Aa

Vùng Thủ đô sau sáp nhập: Tầm nhìn xa, dư địa lớn và cơ hội bứt phá chiến lược

Thứ Năm, 15/05/2025 - 20:20

KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, với khung quy hoạch ngày càng rõ ràng, hạ tầng đồng bộ và dòng vốn đầu tư không ngừng dịch chuyển, Vùng Thủ đô mở rộng đang vươn mình trở thành vùng kinh tế động lực mới của cả nước. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt ở phân khúc công nghiệp, nghỉ dưỡng và đô thị vệ tinh.

Sáp nhập để phát triển toàn diện: Có núi, có rừng, có biển

Phát biểu tại Hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào năm 2008 là bước ngoặt quan trọng trong tư duy quy hoạch đô thị Việt Nam, khởi đầu cho tư duy quy hoạch vùng hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa Thủ đô với các tỉnh lân cận. 

Vùng Thủ đô sau sáp nhập: Tầm nhìn xa, dư địa lớn và cơ hội bứt phá chiến lược- Ảnh 1.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây. (Ảnh: Tùng Dương)

Từ diện tích khiêm tốn 912km2, Hà Nội đã bứt phá lên 3.344km2 sau khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của tỉnh Hòa Bình. Nếu trước năm 2008, Vùng Thủ đô chỉ bao gồm 7 đơn vị hành chính (gồm Hà Nội và 6 tỉnh), thì nay đã hình thành một vành đai phát triển với bán kính ảnh hưởng rộng khắp, bao gồm 9 tỉnh lân cận như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hòa Bình. Diện tích vùng này lên tới khoảng 24.300km2 với quy mô dân số hơn 21 triệu người.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính, việc mở rộng địa giới không chỉ là thay đổi đơn vị hành chính, mà chính là khẳng định tầm nhìn phát triển đô thị theo mô hình vùng, là xu hướng tất yếu trên thế giới. "Hà Nội không thể tiếp tục phát triển với tư duy một đô thị đơn lẻ. Cần phải chuyển sang tư duy vùng đô thị đa trung tâm, có sự gắn kết hữu cơ với các địa phương lân cận", ông nhấn mạnh.

Mở rộng là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ chính là tư duy tích hợp không gian. Một đại đô thị hiện đại, theo ông Chính, không thể bị giới hạn bởi ranh giới hành chính mà phải kết nối được hạ tầng, không gian, nguồn lực và chức năng giữa các tỉnh, thành. Đây cũng là nguyên lý mà nhiều quốc gia phát triển đã và đang áp dụng để hình thành các vùng đô thị động lực.

Tại Việt Nam, điều này càng trở nên rõ nét khi vai trò chiến lược của Vùng Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết 06-NQ/TW, coi đây là một trong những cực tăng trưởng có khả năng cạnh tranh với các trung tâm quốc tế trong khu vực. "Đây không chỉ là kế hoạch ngắn hạn, mà thể hiện khát vọng vươn tầm quốc tế của Hà Nội và của cả đất nước", ông Chính nói.

Không chỉ ở Hà Nội, tư duy quy hoạch vùng gắn với sắp xếp lại địa giới hành chính hiện đang được mở rộng trên phạm vi cả nước. Chủ trương giảm số tỉnh thành từ 63 xuống còn 34 không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, mà còn hướng đến mục tiêu lớn hơn: tái cấu trúc không gian phát triển theo trục núi - đồng bằng - biển.

Theo thống kê, trước khi sáp nhập, chỉ 44% tỉnh thành có biển. Nhưng với phương án tái tổ chức lại địa giới, tỷ lệ này sẽ tăng lên 64%, tức 26 trong số 34 tỉnh, thành sẽ có không gian biển. Đây là bước đi mang tính chiến lược, mở ra cơ hội để các địa phương tiếp cận và khai thác hiệu quả không gian biển, vùng động lực phát triển quan trọng của thế kỷ 21.

