Aa

Xa nghe tiếng trống hội làng

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Tư, 13/04/2022 - 06:09

Với những người xa quê thì hội làng cũng là dịp họ trở về với văn hóa cội nguồn, về với truyền thống nơi chôn rau cắt rốn đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, đã hằn in biết bao kỷ niệm.

Với người dân xa quê tôi, có lẽ chẳng gì vui bằng Tết được về nhà, hội được về quê. Đi xa đâu, ngó lâu tiếng trống. Cứ đến tháng ba (âm lịch), dù ở bất kỳ nơi đâu, mỗi khi nghe tiếng trống gần xa dội lại là tôi lại nhớ đến hội làng và mong mỏi được về hội làng. Có lẽ với nhiều người khác xa quê cũng vậy. Thế nên cứ chằm chặp gần đến hội làng là bạn bè, người thân lại í ới gọi nhau, í a nhắn gửi: “Hội làng năm nay có về không”? Người bảo về được thì cùng nhau rạng rỡ, hẹn hò, người bảo không về được thì ngóng ngùi hẹn năm tới, năm sau sẽ thu xếp.

Hội làng mở giữa thì lúa chiêm xanh mượt non tơ. Cả cánh đồng là chiếc thảm xanh khổng lồ và giữa những cánh đồng lúa mượt mà đương thì con gái ấy là con đường dẫn ra đền, ra phủ. Chào đón hội làng, người ta đã dựng lên hai bên đường rất nhiều lá cờ ngũ sắc. Những lá cờ vút lên trên đồng lúa, phất phới trong gió xuân, bay cùng thì thùng trống hội, thấp thoáng trên đường là bóng dáng của những khăn thâm, áo nâu, tóc xanh, tóc bạc tìm về khánh lễ. Những người dân làm đồng nhìn khung cảnh ấy, khi dừng lại trò chuyện vẫn thường mượn mượn đôi câu ca dao tục ngữ để áp vào hội làng: “Lúa chiêm phấp phới đầu bờ/ Nghe tiếng trống hội phất cờ mà lên”; “Dù ai đi đâu ở đâu/ Hội làng đã mở rủ nhau mà về”... Những câu thanh, câu tẩy như gọi, như mời thắt vào lòng người dân quê tôi.

Những thanh niên khỏe mạnh được lựa chọn tham gia vào lễ hội. (Ảnh: Vũ Mừng)

Thường thì hội làng diễn ra trong ba ngày với phần lễ và phần hội, nhưng công việc phải được chuẩn bị trước đó cả chục ngày và công cuộc tiến hành chuẩn bị hội luôn dành cho tất cả mọi người trong làng. Vào gần ngày hội, các cụ trong làng tôi thường tiến hành hội họp ở đền Thành hoàng để bầu và lựa chọn người vào ban tế lễ. Đầu tiên là chọn ra chủ tế và chủ tế luôn thuộc về người đức cao vọng trọng, con cái đề huề, gia đình sung túc vào bậc nhất trong làng. Tất cả những người trong ban tế lễ phải có tiêu chí là trong gia đình không có bụi vấn khăn xô áo xám. Việc chọn những người vào thanh đồng, thanh nữ, trai tân, gái lịch để phục vụ cho việc rước kiệu nâng hoa dâng thánh cũng phải có cùng tiêu chí ấy.

Vào ngày hội, mỗi nhà người dân quê tôi còn chọn ra thứ gạo nếp ngon nhất, đẹp nhất để góp cho xóm, cho làng. Những phần gạo nếp chia theo từng hộ gia đình, được góp lại để nhân dân trong làng nấu xôi, gói bánh chưng, giã bánh giày. Người dân quê tôi đã gửi vào đấy biết bao sự thành tâm, ấm cúng sum vầy. Hội làng cứ như bày hết ra những phần đời trong trẻo, cùng sự sống lo đầy mà che lấp đi những ngày lấm láp, tối tắt mặt mày. Hội làng cứ thế mà rồ rộ ra vẻ phong quang của cửa nhà đường làng ngõ xóm như cuốn đi tất cả những cỏ rác bụi bặm thường ngày. Hội làng cứ thế mà dẫn truyền văn hóa cội nguồn đi muôn nơi về muôn nẻo trong tâm hồn của người dân vùng đồng đất.

Hội làng vui hơn Tết. Vui hơn Tết là bởi suốt ba ngày hội là ba ngày người dân được đắm mình vào không khí lễ hội, được vui chơi, được tế lễ, được xem được rước, được gặp nhau tay bắt mặt mừng. Hội làng vui hơn Tết bởi ai ai cũng có được một đôi ngày dành cho mình và cho mọi người. Người có tuổi thì tập trung vào hội tham gia đánh cờ, luận chữ, chơi tổ tôm điếm, thưởng ngưỡng đồ cổ, cây bon-sai. Người trẻ thì tham gia vào bóng chuyền, bóng đá, chọi gà, kéo co... Còn với trẻ nhỏ thì đủ cả múa, hát, đu quay, tàu lượn, chạy, nhảy...

Những người phụ nữ cũng tham gia vào lễ rước kiệu. (Ảnh: Vũ Mừng)

Với những người xa quê thì hội làng cũng là dịp họ trở về với văn hóa cội nguồn, về với truyền thống nơi chôn rau cắt rốn đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, đã hằng in biết bao kỷ niệm. Nhớ đến hội làng, tôi lại nhớ đến niềm ao ước của một người xa quê gần trọn cuộc đời. Con người đó dù ở cách quê hương cả ngàn cây số, nhưng năm nào ông cũng về quê dự hội và mỗi lần về quê ông đều dành tiền mua lân, đạm để chăm, bón cho những gốc cây cổ thụ quanh làng và chính tôi đã bắt gặp hình ảnh của ông đang đứng cầu nguyện bên cây cây duối cổ thụ. Ông cầu cho mình sẽ có một ngày được an yên nghỉ tại quê hương khi tuổi già bóng xế ập đến. Tôi cũng biết ở nơi xa kia ông là một người giàu có với gia đình hạnh phúc, con cái phương trưởng thành đạt.

Xưa kia, ông xa quê lập nghiệp là để thoát khỏi đời sống lam lũ đói nghèo. Nhưng khi sự giàu sang đến với ông thì cũng là lúc tuổi già kéo đến và trong con người ấy thì niềm mong mỏi được trở về quê hương là lớn hơn cả. Thế rồi trong một lần về quê dự hội, ông đã lẹ làng ra đi sau một giấc ngủ, không ốm đau bệnh tật. Ông nằm xuống ở chính ngôi nhà đã sinh ra mình với khuôn mặt điềm nhiên tĩnh tại. Sau hội, người dân quê tôi đã đưa tiễn ông theo đúng nghi lễ truyền thống của làng. Không ít người trong đám tang đã mừng cho sở nguyện của ông thành hiện thực. Cũng có người vì chiến tranh loạn lạc phải tha hương cầu thực và rồi họ đã lạc mất quê hương, bố mẹ từ thời nhỏ. Sau này, nhờ nhớ được ngày hội làng mà con người ấy đã tìm được về quê để nhận anh em họ hàng. Chuyện lạ nhưng cũng không phải là thật lạ đối với những ai luôn biết trong trái tim còn có nhịp đập của quê hương bản quán.

Dù ai đi đâu ở đâu

Nghe tiếng trống hội rủ nhau về làng

Mỗi khi gần đến hội làng, tôi lại nghe trong lòng mình âm vang tiếng trống, lại nghe tiếng bạn bè, người thân í ới gọi nhau, í a nhắn gửi “Hội làng năm nay có về không”?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top