Aa

Vướng mắc dự án đầu tư có sử dụng đất: Kiến nghị thực hiện theo "quy trình đặc biệt"

Thứ Năm, 10/10/2024 - 10:38

Từ thực tiễn triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, cho thấy giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư vẫn đang là gánh nặng của các doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, nhưng doanh nghiệp vẫn mong chờ sự thay đổi quyết liệt hơn.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp" vừa diễn ra ngày 9/10 đã ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất.

Gánh nặng giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư

Tại phiên thảo luận thứ nhất bàn về "Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã đề cập đến vướng mắc phổ biến hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch VACC dẫn chứng, thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng, đối thoại với người dân hiện nay gặp nhiều vướng mắc. Sau khi thông báo đầy đủ cho các tổ chức, chính quyền ở địa phương, phải 60 ngày sau chủ đầu tư mới được đối thoại với người dân.

"Riêng dự án của chúng tôi có 177 bước, qua 360 ngày mới đủ để đối thoại, để cưỡng chế. Thủ tục giải phóng mặt bằng là gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản phải chịu đựng", ông Hiệp nói.

Vướng mắc dự án đầu tư có sử dụng đất: Kiến nghị thực hiện theo "quy trình đặc biệt"- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Hải/Vietnamnet)

Về thủ tục hành chính, có dự án cần tới 38 - 40 con dấu, từ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá,... Để được chấp thuận dự án, doanh nghiệp phải gửi văn phòng UBND, sau đó lãnh đạo địa phương sẽ gửi 5 sở, ngành của địa phương cho ý kiến, tiếp đó tới quy hoạch lại cần 5 con dấu nữa, rồi tới bước định giá… Dù đã có quy trình mẫu để giải quyết thủ tục hành chính, nhưng cần kiểm tra lại quy trình này bởi chưa có chế tài khiến các thủ tục kéo dài.

"Chúng tôi cũng vấp về thủ tục điều chỉnh quy hoạch. 100 dự án thì 100 dự án điều chỉnh quy hoạch, nhiều cái không quan trọng nhưng phải đủ các cấp, sau đó lại phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Làm được cũng cực kỳ nan giải. Rồi phải xem lại điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cục bộ, trong đó điều chỉnh quy hoạch mất thời gian 6 tháng, chứ không phải 1 - 2 tháng. Làm thật mới thấy thực tế nan giải lắm, như mê hồn trận", ông Hiệp chia sẻ.

Dẫn lại ý kiến của đối tác nước ngoài, nhận xét "thủ tục đầu tư của các ông như mê hồn trận", ông Hiệp phản ánh nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn có quan điểm "tốt nhất nên nhờ công ty Việt Nam làm cho". Trong khi đó, theo Chủ tịch VACC, công tác tham vấn lắng nghe của Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa sát vấn đề thực tế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị cần phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian. Đồng thời, nên có có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, có chế tài để đảm bảo quy trình mẫu được thực thi hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân chia sẻ, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải.

Nắm bắt được yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, Chính phủ đã chủ động đề xuất Quốc hội quyết định các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 và ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn để phát huy hiệu lực của các luật đã ban hành trên thực tiễn. Qua đó kỳ vọng sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này. Trên thực tế, vẫn có những phản ánh về một số vướng mắc pháp lý, một số quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy cần tập trung cao độ để cải cách thủ tục hành chính và minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

Vướng mắc dự án đầu tư có sử dụng đất: Kiến nghị thực hiện theo "quy trình đặc biệt"- Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ). (Ảnh: Phạm Hải/Vietnamnet)

Đề xuất dùng "quy trình đặc biệt" với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Qua quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc và trình tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở 2023. Đồng thời, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.

Cùng với đó, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các thủ tục hành chính đều được phân cấp, quyền cho địa phương và có thể giám sát thực hiện thủ tục hành chính này. Các địa phương tốp đầu về thu hút đầu tư đều có bước kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính; cấp dưới phải chịu trách nhiệm giải trình nếu chậm, muộn.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin trong thời gian qua, Chính phủ cùng Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua đó giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Vướng mắc dự án đầu tư có sử dụng đất: Kiến nghị thực hiện theo "quy trình đặc biệt"- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Diễn đàn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ cũng đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Hiện Bộ đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu.

Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…, Bộ đang kiến nghị thực hiện theo "quy trình đặc biệt", không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.

Đơn cử như, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét khả năng chấp thuận các dự án đầu tư "luồng xanh" như các dự án đã có sẵn quy hoạch, dự án công nghệ cao, dự án chíp bán dẫn...không phải theo nhiều trình tự, thủ tục của một dự án đầu tư thông thường, mà được thực hiện theo hướng tiếp cận từ "tiền kiểm sang hậu kiểm", với sự cam kết của nhà đầu tư đối với các dự án này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top