Dẫn ví dụ điển hình, ông Chính cho rằng, nếu Hải Dương và Hải Phòng cùng sáp nhập vào Vùng Thủ đô, khu vực này sẽ tạo nên một cực tăng trưởng mạnh mẽ. Hải Phòng là đô thị cảng lớn nhất miền Bắc sẽ phát huy vai trò hạt nhân về công nghiệp, logistics, hàng hải quốc tế. Trong khi đó, Hải Dương tọa lạc tại vị trí "bản lề" giữa Thủ đô và biển sẽ trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng liên vùng. Còn với Quảng Ninh, ông cho rằng không cần sáp nhập, địa phương này vẫn là hình mẫu "toàn diện" về quy hoạch: có núi, có rừng, có biển, có biên giới, có công nghiệp, dịch vụ, du lịch và sở hữu tới 5 thành phố trực thuộc. 

Thực tế cho thấy, với hơn 3.260km bờ biển và nhiều đảo lớn nhỏ, Việt Nam là quốc gia biển đảo, nơi biển không chỉ là tài nguyên, mà còn là không gian chiến lược về kinh tế, du lịch, giao thương, năng lượng và quốc phòng. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và hội nhập toàn cầu, việc quy hoạch vùng gắn với biển không còn là lựa chọn, mà đã trở thành một tất yếu phát triển.

Từ đó, theo KTS. Trần Ngọc Chính, nếu Vùng Thủ đô được tổ chức hợp lý, kết nối không gian biển thông qua các trục như Hải Phòng, Quảng Ninh, thì Hà Nội hoàn toàn có thể mở rộng vai trò, không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính mà còn là trung tâm hậu cần, logistics, tài chính và đổi mới sáng tạo của toàn bộ khu vực Bắc Bộ.

"Sáp nhập không đơn thuần là điều chỉnh địa giới. Đó là hành trình tái cấu trúc không gian phát triển quốc gia. Một quốc gia muốn mạnh không thể chỉ có một trung tâm chính trị hùng mạnh, mà phải có những vùng kinh tế liên kết, đồng đều, hướng biển, hội nhập và đủ khả năng vươn ra quốc tế", KTS. Trần Ngọc Chính khẳng định.

Động lực chiến lược mới cho bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và đô thị vệ tinh

Nhìn nhận về tiềm năng của Vùng Thủ đô sau sáp nhập, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, khu vực này không chỉ mang tầm vóc chính trị - hành chính, mà còn sở hữu lợi thế địa chính trị đặc biệt khi nằm ở cửa ngõ phía Bắc, tiếp giáp Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Theo ông Chính, đây cũng là vùng duy nhất trong cả nước hiện đang được ưu tiên triển khai 2 tuyến đường sắt cao tốc liên vùng và liên quốc gia. Tuyến thứ nhất kết nối Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tạo hành lang kinh tế xuyên Á chiến lược, kết nối tới các cảng biển lớn như Hải Phòng, Lạch Huyện. Tuyến thứ hai là đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với điểm xuất phát tại Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua Hà Nam, Ninh Bình, đều là những địa phương cốt lõi trong vùng mở rộng.

Vùng Thủ đô sau sáp nhập: Tầm nhìn xa, dư địa lớn và cơ hội bứt phá chiến lược- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô". (Ảnh: Tùng Dương)

Song hành với đường sắt, hệ thống cao tốc đường bộ trong vùng đang phát triển đột phá, với các tuyến huyết mạch như Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng, Hòa Lạc - Hòa Bình... Đặc biệt, tuyến cao tốc ven biển dài hơn 100km từ Hải Phòng đến Ninh Bình vừa được Chính phủ phê duyệt đầu tư quy mô 10 làn xe, sẽ mở rộng dư địa cho phát triển kinh tế biển, đồng thời tạo bứt phá cho bất động sản công nghiệp, logistics và đô thị ven biển tại các địa phương như Thái Bình, Ninh Bình.

