Aa

Một cách tiêu pha thời gian

Thứ Ba, 07/04/2020 - 06:30

Người nào biết tận dụng thời gian sống để làm được việc mình yêu thích, hẳn người đó hạnh phúc. Ai đó biết trân quý thời gian, chắc phải là người hiểu giá trị sống tối giản.

Hạn sống của mỗi người vốn không định trước. Đôi khi, cách sống chi tiêu tiền bạc cho nhà cửa, xe máy, xe hơi, chi tiêu cho các loại hóa đơn, hàng hiệu quá tay thì ta không tiếc gì; chỉ có thời gian là đáng nuối tiếc nhất thì chúng ta lại rất ít khi chú ý. Thời gian, kim giây chạy nhanh, kim giờ vẫn chạy chậm là để chờ đợi kim giây lướt qua, chờ đợi chính cách tiêu pha thời gian của ta mà thôi. 

Cũng có người đến lúc nghỉ hưu vẫn rối rít kêu bận, hỏi bận gì thì cười cười, ấy là cứ nói bận để tránh gặp nhau, đàn đúm thấy làm phiền bạn. Nhưng lại có những người thích tụ họp (khi chưa có dịch và sau dịch), họ thích thế, chẳng ảnh hưởng đến ai, chẳng ảnh hưởng đến thế giới hòa bình. Mỗi lần họ tụ tập quán bia là lại "zô zô". Ai không thích đám đông thì tránh, tránh xa cũng là một cách ứng xử. 

Tiêu thời gian rỗi, vô hại không tiếc ngày xanh; lại có người “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm) để sống. Ở một chung cư nọ, có một đôi vợ chồng già muốn buông xuôi mọi thứ, nhà cửa, tài sản, bán nhà giao lại con. Con cầm tiền, rồi gửi ngay bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão, lúc bố mẹ chết không thấy mặt con bên cánh cửa. 

Đó cũng là một cách tiêu tiền, tiêu thời gian. Nhưng cách thương con kiểu này, đôi vợ chồng ấy cũng để lại cho đời một bài học kinh nghiệm về cách yêu con. Mẫu số chung của bậc cha mẹ người Việt là thương yêu con theo truyền thống "nước mắt chảy xuôi", nhưng ngày nay con cái thương cha mẹ không hẳn như vậy. Nói như thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, “chẳng ai thương lấy thì thương lấy mình”.

Những ngày cách ly, liệu các thành viên trong gia đình có xích lại gần nhau hơn? Tại một căn nhà chung cư chật, khi người chồng kiên quyết không chịu đưa sổ tiết kiệm cho vợ, mà số dư của sổ chỉ có vài triệu bạc, thế là cãi nhau. Ở chung cư, vách mỏng, bạn không muốn nghe cũng phải nghe. Có lúc hàng xóm lại ước, giá như không có dịch "Cô Vy" để có thể bỏ ra ngoài. Đêm đó, cái ông hàng xóm không chịu đưa cho vợ sổ tiết kiệm, đi đứng bị ngã, gãy cả răng cửa, lúc nằm đau răng co giật, chẳng được vợ con cúi xuống xót thương. Chả lẽ cái giá của yêu thương được tính không bằng vài triệu bạc trong cuốn sổ tiết kiệm. 

Những ngày cách ly, liệu các thành viên trong gia đình có xích lại gần nhau hơn?

Ở nhà chật, nhiều lúc tôi hình dung cứ giống như hai con kiến chụm đầu vào nhau, "tai vách mạch rừng" nó cứ lan ra, không thể nói là chuyện không buồn. Nhiều chuyện buồn nơi nhà chật, hình như lại sinh ra một loại virus khác rất khó đặt tên, nêu tên, nếu như phòng ở, dung nạp có tới ba thế hệ. Ba thế hệ độ chừng 6 con người, cùng ăn cùng ngủ, cùng chơi, phòng kiểu chung cư cũ, cũng là một sự chịu đựng nhau. Nhiều khi tối muộn, tôi vẫn thấy một cụ ông ngồi ở hành lang như cái bóng của con gấu ở miền Bắc Cực. Không ai hiểu cho ông cụ buồn bã chuyện gì.

Bên trên hàng xóm nhà tôi nữa, ở tầng 3, chị là vợ một bác sỹ khoa ngoại, người chồng từng cầm dao mổ rất giỏi, cứu được bao người, nhưng rồi anh gục xuống mất đi sau một cơn trụy tim. Người vợ mới ba mươi tuổi, là điều dưỡng viên làm ở khoa hồi sức cấp cứu một bệnh viện lớn. Chị từng chứng kiến bao nhiêu cái chết trẻ, từng chứng kiến bao nhiêu nỗi đau mất chồng, mất con của người dân mình, nay cũng đứng tim khi hay tin chồng mất sau bữa ăn trưa. Chị đã không khóc được ngay và không rõ bao lâu sau mới khóc. Rồi chị ở vậy nuôi đứa con trai trưởng thành. 

Không có người đàn ông trong nhà, nhiều khi đi trực đêm về mệt, hai mẹ con lại ra ăn quán cho tiện. Rồi những ngày cách ly tháng Tư này, đứa con trai ao ước: “Từ ngày bố mất, con không thấy mẹ nấu bún thang?". Ngày giỗ, người mẹ vịn lý do với con: “Giỗ chạp cúng bún, bố con ăn bún sẽ rối ruột”. Đúng là lâu rồi chị chẳng chịu nấu bún thang, món mà chồng và con trai chị rất thích. Cũng vì bận rộn nên không mấy khi bày vẽ ra bún thang, món ăn phải làm công phu mới ngon được.

