Aa

Vụ chặt, di dời 1.300 cây xanh: Hạnh phúc nào mà chẳng có thương đau?!!

Thứ Tư, 07/06/2017 - 06:25

Đúng lúc Thủ đô Hà Nội đang ở trong những ngày nắng nóng kỷ lục trong suốt 46 năm trở lại đây, dư luận lại "phát sốt" khi được nghe một tin "nóng" không kém: Hà Nội đang lên phương án chặt hạ hơn 1000 cây xanh, chủ yếu là xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng, phục vụ cho dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn nối từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, với tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỉ đồng. Ngay lập tức, rất nhiều cái "đầu nóng" của những người yêu cây xanh lại "bốc hỏa", rầm rầm phản đối...!!!

Chắc rằng, khi công bố quyết định chặt hạ 1.300 cây xà cừ kia để làm đường, chính quyền Hà Nội đã lường trước được việc họ sẽ bị dư luận phản ứng gay gắt. Bởi, đụng đến cây xanh, môi trường ở thời điểm này là vấn đề quá nhạy cảm. Là người cũng yêu cây xanh, thích đi dưới những tán lá xum xuê tỏa bóng mát rượi, tôi cũng không khỏi tiếc nuối, ngẩn ngơ khi hình dung cảnh hàng ngàn cây xà cừ cổ thụ đồng loạt gục xuống hoặc bị bứng đi nơi khác. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ dự án, rồi tham khảo các ý kiến phản biện theo nhiều chiều khác nhau, tôi lại thấy, việc chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh kia là sự lựa chọn kiểu "cực chẳng đã".

Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng

Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng

Trước hết, phải nhìn nhận, đường Phạm Văn Đồng từ trước tới nay được coi là tuyến đường "huyết mạch" của thủ đô. Nó là cửa ngõ giao thông nối Hà Nội với nhiều tỉnh phía Bắc và là điểm đón khách quốc tế đến với Hà Nội. Dù hiện nay đã được "san sẻ" bớt trách nhiệm, nhưng vị thế của tuyến đường này vẫn rất lớn. Quan trọng là vậy, nhưng trên thực tế, đây lại là con đường khá chật trội, nhất là trước sức phát triển ồ ạt của các phương tiện cá nhân. Nhiều người đứng chờ đèn đỏ ở các ngã tư Cổ Nhuế, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn...đã không giữ được sự kiên nhẫn khi có lúc phải qua 3 lần đèn đỏ rồi lại xanh, mới di chuyển được qua những cái ngã 3, ngã 4 "kinh hoàng" ấy.

Những người làm công tác quy hoạch đô thị của Thủ đô đã nhìn ra vấn đề ấy. Nhưng, để bắt tay xây dựng, mở mang là điều mà không phải cứ muốn là có thể làm ngay được. Tôi tin rằng, trong các phương án thiết kế, số phận của 1.300 cây xanh kia chắc chắn là một trong những vấn đề quan trọng, được đưa ra bàn thảo tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Cuộc "giải cứu cây xanh" ồn ào trên mạng cách đây một năm, rồi vụ việc thay thế cây xanh "vàng mỡ-vàng tâm" cách đây chưa xa đã khiến cho những cơ quan chức năng của Hà Nội rút ra nhiều bài học quý giá. Có điều, ngoài chặt hạ, di dời, họ khó lòng làm khác được.

Với kích thước con đường Phạm Văn Đồng như hiện tại, cùng với thực địa hiện nay, để tránh không đụng đến hàng cây xà cừ, chỉ có cách mở rộng về hai bên. Tuy nhiên, ở hai bên, hầu hết các mảnh đất đều đã được quy hoạch làm dự án, công trình phúc lợi, còn lại là đất của các hộ dân đang sử dụng. Dù là loại đất gì đi chăng nữa, nếu muốn "đụng" đến, điều đầu tiên phải đặt ra chính là vấn đề "tiền đâu" để đền bù? Mà tiền để đền bù cho tuyến đường dài dằng dặc ấy, với vị trí và giá đất hiện nay, tôi nghĩ không hề nhỏ. Trước đây, chỉ một quãng phố ngắn như Xã Đàn, Trường Chinh, người ta đã phải "dát vàng" lên đó mới thành được con phố như hiện nay. Số "vàng" tiếng là dát lên đó, thực ra không phải là để trộn vào bê tông, thảm nhựa, mà chủ yếu là dùng để đền bù cho các hộ dân bị thu hồi nhà, đất.

