Aa

Xén dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh: “Giải pháp tình thế nhưng cần thiết”

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 26/11/2017 - 06:01

Việc giảm ùn tắc giao thông bằng việc cắt xén dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh – tuyến đường đã từng được Bộ Giao thông Vận tải bình chọn là đường đẹp nhất Việt Nam, được một số chuyên gia đánh giá đây chỉ là một trong những giải pháp phù hợp trước mắt song về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ khác.

UBND TP. Hà Nội mới đây giao Sở Giao thông chỉnh trang, xén bớt dải phân cách để mở rộng lòng đường Nguyễn Chí Thanh nhằm giảm ùn tắc giao thông trên toàn tuyến. Hiện nay, trên tuyến đường này, mỗi bên đường có ba làn xe. Dải phân cách giữa rộng gần 20m được trồng hoa và một số loại cây cảnh.

Sau khi xén bớt, dải phân cách giữa tuyến đường này sẽ bị thu hẹp xuống còn 4,4m và được trồng mới cây xanh nhiều tầng. Trong đó, tầng cao là phong lá đỏ; tầng trung là đại hoa đỏ; tầng thấp trồng dâm bụt, tường vi, kèm một số loại cây mảng như chuỗi ngọc, lài, mẫu đơn, bạch trinh thay vì cau cảnh như hiện nay.

Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành mở rộng trước Tết Nguyên đán 2018. Được biết, trước đó, tuyến đường Trần Duy Hưng - phần nối dài của đường Nguyễn Chí Thanh về phía đại lộ Thăng Long đã được xén dải phân cách để mở rộng thêm làn đường.

Dải

Dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh được cắt xén để mở rộng làn đường (Nguồn ảnh: Vnexpress).

Xoay quanh giải pháp ùn tắc này, TS. Nguyễn Thanh Tú, Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT chia sẻ với Reatimes rằng, hiện nay Hà Nội hiếm còn tuyến đường nào có dải phân cách rộng như đường Nguyễn Chí Thanh. Theo như quy hoạch giao thông nhiều năm trước thì các chuyên gia có thể đã tính chuyện dải phân cách đó như một hình thức dự trữ đất. Hiện giờ có nhu cầu tăng lên nên mới bắt đầu cắt xén.

Với quyết định của Hà Nội, việc xén nhiều hay xén ít chắc chắn là các làn đường sẽ được mở rộng hơn. Và khi làn đường được mở rộng ra sẽ tăng khả năng lưu thông, nghĩa là tăng số lượng phương tiện giao thông qua tuyến đường đó giúp giảm ùn. Nói chính xác thì giải pháp này trong điều kiện hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những giải pháp để giúp giảm ùn tắc giao thông.

TS. Nguyễn Thanh Tú cho hay: “Ngoài việc xén lòng đường thì tôi nghĩ cần có một số biện pháp tổ chức giao thông bởi hiện nay dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh rất là rộng, xe muốn sang đường không thể quay đẩu ngay trực tiếp mà phải đi thêm một đoạn mới được quay đầu, nhờ đó các xe quay đầu rất dễ dàng.

Ví như một xe buýt to, ô tô dài muốn quay đầu thì dải phân cách ít nhất cũng phải rộng bằng chiều dài của xe thì khi quay đầu sẽ không ảnh hưởng đến dòng lưu thông của hai hướng. Còn nếu như xén dải phân cách xuống còn 1m hoặc hơn 1m thì lúc đó chắc có lẽ phải bịt nhiều đoạn quay đầu. Bởi lúc đó chỉ cần một chiếc xe quay đầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả dòng xe đang lưu thông”.

Cùng quan điểm với TS. Tú, trao đổi với Reatimes, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải cho biết: “Ở giữa các đường phố Việt Nam vẫn hay để các cây xanh hoặc hoa nhằm hai mục đích, thức nhất là tăng cây xanh cho thành phố; thứ hai là nếu lưu lượng xe trên đường phố tăng quá cao thì phải xén bớt dải phân cách.

