Theo đó, tuyến phố đi bộ Phan Chu Trinh được kỳ vọng sẽ mang đến cho người dân và du khách không gian an toàn, thoải mái cùng những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cùng với các không gian văn hoá, ẩm thực, mua sắm và vui chơi giải trí vào các tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Tại Quảng trường Lam Sơn sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, âm nhạc (đương đại, cổ truyền), thể thao, trình diễn thời trang; tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian, nghệ thuật đường phố, võ cổ truyền, vẽ chân dung ký họa; chơi đàn violin và các nhạc cụ truyền thống...
Bên cạnh đó là không gian ẩm thực, nước giải khát, cafe; giới thiệu sản phẩm ẩm thực, nông sản sạch của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Bắt đầu từ đoạn số nhà 85 Phan Chu Trinh đến Nhà sách Việt Lý, bao gồm cả 4 nhánh đường tiếp giáp đường Phan Chu Trinh (gồm: đường tiếp giáp với số nhà 71 Phan Chu Trinh và 73 Phan Chu Trinh, đường Hồ Xuân Hương, một đoạn đường Lý Nhân Tông bên cạnh công viên cây xanh và đường Xuân Diệu); Đoạn đường bắt đầu từ Công sở phường Điện Biên đến Khách sạn Sao Mai sẽ được bố trí các ki ốt bán hàng lưu niệm, đồ trang sức, mỹ phẩm, hàng bách hóa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang nét đặc trưng của thành phố. Đoạn từ công viên cây xanh (đối diện nhà sách Việt Lý) đến số nhà 85 Phan Chu Trinh sẽ bố trí khu vực vui chơi dành cho trẻ em (bao gồm trao đổi, mua bán đồ dùng trẻ em đã qua sử dụng, đi xe đạp nhỏ, xe ô tô trẻ em...).
Theo dự kiến, sẽ có khoảng 100 kiot lưu động trên phố đi bộ. Ngoài các hoạt động dân gian, các trò chơi hiện đại cũng được tổ chức tại đây như: nhảy hip hop, flash most, trượt patin, zumba, trình diễn âm nhạc đường phố.
Hiện, UBND Thành phố Thanh Hóa đang phối hợp với công an Thành phố, Công ty Môi trường Thanh Hóa, UBND phường Điện Biên, tổ chức lắp đặt hệ thống biển báo, camera an ninh, xây dựng các phương án về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, chống ùn tắc, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường và trật tự cho người dân tại phố đi bộ, đầu tư các trạm phát sóng wifi miễn phí.
Tuyến phố đi bộ Phan Chu Trinh được kỳ vọng sẽ tạo nên một không gian công cộng hấp dẫn cho người dân và du khách, đồng thời là cơ hội để thành phố Thanh Hóa giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thương mại, du lịch, nhằm nâng cao giá trị lịch sử, văn hóa, môi trường cảnh quan và nâng cao giá trị của trung tâm Thành phố Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập đất nước.
Mô hình này đã được Thành phố Thanh Hóa tham khảo kinh nghiệm, ý kiến ở một số tỉnh, Thành phố đã tổ chức thành công mô hình phố đi bộ như TP. Hà Nội, TP.HCM và TP. Đà Nẵng.