Những nghi vấn của cổ đông CLH
Trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, CLH nhận về những phản ứng của một nhóm cổ đông công ty, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp này sụt giảm mạnh hai chữ số.
Chia sẻ với Reatimes, cổ đông CLH cho biết trong khi hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của công ty suy giảm, cổ tức chi trả cho cổ đông giảm 26%, thì quỹ khen thưởng phúc lợi năm 2023 lại tăng 13% so với 2022.
Đồng thời nhóm cổ đông cho rằng, Ban lãnh đạo CLH xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh hằng năm đặt ở mức thấp nhằm mục đích báo cáo thành tích để có thể tính quỹ khen thưởng phúc lợi tăng lên; vấn đề này liên tục được cổ đông chất vấn tại ĐHCĐ nhiều năm và tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024.
"Điều này thể hiện sự mất cân đối, thiếu hài hòa lợi ích giữa lợi ích của người lao động với lợi ích của cổ đông, thiếu tôn trọng lợi ích cổ đông nói chung và gây thiệt hại tới lợi ích của cổ đông nhà nước nói riêng.
Đề nghị xem xét trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên khi thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ lợi ích thuộc về cổ đông nhà nước", đại diện nhóm cổ đông CLH kiến nghị.
Bên cạnh đó, cho biết bức xúc trước sự nhập nhèm của Ban lãnh đạo CLH, nhóm cổ đông đã rà soát và đặt nghi vấn về việc có dấu hiệu thất thoát trong quản lý sử dụng nguyên vật liệu than trong năm 2022.
Theo đó, trong giai đoạn từ 2021 - 2023, tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker của CLH suy giảm qua các năm, lần lượt là 805.916 tấn (2021), 769.845 tấn (2022) và 628.999 tấn (2023). Tương ứng với đó là khối lượng than cám 5a.6 sử dụng để sản xuất theo báo cáo của CLH là 85.983 tấn (2021), 96.627 tấn (2022) và 60.856 tấn (2023).
Với sản lượng thành phẩm xi măng và clinker sản xuất được trong năm 2022 là 769.845 tấn, nếu sử dụng định mức bình quân của năm 2021 (trung bình 1 tấn than sản xuất được 9,37 tấn khối lượng thành phẩm), thì năm 2022 chỉ cần sử dụng 82.200 tấn than; còn nếu sử dụng định mức bình quân của năm 2023 (trung bình 1 tấn than sản xuất được 10,34 tấn khối lượng thành phẩm) thì chỉ cần sử dụng 74.500 tấn than.
Việc sử dụng nguyên liệu than trong sản xuất có khối lượng không thống nhất giữa các năm khiến nhóm cổ đông CLH đặt ra nghi vấn về việc thất thoát nguyên vật liệu than trong năm 2022 ở mức độ trong khoảng 14.500 tấn tới 22.100 tấn.
Thêm vào đó, nhóm cổ đông cho biết, trong năm 2022, công ty mua 96.724 tấn than cám 5a.6 với giá trị 176,3 tỷ đồng (chưa VAT). Như vậy chi phí trung bình để mua 1 tấn than là 1.820.000 đồng/tấn. Tức có thể ước tính giá trị thiệt hại do thất thoát nguyên vật liệu than trong năm 2022 nằm trong khoảng 26,4 tỷ tới 40,2 tỷ đồng.
"Cũng có thể đặt ra nghi vấn liệu rằng có hay không việc Công ty che giấu để ngoài sổ sách một khối lượng tiêu thụ xi măng lớn trong năm 2022, vì chỉ cần 10.000 tấn than cũng đã sản xuất được hơn 90.000 tấn xi măng tương đương doanh thu 100 tỷ đồng. Nếu như vậy thì giá trị thiệt hại là rất lớn", đại diện nhóm cổ đông CLH bày tỏ nghi ngờ.
Ngoài ra, theo đơn kiến nghị, hợp đồng mua than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là hợp đồng có giá trị lớn với bên liên quan nên phải được ĐHCĐ thông qua hằng năm. Với năm 2022, ĐHCĐ chỉ thông qua hợp đồng mua than cám 5a.6 với khối lượng 85.000 tấn (+- 10%). Thực tế trong năm 2022, công ty đã mua 96.724 tấn than cám 5a.6 từ TKV tức đã vượt khối lượng than được ĐHCĐ thông qua là 3.224 tấn.
"Vậy cần làm rõ trách nhiệm của Ban lãnh đạo công ty với khối lượng than 3.224 tấn mua sai quy định này. Chúng tôi kiến nghị cổ đông của CLH cùng ký đơn mời thanh tra, kiểm toán nhà nước tiến hành thanh tra toàn bộ hoạt động mua bán than, định mức sử dụng nguyên vật liệu than trong sản xuất xi măng của Công ty trong năm 2022 để làm rõ nghi vấn thất thoát gây thiệt hại tới quyền lợi của cổ đông và ngân sách nhà nước.
Đề nghị Tổng công ty Mỏ Việt Bắc xem xét điều chỉnh lại tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2023: tăng mức chi trả cổ tức cho cổ đông để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cổ đông và người lao động, tránh gây thiệt hại tới quyền lợi của cổ đông nói chung và của cổ đông nhà nước nói riêng", đại diện nhóm cổ đông cho biết.
