Aa

Vốn ngân hàng vào bất động sản vẫn đang được siết chặt

Thứ Năm, 12/03/2020 - 10:20

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng để hạn chế rủi ro với lĩnh vực bất động sản, nhất là dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa có văn bản trả lời cử tri liên quan đến thị trường bất động sản và việc kiểm soát tín dụng vào thị trường này.

Theo đó, Thống đốc dẫn số liệu mới nhất cho thấy đến nay tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đã được kiểm soát ở mức hợp lý khi chiếm 32,12% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản, tăng 8,11% so với cuối năm 2018. Tín dụng phục vụ tiêu dùng bất động sản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng khi chiếm 67,88% dư nợ cho vay lĩnh vực này, tăng 25,69% so với cuối năm 2018.

Thời gian qua để hỗ trợ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, trong điều hành tín dụng, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro đối với lĩnh vực này, đặc biệt là kiểm soát tín dụng đối với các dự án phân khúc cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, hướng dòng vốn vào nhu cầu thực.

Doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn triển khai dự án. Ảnh: Linh Anh

Cụ thể, NHNN đã quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo hướng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và áp dụng hệ số rủi ro cao hơn đối với các khoản vay mua nhà có giá trị lớn, nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.

Các tổ chức tín dụng được yêu cầu kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng. Chỉ xem xét cấp tín dụng đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Các ngân hàng thương mại thận trọng xem xét cho vay góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp…

NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, đặc biệt tại tỉnh, thành phố, các khu vực có hiện tượng sốt đất.

Các chương trình tín dụng về nhà ở theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ được NHNN ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn về cho vay, chỉ định BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank tham gia; chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2019, dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP tại ngân hàng chính sách xã hội đạt 2.397 tỷ đồng với 7.139 khách hàng còn dư nợ.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc vốn tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị siết chặt thời gian qua buộc các doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu.

Báo cáo thị trường tiền tệ trong tháng 2 của SSI Research cho thấy có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 72% lượng phát hành trong tháng.

Lãi suất bình quân các lô phát hành trái phiếu bất động sản trong tháng 2 là 11%/năm, giảm so với mức bình quân 11,73% của tháng 1/2020, trong đó, lô phát hành có lãi suất cao nhất 12%/năm kỳ hạn 1 năm…

Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 2 tháng đầu năm nay là 19.398 tỷ đồng kỳ hạn bình quân 4,75 năm, lãi suất bình quân là 10,07%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng chiếm tới 60% tổng lượng trái phiếu phát hành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top