Đồng loạt tăng giá
Sau một thời gian dài giữ giá, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đồng loạt điều chỉnh giá bán sản phẩm tại thị trường nội địa. Theo thông tin từ các nhà sản xuất, từ cuối tháng 9 đến nay, đã có hơn chục doanh nghiệp công bố mức điều chỉnh giá bán xi măng mới áp dụng từ đầu tháng 10/2018.
Đơn cử, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Đồng Lâm điều chỉnh tăng giá 50.000 đồng/tấn đối với xi măng Đồng Lâm PCB30, PCB40 bao 50 kg kể từ ngày 1/10/2018.
Ông Huỳnh Út Phi Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Đồng Lâm cho biết, việc tăng giá bán là cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp cân đối chi phí tài chính, bởi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. “Đã đến lúc doanh nghiệp không thể cầm cự thêm được”, ông Châu nói.
Sở hữu 2 dây chuyền xi măng, công suất hơn 4 triệu tấn tại Đô Lương (Nghệ An), Công ty CP Xi măng Sông Lam (Nghệ An) cũng không đứng ngoài đợt điều chỉnh giá bán này. Theo đó, từ ngày 15/10/2018, giá bán xi măng (nhãn hiệu Vissai) áp dụng với khách lấy hàng tại Nhà máy tăng thêm 30.000 đồng/tấn.
“Do chi phí đầu vào sản xuất xi măng đều tăng giá, để đảm bảo sản xuất, vận hành nhà máy cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, Công ty buộc phải xem xét lại giá bán sản phẩm và đi đến quyết định điều chỉnh giá đối với tất cả các loại xi măng chủng loại bao PCB40”, ông Vũ Hồng Phương, Tổng giám đốc Xi măng Sông Lam giải thích.
Không chỉ quyết định tăng giá bán, một số doanh nghiệp còn giảm tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý. Công ty CP Xi măng Công Thanh xác nhận, xi măng Công Thanh khu vực miền Trung giảm chiết khấu thương mại 30.000 đồng/tấn, đồng thời tăng 30.000 đồng/tấn với xi măng PCB30, PCB40.
Một số đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cũng quyết định tăng giá, trong đó, Vicem Bỉm Sơn tăng 30.000 đ/tấn với PCB30, PCB40 dân dụng.
Trong danh sách doanh nghiệp xi măng điều chỉnh giá còn có Công ty CP Xi măng Hoàng Long với mức điều chỉnh tăng thêm 30.000 đồng/tấn PCB30, PCB40 thuộc các thương hiệu xi măng Nam Sơn, Sài Sơn, Trung Sơn, Hoàng Long, Alpha.
Không gây biến động lớn
Chi phí đầu vào chính cho sản xuất xi măng gồm: điện, than, vỏ bao, nhân công…, trong đó, giá điện, giá than chiếm tỷ trọng lớn. Bất kỳ sự tăng giá nào với các nguyên liệu đầu vào kể trên đều tác động tới giá thành sản xuất xi măng.
Gần đây nhất, vào ngày 1/12/2017, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức hơn 1.720 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tăng 6,08% so với giá bán bình quân trước đó (1.622,01 đồng/kWh).
Theo khung giá điện này, với năng lực sản xuất 24 - 25 triệu tấn sản phẩm/năm, Vicem ước tính sẽ phải trả thêm 18,5 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng và chi phí tăng thêm do tăng giá điện lên tới 220 - 240 tỷ đồng/năm.
Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem, khi giá điện tăng thì chi phí tăng, nếu không tăng giá bán thì doanh thu của Vicem sẽ giảm trên 200 tỷ đồng/năm, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tác động của việc điều chỉnh tăng giá bán xi măng, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, việc điều chỉnh này sẽ không gây biến động lớn trên thị trường xi măng, cả về nguồn cung, dịch vụ bán hàng và chất lượng, bởi mức tăng chỉ dao động 30.000 - 50.000 đồng/tấn.
“Giá bán xi măng tại thị trường trong nước đã được giữ ổn định từ vài năm nay, dù năm nào chi phí sản xuất cũng gia tăng, từ giá điện, giá than đến chi phí tiền lương, xăng dầu… nên các doanh nghiệp công bố điều chỉnh giá bán đồng loạt từ đầu tháng 10/2018 là không bất ngờ”, đại diện VNCA phân tích.
Minh chứng là sản lượng xi măng tiêu thụ tại nội địa trong tháng 10/2018, thời điểm đã điều chỉnh giá, vẫn tăng trưởng mạnh, đạt gần 6,1 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, từ nay đến cuối năm, sản lượng xi măng tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ vẫn tiếp tục tăng do thời tiết rất thuận lợi cho việc xây dựng. Đây cũng là thời điểm nhiều dự án xây dựng, bất động sản được gấp rút hoàn thành để kịp mở bán vào dịp cuối năm.