Kết quả kinh doanh 2023 suy giảm hai chữ số
Có thể thấy, 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nhất là với các doanh nghiệp ngành xi măng. Một loạt các doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường chứng khoán đều bị sụt giảm doanh thu, và rất nhiều công ty thua lỗ. Chỉ một số ít doanh nghiệp có lãi nhưng cũng là mức đáy trong nhiều năm, trong đó có Xi măng La Hiên.
Theo tài liệu họp được công bố, năm vừa qua, doanh thu của Xi măng La Hiên đạt 665 tỷ đồng, tương đương 89,26% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 659,189 tỷ đồng, giảm khá mạnh ở mức 19% so với 811,809 tỷ đồng của năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 60,2 tỷ đồng, vượt 3,85% kế hoạch năm nhưng giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 47,118 tỷ đồng, giảm gần 16% so với thực hiện năm trước.
Sau khi trích lập các quỹ khen thưởng phúc lợi 15,656 tỷ đồng, quỹ khen thưởng người quản lý doanh nghiệp 261,8 triệu đồng, HĐQT CLH trình phương án trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 26% bằng tiền mặt, tương đương số tiền trả cổ tức 31,2 tỷ đồng.
Lý giải cho sự suy giảm này, Xi măng La Hiên cho hay 2023 là năm tiếp tục có nhiều biến động về nền kinh tế trong nước, ngành sản xuất vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu thụ xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều giảm mạnh do chịu tác động từ suy giảm kinh tế, giải ngân đầu tư công chậm và nội tại ngành dư thừa công suất… Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm, thị trường xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp.
Các sản phẩm của doanh nghiệp đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều thương hiệu xi măng khác như xi măng Quang Sơn, Long Sơn, Thành Thắng Xuân Thành, Visai, Pomihoa… tại các thị trường chính như Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Do vậy, thị phần tiêu thụ sản phẩm xi măng La Hiên đã và đang ảnh hưởng, làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng tiêu thụ của Công ty.
Được biết năm 2024, Xi măng La Hiên đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 670 nghìn tấn, trong đó 650 nghìn tấn xi măng và 20 nghìn tấn clinker thương phẩm. Mục tiêu doanh thu năm nay là 680,6 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng.
Trước đó, trong nhiều năm từ khi đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần năm 2008, sau đó niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2016, Xi măng La Hiên đã không ít lần đối diện với những phản ứng của cổ đông.
Điểm lại một số sự việc, năm 2014, tại ĐHCĐ thường niên thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013 và kế hoạch 2014, nhiều cổ đông có ý kiến không đồng tình với Báo cáo HĐQT, Ban Kiểm soát và cho rằng, Đại hội cần phê bình lãnh đạo doanh nghiệp lúc bấy giờ là Chủ tịch HĐQT Ngô Ngọc Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Văn Dũng về việc không hoàn thành kế hoạch 2013.
Theo đó, năm 2013, công ty đạt doanh thu 658 tỷ đồng, đạt 84,8% kế hoạch và bằng 89% so với doanh thu 2012. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1,15 tỷ đồng, nhưng nhờ có khoản lợi nhuận khác 2,7 tỷ đồng, nên công ty không bị lỗ. Theo thông tin báo chí, thời điểm năm 2013 là năm thứ 3 liên tiếp công ty không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh mà ĐHCĐ đã đề ra và không chia cổ tức cho cổ đông. Ngoài ra, cổ đông cũng yêu cầu giải trình về các hợp đồng mua thiết bị, vật tư có thực hiện đúng quy định về đấu thầu và quản lý vốn nhà nước hay không.
Đến năm 2018, một nhóm cổ đông của Xi măng La Hiên có đơn thư gửi tới Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc kiến nghị một số vấn đề liên quan đến ứng cử, bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới. Theo phản ánh của cổ đông, quy chế bầu cử của CLH đã tạo ra những "hàng rào" trái với quy định, loại bỏ nhóm cổ đông nhỏ tập hợp cổ phần để ứng cử. Sau phản ánh của cổ đông, Xi măng La Hiên đã phải sửa quy chế bầu cử.
Tiếp đến năm 2020, trước kỳ ĐHCĐ, CLH lại nhận về những phản ứng của một nhóm cổ đông yêu cầu nâng cao tính minh bạch và tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhóm cổ đông cho rằng, kế hoạch kinh doanh 2020 thấp hơn mức thực hiện trong năm 2019 trong tình hình công ty trả gần hết nợ vay dài hạn, tài sản cố định khấu hao gần hết là không hợp lý.
Trong khi 5 năm từ thời điểm 2020 về trước, công ty thường đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhóm cổ đông yêu cầu kế hoạch đầu tư cần phải được xây dựng trên cơ sở tổng thể, dài hạn, có phân tích và đánh giá được hiệu quả chi tiết./.
Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên VVMI tiền thân là Nhà máy xi măng La Hiên được thành lập theo Quyết định số 925/NL-TCCB-LĐ ngày 31/12/1994 của Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương), là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty Than Nội Địa (nay là Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty bao gồm: Sản xuất xi măng, clinker; khai thác đá vôi, đất sét.
Trong năm, Xi măng La Hiên bán hàng cho khoảng 200 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm và các nhà phân phối, ngoài ra cũng bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở khu vực phía Bắc bao gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh… và các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.