Liên kết vùng Thủ đô: Hà Nội giữ vai trò dẫn dắt trong chu kỳ phát triển mới
Trong thời gian gần đây, Hà Nội đã và đang đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ chiến lược như lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065; Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được xác định là "xương sống" phát triển, đóng vai trò dẫn dắt kết nối liên vùng.
Thực tế, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp cùng các địa phương lân cận đã rà soát và đề xuất bổ sung hàng loạt tuyến đường bộ quốc gia (đường đối ngoại) để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận. Trong đó, có 5 tuyến kết nối với tỉnh Hòa Bình; 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ, 3 tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; 2 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang; 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh; 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên; 2 tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam.
Theo ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, vùng Thủ đô được xác định là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trong đó, nổi bật tại Hà Nội sẽ là các trung tâm thương mại - tài chính lớn của Quốc gia như Trung tâm tài chính Bắc sông Hồng, khu công nghệ cao Hòa Lạc, trung tâm hội chợ quốc gia, trung tâm hành chính - văn hóa Tây Hồ Tây, và chuỗi di sản lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Vườn quốc gia Ba Vì…
Đồng thời, Hà Nội cùng ba đô thị đối trọng là TP. Bắc Ninh, TP. Vĩnh Yên và TP. Hải Dương sẽ tạo thành "tứ giác phát triển", vừa chia sẻ áp lực hạ tầng, vừa thúc đẩy phân bố dân cư hợp lý. Các đô thị phía Tây được định hướng trở thành trung tâm công nghệ cao và dịch vụ, trong khi các khu vực cửa ngõ như Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương giữ vai trò kết nối hành lang biển và hệ thống logistics trong khu vực.
Trong khi đó, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là vùng cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng thủ đô Hà Nội với vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Internet)
Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 lần đầu tiên xác định rõ các nguyên tắc và cơ chế liên kết vùng, vượt khỏi giới hạn hành chính 10 tỉnh/thành phố hiện hữu của vùng Thủ đô. Luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phối hợp phát triển với các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, tạo điều kiện để hình thành các cực phát triển vệ tinh có quy hoạch bài bản.
Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Xây dựng các chính sách để tăng cường liên kết, phối hợp giữa Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô trên các lĩnh vực trọng điểm, có tính chất liên kết vùng để huy động, sử dụng, phân bổ hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực, hướng tới xây dựng, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững.
Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) cùng các quy hoạch đang được Hà Nội triển khai chính là cơ hội để định hình lại toàn bộ chiến lược phát triển vùng một cách bài bản và linh hoạt hơn. Hà Nội không chỉ đóng vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn phải trở thành "nhạc trưởng" dẫn dắt toàn vùng phát triển đồng đều, hài hòa, bền vững, xứng đáng với vị thế của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, năng động trong thời đại mới.
Lan toả từ lõi đến các vùng vệ tinh: Bất động sản vùng Thủ đô thu hút nhà đầu tư
Theo báo cáo mới nhất từ Batdongsan.com.vn, năm 2024 ghi nhận sự gia tăng rõ rệt về xu hướng dịch chuyển dân cư và đầu tư vào bất động sản xanh, bền vững tại các vùng vệ tinh quanh Hà Nội.
Thực tế từ năm 2008 đến nay, nhiều chủ đầu tư lớn đã đón đầu xu hướng này bằng việc triển khai hàng loạt dự án tại các đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội như Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh... Các khu đô thị mới này đã nhanh chóng thu hút đông đảo cư dân về sinh sống, kéo theo mức giá bất động sản tại đây tăng gấp 2 - 4 lần chỉ trong vòng 8 năm.
Lý giải về hiện tượng này, ông Bạch Dương, Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, xu hướng dịch chuyển ra các thành phố vệ tinh được dẫn dắt bởi quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Hạ tầng đồng bộ như Vành đai 2, 3, cao tốc và metro giúp kết nối thuận tiện. Giá bất động sản Hà Nội tăng mạnh do khan hiếm quỹ đất. Bên cạnh đó, mật độ dân số cao và ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại nội đô khiến nhiều người quan tâm hơn đến các thành phố vệ tinh của Hà Nội, và các tỉnh, thành thuộc vùng vệ tinh khác.

Hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội ngày càng đồng bộ, hiện đại. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2026, thị trường bất động sản vệ tinh của Hà Nội sẽ tiếp tục đón thêm nhiều dự án khu đô thị mới quy mô lớn, phát triển theo xu hướng lan toả từ vùng lõi ra các vùng vệ tinh. Theo chuyên gia, các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh... đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn nhờ quỹ đất rộng, giá cả hợp lý và chính sách phát triển đô thị bền vững.
