Aa

Vụ đòi nhà hy hữu: Chạy đua với thần chết! - Kỳ 5: Thế nào là nhà vắng chủ?

Thứ Bảy, 18/03/2017 - 07:31

Chúng tôi biết, “chiến đấu” với một cơ quan quyền lực Nhà nước cấp quận vào loại to nhất nhì ở Thủ đô như thế này để cho họ thấy cái sai mà sửa quả là không dễ dàng. Nhưng thật may mắn là trong vụ việc này, họ lại không giỏi lắm về luật pháp, hoặc là họ đọc các văn bản pháp lý rất ... lơ mơ!

Đọc xong cái văn bản mà Chánh văn phòng Ủy ban Chử Ngọc Tuất, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, bởi hai lẽ: Thứ nhất, tính đến ngày 1/7/1991, ngôi nhà số 27 Yên Phụ không phải là nhà vắng chủ.

Chúng tôi hiện đang giữ một văn bản của Bộ Nội thương (cũ) gửi đồng chí Giám đốc Sở Ăn uống phục vụ Hà Nội ngày 17/9/1976 đã ghi rõ: "Đồng chí Vũ Hồng Tân là cán bộ lâu năm của ngành hiện đang công tác ở Ty thương nghiệp Vĩnh Phú. Đồng chí Tân có ngôi nhà 27 Yên Phụ bấy nay không sử dụng (vì gia đình chuyển lên Vĩnh Phú cả) nên ta làm cửa hàng ăn uống tại ngôi nhà này nhưng chưa giải quyết vấn đề thuê hoặc mua lại của chủ nhà là đồng chí Tân.". 

Giấy trắng mực đen như thế, làm sao có thể coi đến ngày 7/1/1991, nhà 27 Yên Phụ là vắng chủ?

Thứ hai, trong vụ việc này đã xảy ra chuyện "sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông". Quyết định của UBND quận Ba Đình cho phép Công ty dịch vụ Quận bán ngôi nhà 27 Yên Phụ từ ngày 28/6/1991 đã vận dụng một văn bản ra ngày 2/10/1991 (!).

Chúng tôi ra về và không quên cảm ơn anh Tuất đã cung cấp cho chúng tôi một văn bản có giá trị pháp lý quan trọng trong cuộc "chạy đua với thần chết này".

Khi sang Sở Nhà đất, quan điểm của lãnh đạo Sở lại ngược hẳn UBND quận Ba Đình trong việc xử lý giải quyết ngôi nhà số 27 Yên Phụ. Đồng chí Lại Hồng Việt, Phó Giám đốc Sở, đã khẳng định Công ty dịch vụ quận Ba Đình không thể phủ nhận quyền sở hữu của gia đình ông Tân. Sở Nhà đất hứa sẽ làm hết sức mình để có thể trả lời UBND thành phố và báo Thương Mại về những văn bản gốc của ngôi nhà này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Và ngày 2/4/1992, Tòa soạn nhận được công văn của Sở Nhà đất có nội dung sau:

"Thửa đất cũ số 269, cụ Vũ Văn Hữu đã làm văn khế bán cho cụ Vũ Văn Xuân năm 1930. Theo hồ sơ lưu trữ lập năm 1943, thửa đất 269 được đổi tên thành thửa đất mới số 30, trên thửa đất này có một gian nhà. Thực tế, gian nhà này không còn nữa do Công ty ăn uống đã xây dựng lại toàn bộ ngôi nhà số 27 Yên Phụ".

Việc xác nhận "thửa đất 269 có một gian nhà" và "nhà này không còn nữa do Công ty ăn uống đã xây dựng lại" trên đây quả vô cùng quý giá đối với gia đình ông Vũ Hùng Tân. Sở Nhà đất là cơ quan duy nhất thay mặt UBND thành phố Hà Nội quản lý các vấn đề sở hữu nhà và sử dụng đất ở Thủ đô.

Theo sổ địa bạ tại Sở, cửa hàng ăn uống chỉ là người sử dụng. Thật vô lý nếu trong cuộc sống xảy ra chuyện thế này: tôi cho anh mượn nhà, anh tự ý đập đi xây lại, sau đó anh khẳng định đây là nhà của anh và đòi bán.

Đến bây giờ, ngay Công ty dịch vụ quận Ba Đình cũng không trình được các giấy tờ hợp pháp cho phép phá nhà cũ để xây ngôi nhà mới hiện nay. Và đúng như chúng tôi suy đoán, Nhà nước ta không bao giờ có ý định tước bỏ quyền lợi chính đáng của công dân, chứ chưa nói là của gia đình thương binh, liệt sĩ.

Theo điều 9 Quyết định 297/CT, Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn chi tiết thi hành Quyết định này. Thông tư số 383 của Bộ Xây dựng ra ngày 5/10/1991 ghi rõ: "Trường hợp chủ sở hữu nhà vắng chủ là cán bộ trước đây tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng đến nay mới có điều kiện trở về thì UBND cấp tỉnh trả cho họ nhà khác hoặc trả tiền tương ứng"

Đến đây, vấn đề "các chứng cứ trái ngược nhau" đã được làm sáng tỏ. Chúng tôi tiếp tục chờ đợi sự phán xét công minh của UBND thành phố Hà Nội.

Vào thời điểm này, Tòa soạn được biết tình hình sức khoẻ của ông Vũ Hùng Tân ngày càng suy sụp. Do nằm liệt giường, một phần thân thể của ông đang bị hoại thư và liệt nửa người. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông vô cùng khốn quẫn.

Sau khi đọc bài báo "Chạy đua với thần chết", ông Quý "giò" tất tả cầm tờ báo, đạp xe từ Việt Trì xuống Vĩnh Yên thăm ông Tân. Nhưng bài báo và những giọt nước mắt của người bạn già cũng chỉ giúp ông Tân khoẻ lên được vài ngày. Thần chết đang từng ngày, từng giờ đe doạ tính mạng ông.

Một lần nữa, chúng tôi mong rằng UBND thành phố Hà Nội sớm xem xét việc trả lại quyền sở hữu ngôi nhà 27 Yên Phụ cho gia đình ông Vũ Hùng Tân, ít nhất, để chẳng may ông có ra đi thì cũng ra đi với tấm lòng thanh thản...

Tuy nhiên, một vấn đề nan giải lại đặt ra là phải chứng minh ông Vũ Hùng Tân là người thừa kế hợp pháp căn nhà này. Mà lúc ấy, trong tay chúng tôi không có một chứng cứ có tính pháp lý nào!

Kỳ sau: Ông Vũ Hùng Tân là ai?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top