Aa

“Xếp hạng tín nhiệm không phải đũa thần, nhưng sẽ giúp nhà đầu tư có niềm tin“

Thứ Tư, 25/10/2023 - 14:00

Xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”, nhưng sẽ giúp nhà đầu tư có niềm tin và yên tâm khi đầu tư vào doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp có điểm xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.

Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng nếu có điểm xếp hạng tín nhiệm tốt

Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng”, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (“VNBA”) phối hợp với Công ty Cổ phần FiinRatings (“FiinRatings”) và S&P Global Ratings tổ chức, ngày 25/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, qua đó thúc đẩy thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn, bền vững.

“Việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng và sản xuất - kinh doanh. Nếu được các tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao, các ngân hàng sẽ có lợi thế trong việc cho vay, hay huy động vốn lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, nếu có điểm xếp hạng tín nhiệm tốt, sẽ dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay có lợi thế khi giao dịch với các tổ chức trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: FiinRatings)

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế và chưa áp dụng bắt buộc như kiểm toán độc lập, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm.

Do đó, ông Hùng hy vọng, những góc nhìn khác nhau từ các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (The World Bank), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), S&P Global Ratings, FiinRatings, Mizuho Bank (Singapore), GuarantCo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đại diện một số ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư trong nước, sẽ giúp thị trường nhận thức tốt hơn vai trò của xếp hạng tín nhiệm.

Thứ nhất, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp sẽ giúp tổ chức tín dụng có thêm thông tin để thẩm định tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như các rủi ro của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dựa trên chất lượng tín dụng thay vì theo nhóm ngành như hiện nay. 

Thứ ba, việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam sẽ góp phần khuyến khích, phát triển kênh đầu tư dài hạn tại Việt Nam, và mở rộng cơ sở nhà đầu tư vốn hiện nay còn chưa có sự tham gia sâu rộng bởi các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, và các định chế tài chính trong và ngoài nước.

“Xếp hạng tín nhiệm không chỉ đóng góp cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn góp phần hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong hoạt động quản trị rủi ro, hướng theo thông lệ quốc tế và góp phần phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, đối với những yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm sắp hết thời gian gia hạn (tháng 1/2024), Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, sẽ phải xem xét khả năng đáp ứng yêu cầu xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu vào đầu năm 2024 theo Nghị định 08 về phát hành trái phiếu riêng lẻ; và năng lực của các tổ chức tín nhiệm trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sẵn sàng trước khi chờ các quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho biết, mặc dù nhu cầu đầu tư dài hạn khá lớn, song các kênh đầu tư ở Việt Nam đang thiếu cơ chế cho người dân đầu tư dài hạn. Và như vậy, sẽ rất khó đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao và bền vững như mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Vậy thì, doanh nghiệp nên chủ động minh bạch hồ sơ, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư (ngân hàng, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, bảo hiểm...). Đây là hướng tháo gỡ chính để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

Tuy nhiên, để thực hiện cần nhiều nỗ lực của các bên, không chỉ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, mà tất cả các thành viên của thị trường thấy có lợi cho lối ra trước mắt, cũng như sự phát triển bền vững, lâu dài thì cùng chung tay làm.

“Trong khi năng lực của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm chưa đủ, và cần thêm thời gian thị trường cùng nhau hiểu giá trị của xếp hạng tín nhiệm trong việc phát triển lành mạnh và bền vững thị trường vốn, tôi cho là trước tiên các thành viên của thị trường, trong đó có các đơn vị xếp hạng tín nhiệm, các ngân hàng, các đơn vị tư vấn, các quỹ đầu tư sẽ chung tay với nhau để cùng đi trước, trong khi chờ các quy định bắt buộc”, đại diện FiinRatings nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings. (Ảnh: FiinRatings)

Ông Nguyễn Quang Thuân cũng nhìn nhận, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”, tuy nhiên, thị trường sẽ phát triển khi nhà đầu tư có niềm tin và yên tâm khi đầu tư vào doanh nghiệp. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có sự minh bạch và chủ động xây dựng hồ sơ thông tin minh bạch trên thị trường vốn. Hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp có cơ hội đa dạng hóa dòng vốn, hạn chế lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng (hầu hết là ngắn và trung hạn).

Bên cạnh đó, hoạt động xếp hạng tín nhiệm không chỉ cung cấp thông tin, mà FiinRatings mong muốn, thông qua hoạt động này sẽ hình thành đường cong lãi suất.

“Điểm mù” trong thị trường vốn hiện nay là hầu hết doanh nghiệp đều đưa ra mức lãi suất 8 - 12%. Ngoài ra, khi làm việc với nhiều nhà đầu tư, thì họ không biết định giá trái phiếu mình đang quan tâm như thế nào, khi trái phiếu đó không có giao dịch. Vậy thì, một trong những giải pháp kỹ thuật là dùng kết quả xếp hạng tín nhiệm, để tính toán mức định giá hợp lý, thì thị trường mới có giao dịch và phát triển được. Hơn nữa, các thị trường phát triển đều yêu cầu phải có định giá khi đầu tư vào tài sản như trái phiếu hay công cụ nợ cố định.

Trước sức ép giải ngân để hỗ trợ nền kinh tế lên các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, với kinh nghiệm 16 năm phân tích dữ liệu hầu hết các định chế tài chính ở Việt Nam, chúng tôi hiểu rất rõ các ngân hàng thương mại lo ngại rủi ro.

“Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng với các ngân hàng thương mại, với cách tiếp cận nên dựa trên những phân tích rủi ro độc lập. Và với việc tiếp cận dựa trên rủi ro, xếp hạng tín nhiệm sẽ là cơ sở để nhà đầu tư yên tâm, qua đó góp phần thu hút nguồn vốn đang rất lớn trong dân, chưa kể dòng tiền từ các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội Việt Nam, dù rất muốn đầu tư nhưng họ vẫn đang e ngại rủi ro từ các kênh đầu tư ngoài ngân hàng”, ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top