Cũng theo chuyên gia, một trong những trục động lực quan trọng sắp hình thành là tuyến đường kết nối từ sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) về trung tâm Thủ đô qua cầu Tứ Liên, được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc đô thị mới. "Nếu chủ trương của Trung ương và Hà Nội về việc đưa sân bay Gia Bình trở thành sân bay quốc tế vệ tinh cho Thủ đô được hiện thực hóa, tuyến đường từ sân bay về khu trung tâm, qua cầu Tứ Liên sẽ trở thành trục động lực cho bất động sản dọc 2 bên tuyến. Tại đây sẽ chứng kiến làn sóng đầu tư bất động sản bùng nổ", ông dự báo.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, bên cạnh các trục giao thông huyết mạch, Hà Nội cũng định hướng phát triển thêm một sân bay mới ở khu vực phía Nam nhằm giảm tải cho Nội Bài và phục vụ chiến lược phát triển Vùng Thủ đô mở rộng. Khu vực Mỹ Đức (Hà Nội) được nghiên cứu để đặt sân bay thứ 2 của Thủ đô, đây là vùng đất có điều kiện quỹ đất tương đối rộng, nằm ở cửa ngõ phía Nam, có thể kết nối thuận lợi với cả vành đai đô thị và các trục cao tốc liên tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, đánh giá vùng ảnh hưởng, tỉnh Ninh Bình được xem xét. Lý do là bởi khu vực này nằm tiếp giáp trực tiếp với Hà Nam, cực Nam của Thủ đô mở rộng, đồng thời có lợi thế lớn về vị trí khi kết nối trực tiếp với TP. Nam Định là đô thị phát triển mạnh và vùng ven biển đang thu hút nhiều dòng vốn đầu tư mới. 

"Nếu hình thành, đây sẽ là điểm trung chuyển hàng không quan trọng, và là 'thỏi nam châm' hút dòng vốn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, đô thị và logistics", ông Chính nhấn mạnh.

Đặc biệt, KTS. Trần Ngọc Chính cũng nhìn nhận, với vai trò trung tâm động lực của chuỗi đô thị vệ tinh, khu công nghiệp và du lịch - nghỉ dưỡng quy mô lớn, Vùng Thủ đô mở rộng đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Ninh, Bắc Giang, các thủ phủ công nghệ cao; cùng với Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định và Ninh Bình, những địa phương đang đẩy nhanh phát triển hạ tầng, công nghiệp và các trung tâm hành chính mới.

"Kết nối đa phương thức, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến hàng không đang tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội cho Vùng Thủ đô mở rộng. Đây là nền tảng thúc đẩy bất động sản công nghiệp tăng tốc, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi, logistics đang gia tăng nhanh chóng", ông phân tích.

Cùng với đó, các địa phương như Ninh Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam, nơi sở hữu các điểm đến du lịch tâm linh, sinh thái nổi tiếng như Bái Đính, Tràng An, hồ Hòa Bình, Tam Chúc đang nổi lên như "tâm điểm nghỉ dưỡng cuối tuần". Tầng lớp trung lưu gia tăng kéo theo xu hướng sở hữu "ngôi nhà thứ hai" đã mở ra dư địa lớn cho các nhà phát triển bất động sản du lịch.

KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng: "Với khung quy hoạch ngày càng rõ ràng, hạ tầng đồng bộ và dòng vốn đầu tư không ngừng dịch chuyển, Vùng Thủ đô mở rộng đang vươn mình trở thành vùng kinh tế động lực mới của cả nước. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản, đặc biệt ở các phân khúc công nghiệp, nghỉ dưỡng và đô thị vệ tinh".

Ông cũng lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư cần thận trọng lựa chọn vị trí chiến lược gắn với hạ tầng đang và sắp triển khai, đồng thời theo dõi kỹ các quy hoạch vùng, phân vùng chức năng và tốc độ phát triển đô thị - công nghiệp để đón đầu xu hướng. "Chỉ khi bám sát quy hoạch và đi cùng tầm nhìn dài hạn, nhà đầu tư mới có thể khai thác hết tiềm năng tăng trưởng tại vùng đất đang thay da đổi thịt từng ngày này", ông Chính nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top