Thực tế, nhiều địa phương đã cho thấy sự sôi động rõ rệt của thị trường bất động sản. Bắc Giang đang nổi lên như một điểm sáng phía Bắc với hơn 3.400 giao dịch nhà đất được công chứng chỉ trong quý I/2024. Tỉnh này còn ghi nhận mức tăng giá trên hầu hết các phân khúc từ 10 -15% so với mức "đáy" năm 2023. Cùng với đó, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 được Chính phủ giao cho Bắc Giang đạt 13,6%, cao nhất cả nước. Theo đó, khẳng định Bắc Giang có vai trò trọng điểm về tăng trưởng kinh tế và trung tâm thu hút đầu tư.
Tại Hải Dương, theo số liệu từ Sở Xây dựng, chỉ trong ba tháng đầu năm 2025 đã có tới 1.490 giao dịch bất động sản được thực hiện thông qua các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2024.
Hưng Yên cũng chứng kiến làn sóng tăng giá mạnh mẽ, đặc biệt tại huyện Văn Giang, nơi giá đất trên các trục đường chính đã tăng từ 126 triệu đồng/m² trong tháng 2/2025 lên tới 150 triệu đồng/m² chỉ sau một tháng. Một số lô đất mặt tiền thậm chí tăng từ 42 lên 60 triệu đồng/m², thể hiện tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có. Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, giá đất Hưng Yên vào tháng 3/2025 đã tăng trung bình từ 6 - 15% so với cuối năm 2024.
Song song với đó, các tỉnh như Bắc Ninh cũng ghi nhận mức tăng giá ấn tượng, đạt 45% chỉ trong vòng ba năm (2022 - 2024).
Ngay tại Hà Nội, Gia Lâm tiếp tục là điểm nhấn nổi bật với mức độ quan tâm ổn định, giá đất nền tại đây đã tăng 30 - 50% trong hai năm qua, có nơi chạm ngưỡng 150 triệu đồng/m². Bên cạnh Gia Lâm, các quận huyện như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Long Biên cũng là những khu vực có lượng giao dịch cao nhất quý I/2025, chiếm đến 66% tổng lượng giao dịch toàn thị trường Thủ đô.
Nhiều chuyên gia nhận định, các vùng vệ tinh còn là nơi lý tưởng cho xu hướng sống xanh, một yếu tố ngày càng được ưu tiên. Theo Báo cáo Tâm lý người tiêu dùng quý IV/2024 của Batdongsan.com.vn, có tới 86% khách hàng quan tâm đến bất động sản xanh, trong khi 94% sẵn sàng chi trả cao hơn 5 - 10% để sở hữu dự án quy hoạch sinh thái, tiện ích đầy đủ và môi trường sống trong lành. Trên cơ sở này, các nhà phát triển đô thị đã định hướng hai dòng sản phẩm chính: cảnh quan xanh nhân tạo, với công viên, mảng xanh, hồ điều hòa được thiết kế chủ ý; và cảnh quan xanh nguyên bản, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan tự nhiên hiện hữu.
Ở các đô thị vệ tinh, phần tiện ích không chỉ dừng lại ở hạ tầng cơ bản mà mở rộng sang hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe, từ khu đi bộ, yoga ngoài trời đến spa, bể bơi và các không gian cộng đồng như clubhouse, sân chơi trẻ em, khu thư giãn nghỉ dưỡng. Đơn cử, một số dự án nổi bật đang được quan tâm tại các vùng vệ tinh dự án Danko Riverside (Bắc Giang), khu đô thị Việt Hưng (Hải Dương), Eurowindow Twin Parks (Gia Lâm, Hà Nội)... đã đón đầu xu thế này.
Khi ba lợi thế "quỹ đất rộng - hạ tầng kết nối đồng bộ - không gian sống chuẩn resort" cùng hội tụ, bất động sản tại các tỉnh thành thuộc Vùng Thủ đô được dự báo sẽ khẳng định vị thế là tâm điểm đầu tư và lựa chọn an cư bền vững cho giai đoạn 2025 - 2030./.

Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Vùng Thủ đô được định hướng phát triển thành Vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân - trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước; phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới; có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng; có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt; có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi phía Bắc; sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc. Luật Thủ đô 2024 đã quy định về mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng của Vùng Thủ đô, không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố như hiện nay mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác.
Hiện nay, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính đang được gấp rút triển khai không chỉ là cuộc cải cách thông thường mà là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra không gian phát triển mới; tăng cường hiệu năng, hiệu lực bộ máy để các địa phương tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Quá trình đó sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá; theo đó, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Vốn có nhiều dư địa bứt phá, Vùng Thủ đô sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển đô thị, mở ra cơ hội như thế nào cho các nhà đầu tư? Đâu là xu hướng đầu tư sẽ dẫn dắt thị trường phát triển bền vững? Đâu là phân khúc bất động sản sẽ "lên ngôi" và chiếm lĩnh vị thế trong thời gian tới? Để nhận diện những vấn đề đang rất được giới đầu tư quan tâm nói trên, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô".
Thời gian: 08h00 - 11h30, thứ năm, ngày 15/05/2025.
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.