Đồng loạt tăng giá
Một loạt nhà sản xuất xi măng lớn trên thị trường vừa công bố tăng giá bán xi măng từ đầu tháng 5/2022. Lý do tăng giá bán sản phẩm đợt này là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt là than và xăng dầu.
Việc tăng giá là việc cực chẳng đã, nhưng nếu không tăng giá, doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị kéo lùi kết quả kinh doanh. Đợt tăng giá lần này cũng là lần tăng giá thứ 2 trong năm nay và chỉ cách lần tăng giá lần trước gần 2 tháng.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng 35 - 40% giá thành sản xuất xi măng là than đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và giá bán tăng. Hiện nay, 66% nguồn cung than cho sản xuất xi măng phải nhập khẩu, do đó giá thành xi măng Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế.
Tập đoàn Xi măng The Vissai đã quyết định tăng giá đối với các sản phẩm xi măng bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn từ ngày 10/5. Đây là lần tăng giá thứ 2 của Vissai, do không cáng nổi đà tăng của chi phí sản xuất. Trong đợt tăng giá gần đây nhất vào cuối tháng 3 năm nay, Vissai tăng 100.000 đồng/tấn.
Tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, trong đợt tăng giá đầu tiên trong năm, phần lớn các doanh nghiệp đều tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.
Giá than nhiệt tiếp tục duy trì ở mức cao do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến việc biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành suy giảm mạnh trong năm 2022.
Nguồn: Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT
Với lần tăng giá từ đầu tháng 5, khối các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam, gồm Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn cũng quyết định điều chỉnh tăng giá bán.
Theo đó, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn cho biết, tình hình thị trường vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt từ ngày 27/4, giá than thế giới tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất clinker, xi măng. Doanh nghiệp này cho hay, sau khi rà soát mức độ ảnh hưởng của giá than tăng lần này đã khiến giá thành sản xuất của clinker gần 85.000 đồng/tấn, xi măng bao PCB30 xấp xỉ 50.000 đồng/tấn, bao PCB40 gần 58.000 đồng/tấn, rời PCB40 công nghiệp trên 65.000 đồng/tấn.
Căn cứ vào tình hình thực tế thị trường, sau khi thống nhất về lộ trình tăng giá trên các địa bàn với một số doanh nghiệp sản xuất xi măng như Nghi Sơn, Long Sơn, Vicem Hoàng Mai, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, từ ngày 10/5, Vicem Bỉm Sơn đã thông báo điều chỉnh giá bán xi măng bao, rời tăng 70.000 đồng/tấn. Giá xuất khẩu xi măng và clinker cũng tăng 95.000 đồng/tấn.
Xí nghiệp Tiêu thụ Xi măng Vicem Bút Sơn thì thông báo tăng giá bán xi măng từ ngày 6/5, trong đó, xi măng bao dân dụng PCB30, PCB40, MC25, C91; Xi măng bao PCB30, PCB40 sử dụng vỏ bao dán đáy công trình tăng thêm 50.000 đồng/tấn. Xi măng rời PCB30, PCB40 (bao gồm cả xi măng đóng bao Jumbo, vỏ bao Jumbo của khách hàng) tăng 70.000 đồng/tấn.
Rủi ro gia tăng
Tiêu thụ xi măng quý I/2022 đã được cải thiện đáng kể sau năm 2021 bị sụt giảm mạnh bởi các đợt giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tiêu thụ tăng, doanh thu cải thiện, nhưng lợi nhuận của nhà sản xuất lại không tăng tương ứng.
Nguyên nhân chính là giá bán xi măng vẫn chưa theo kịp với tốc độ tăng giá của chi phí sản xuất đầu vào. Trong danh mục các loại năng lượng tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp trong sản xuất xi măng, clinker, gồm điện, than cám, dầu DO 0,05S và dầu R-DO đều có mức tăng rất mạnh.
Đối với than, tình hình nguồn cung khan hiếm mà giá nhập khẩu tăng đến 400% so với cùng kỳ, dù các doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng than có nhiệt trị thấp (cám 4b.1, 5a.1, 5b.1) để thay thế một phần than có nhiệt trị cao đang dần khan hiếm và có giá thành cao (3c.1 và 4a.1), nhưng vẫn không chặn được đà suy giảm lợi nhuận.
Báo cáo tài chính quý I/2022 của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên 1 cho thấy, doanh thu thuần đạt 1.957 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn 163,5 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, Hà Tiên chỉ ghi nhận gần 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 70 tỷ đồng so với cùng năm ngoái.
Theo lãnh đạo Công ty Xi Măng Hà Tiên, sở dĩ lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh do giá than, dầu và các nguyên nhiên vật liệu sản xuất xi măng tăng vọt.
Tại Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai (mã HOM), doanh thu quý I đạt 429 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng lên tới 375 tỷ đồng, nên lợi nhuận chỉ đạt 355 triệu đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất xi măng, thép... nên trong quý I/2022, giá các vật liệu xây dựng thiết yếu này đã tăng giá; thậm chí, thép ghi nhận tăng giá mạnh (tăng 3,5% so với quý IV/2021). Với ngành xi măng, đã có tới 4 đợt tăng giá kể từ tháng 3/2021 đến nay.
Nhận định tình hình thị trường và sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm 35% thị phần cho biết, tuy dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, song giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất dự báo tiếp tục tăng, gây rủi ro lớn cho các nhà sản xuất./.