Với chiều dài đường Phạm Văn Đồng, nếu muốn đền bù để mở rộng về hai bên, nhằm giữ nguyên hai rặng xà cừ, tôi nghĩ, chắc chắn Hà Nội phải mất số "vàng" lớn hơn rất nhiều và thời gian triển khai đền bù, giải tỏa cũng dài hơn nhiều lần các con phố kia. Số tiền "đội" lên ấy lấy ở đâu? Đó là bài toán làm đau đầu thành phố. Chẳng phải tự nhiên mà người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã ra tuyên bố "thưởng cho ai đưa ra phương án làm đường Phạm Văn Đồng theo thiết kế đã được phê duyệt mà vẫn giữ được hai hàng cây xà cừ và không bị đội vốn".

Theo thiết kế, ngoài việc chặt hạ cây xanh để mở rộng tuyến đường sang hai bên, dự án đường Phạm Văn Đồng mới sẽ có cả phần đường trên cao. Để xây dựng đường trên cao, hệ thống móng, nền ở dưới phải được thiết kế, xây dựng hết sức kiên cố, cẩn thận, chắc chắn. Muốn vậy, quá trình xây dựng, phải đào, gia cố, dựng trụ, do đó, chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến bộ rễ của cây xà cừ, vốn có đặc thù ăn tỏa ra xung quanh. Khi đó, giả sử có giữ được, thì những cây xà cừ chuẩn bị bước sang tuổi "cổ thụ" kia sẽ không thể vững vàng như trước, và không ai dám đảm bảo rằng, chúng không bị bật rễ, gãy gục khi mưa to, gió lớn. Chỉ cần một cây xà cừ không mong muốn ấy đổ vật ngang ra đường cao tốc, chắc không cần hình dung, chúng ta cũng hiểu hậu quả của nó lớn đến nhường nào!?!

Hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ để làm đường sắt trên cao.

Hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ để làm đường sắt trên cao.

Trong các ý kiến phản đối của người yêu cây xanh, có rất nhiều người chưa từng đặt chân đến Hà Nội. Họ không hiểu thực trạng ách tắc kinh khủng của đường Phạm Văn Đồng hiện nay nên vẫn mơ mộng nghĩ ra cảnh được lãng mạn phóng xe dưới những tán xà cừ xanh mướt mát. Họ đâu biết, cái lãng mạn ấy giờ xa xưa quá rồi, bởi trên thực tế, chỉ cần ra đường Phạm Văn Đồng thôi, là đã gặp cảnh tắc, nếu vào giờ hành chính. Phải nhích từng chút dưới cái mùi khói xăng khét lẹt, bụi bay cay mắt, lúc đó, người ta sẽ muốn cho đường rộng hơn, thông thoáng hơn để đi cho nhanh, cho sớm xong việc, rồi về nhà hoặc kiếm chỗ nào đó nghỉ ngơi. Chẳng ai còn hơi sức đâu để lim dim vè vè tay ga vừa đi vừa mơ tưởng đến những câu thơ dưới tán lá xà cừ xào xạc nữa?!?

Không ít người cứ thấy chính quyền nói đến chặt hạ, di dời cây là nghĩ họ không yêu môi trường, là "xúc phạm" người yêu cây xanh. Nhưng, họ đâu biết Hà Nội đã chủ trương đẩy mạnh trồng mới cây xanh trên các tuyến đường, mở thêm các công viên để điều hòa không khí, tạo "lá phổi xanh" bảo vệ người dân từ khá lâu rồi. Chương trình "trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020" được triển khai từ 2016, đến nay đã có con số hàng nghìn cây xanh được trồng trên nhiều tuyến đường, là minh chứng để thể hiện quyết tâm ấy.

Tất nhiên, cây mới trồng thì không thể ngay lập tức lớn vọt như những hàng cây cổ thụ đã hoặc sắp bị chặt hạ được. Nó phải có thời gian để thích nghi, sinh trưởng, và thời gian ấy có thể lên tới 5-10 năm hoặc lâu hơn. Nhưng, trong thời gian đợi những cây mới trồng ấy lớn lên, chúng ta được đi lại trên những tuyến phố thênh thang, hiện đại, không còn cảnh ách tắc thường trực, tôi nghĩ, âu đó cũng là một sự đánh đổi xứng đáng. "Hạnh phúc nào mà chẳng có thương đau?!?".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top