Mấy ngày, sau giờ giảng dạy online, chị ở nhà cách ly. Người mẹ điều dưỡng viên này mới hì hụi làm bếp. Vốn sẵn trứng muối được 1 tháng, chị vớt luộc sẵn. Buổi chiều chuẩn bị đầu tôm khô cho vào cái túi khâu bằng vải xô màn, rồi ninh nhỏ lửa. Chị giã ruốc tôm từ chiều hôm trước. Sáng sớm lại mò mẫm ra chỗ góc chợ Nguyễn Công Trứ, đặt mua con gà ta về ninh lấy nước trong, pha chế với nước tôm khô (tất cả đều làm kỹ càng, nước trong và thơm dịu) đúng vị của nước dùng bún thang. 

Bún thang ngon nhất là nước dùng, đủ độ trong và đủ hương của mùi gà xé phay sợi nhỏ, trứng thái chỉ, trứng muối cắt lát để giữa, giò thái chỉ và củ cải dầm cũng thái chỉ. Bát bún thang được bày biện đẹp như một bức tranh.

Nguyên liệu làm bún thang được chuẩn bị kỳ công. (Ảnh: HVH)
Bát bún thang được bầy biện đẹp như một bức tranh với nước dùng trong, ngọt thơm. (Ảnh: HVH)

Cậu con ngồi nhìn mẹ làm rồi ngẩn ra giao hẹn: "Hay cứ mỗi tuần mẹ dạy con nấu một món, thứ bảy này bún thang, thứ bảy sau nấu bún ốc đậu phụ, chuối xanh hoặc bún ốc nguội. Sau dịch Covid, con đã xong một khóa học nấu ăn từ mẹ. Nhưng hai món bún để con thuộc bài, rồi mẹ lại dạy con các món khác. Nhà con một, mẹ không dạy, sau này mẹ mất đi không nấu nổi miếng ngon mà ăn là khổ thân". 

"Nấu ăn là một nghề. Ngày xưa bà ngoại dạy mẹ bằng cách chỉ cần con ngồi xem mẹ làm, nhớ các gia vị chi tiết là được. Không ngờ cách dạy gia truyền chỉ cho con ngồi xem mà sau này mẹ đã nhớ nấu được món ăn ngon cho con ăn đến hôm nay".

Cậu con trai vừa ăn bát bún thang, vừa kể chuyện với mẹ: “Ở khoa chụp X Quang của con có cậu bạn vừa đi học ở Pháp về, không biết rau húng quế là gì và không biết ăn thịt ngan thì phải ăn với rau húng quế, ăn gà rán thì nên tránh ăn rau kinh giới. Cậu ta cười, tính dễ ăn, ăn gì cũng được hết. Ăn không nhận ra vị của món ngon thì cũng chưa thể gọi là thưởng thức. Đúng rồi, ông bà ta đã dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Điều đáng học trước tiên là học ăn, đúng và khó nhất mẹ ạ”. Vì nấu ăn ngon chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, biết ăn ngon cũng là một cách biết thưởng thức văn hóa ẩm thực. Món ngon đều có mùi và vị riêng của nó.

Chẳng hạn như món bún ốc nguội, lần nào về quê chị cũng xin cậu mợ một can nước mưa ở bể ngầm, dưới đất. Nước mưa nằm ở bể ngầm, thứ nước mưa hạ thổ, giời ạ, đem pha với nước luộc ốc, rồi để nguội, ăn với bún ốc nguội, tương ớt chưng cay với mỡ gà thì xuýt xoa, vị để đời. Nhưng để học được cách dùng thứ nước mưa hạ thổ kia để nấu bún ốc nguội, người mẹ từng phải cúi gằm mặt ăn bát bún ốc nguội của bà Tư bán bún ốc ở chỗ gần Ô Quan Chưởng bao nhiêu năm, rồi bà mới chỉ cho.

Khi người mẹ tìm ra "chìa khóa" của bún ốc nguội mà không cần tới hạt mì chính, chỉ dùng thứ nước mưa là đủ. Người mẹ cũng nấu bún ốc nguội cho con ăn bằng thứ nước mưa hạ thổ, để sau này con có đi tới đâu, lấy vợ rồi, cũng nhớ về bên mẹ già. Ôi, ở đời lại có người mẹ giữ chân con bằng vị của món ăn… 

Chung cư khép chật lại cho tôi một bài học khác, cách tiêu thời gian là dạy con trai nấu ăn, mấy ai học được. Đây chắc chắn là vị thuốc an thần trị được virus tháng Tư.

Người nào biết tận dụng thời gian sống để làm được việc mình yêu thích, hẳn người đó hạnh phúc. Ai đó biết trân quý thời gian, chắc phải là người hiểu giá trị sống tối giản. Cũng như người làm mẹ này biết lắng nghe ký ức, dạy con làm món bún thang, không chỉ là kỷ niệm yêu thương về người cha trong gia đình, mà để hai mẹ con gần gũi nhau hơn, xích lại gần nhau, cũng là cách tiêu thời gian cho niềm yêu sống bình dị.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top