Theo tôi đó là chuyện bình thường, kể cả giảm bớt vỉa hè nếu vỉa hè rộng quá, có khi 5 - 10 năm nữa dân mình vẫn chưa có thói quen đi bộ nhiều mà ùn tắc nhiều quá thì buộc phải xén bớt những chỗ không cần thiết để mở rộng đường nhưng nếu phá nhà dân thì tốn kém quá. Theo tôi xén dải phân cách đó là giải pháp tình thế nhưng mà cũng cần thiết”.

Trước vấn đề lo ngại là sau khi đường Nguyễn Chí Thanh giảm được ùn tắc thì những tuyến đường khác có tắc thêm? TS. Tú trả lời: “Việc giảm ùn tắc trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến các tuyến đường xung quanh. Bởi với đường Láng thì đã có cầu vượt, đã cắt được các xung đột nên sẽ không ảnh hưởng. Còn ở chỗ giao với đường Đê La Thành thì cũng có thể ảnh hưởng theo hướng đẩy từ chỗ ùn nọ sang chỗ ùn kia. Theo tôi thì cùng với việc mở rộng làn xe thì cần phải nghiên cứu thêm một số giải pháp khác về tổ chức giao thông”.

TS. Tú lý giải rằng, không phải chiếc xe cứ đi thẳng sẽ ùn mà bản chất là nó giao với một đường nào đó và tại nút giao đó dòng xe bị xung đột và tại xung đột đó dần dần lan ra các xe phía sau mới thành ùn tắc. Vấn đề cốt yếu là đường Nguyễn Chí Thanh giao với đường Chùa Láng, đây là khu vực phát sinh ra các tuyến đi như trường ĐH Ngoại Giao, ĐH Ngoại Thương.

Tức là bản thân nhu cầu qua lại tại khu vực đó rất lớn và rất khó để có thể giải quyết được bài toán giao thông, vì ở đây đã liên quan đến vấn đề quy hoạch và sử dụng đất. Nếu xa hơn có thể nghiên cứu xây dựng ở đây cầu vượt hoặc đường hầm để tách hẳn các khu này ra thì đó lại là câu chuyện của cơ sở hạ tầng. Những giải pháp tổ chức giao thông như thay đèn tín hiệu, xén dải phân cách, vỉa hè thì đều chỉ là những giải pháp trước mắt.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, không đến mức phải đợi giải phóng tất cả các tuyến đường khác rồi mới cắt xén mở đường Nguyễn Chí Thanh: "Tất nhiên là giải pháp chúng ta vẫn cần đó là đồng bộ, tổng hợp từ hạ tầng, phát triển giao thông công cộng để người dân bớt đi xe máy, ô tô mà tham gia vào giao thông công cộng.

Nhưng chúng ta chưa làm được còn dải phân cách thì quá lớn nên đó là biện pháp cần thiết. Theo tôi, dải phân cách thì chưa có một tiêu chuẩn nào cả, dải phân cách có thể là một hàng rào, một cây xanh, chuyện này ở các nước họ vẫn đang làm như vậy nên tôi thấy không có vấn đề gì”.

TS. Thủy cũng cho biết thêm, cách đây 20 - 30 năm chúng ta chỉ mở đường cho xe máy và xe đạp, không nhìn nhận ô tô sẽ phát triển trong khi đó ô tô phát triển theo quy luật. Bởi thể tầm nhìn của chúng ta còn chậm, mà chủ yếu là do tầm nhìn của các nhà kiến trúc và nhà quy hoạch. Cụ thể là những đường ngày xưa vẫn cho là rộng nhất như đường Trường Chinh, đường Giải Phóng nhưng giờ lại không chứa được lượng ô tô, xe máy tăng quá nhanh. Đó là khuyết điểm từ xa xưa đến nay chúng ta phải rút kinh nghiệm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top