6, trong đó, NVL và PDR là 2 mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 19 tỷ đồng và 10,8 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 134 tỷ đồng. Ngoài VHM, các cổ phiếu bất động sản như VIC hay DXG cũng được mua ròng mạnh.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch đầu tuần với thanh khoản được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh, vẫn có sự thận trọng nhất định từ nhà đầu tư đối với thị trường. Trên góc nhìn phân tích kỹ thuật, VN-Index đang tiến dần tới mốc kháng cự mạnh quanh ngưỡng 1.420 điểm do vậy các giao dịch ngắn hạn mua đuổi ở vùng giá cao hiện tại không được khuyến khích. Dự báo, trong phiên giao dịch 29/6, thị trường có thể sẽ rung lắc tại vùng giá hiện tại.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top