"Đốt lò" là hình tượng sinh động mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dùng để nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt, "không vùng cấm". "Đốt lò" là để lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước từ TW đến địa phương.
Niềm tin đã bị khủng hoảng một thời gian dài bởi trong Đảng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao, thoái hóa biến chất...
Ở cấp TW, "đốt lò" thời gian qua đang làm niềm tin của Nhân dân sáng dần lên. Sáng lên không chỉ ở việc xử lý có trọng tâm trọng điểm, nghiêm minh, đến nơi đến chốn các vụ đại án, kể cả đại án phức tạp, nhạy cảm; mà còn từ những phát ngôn và hành động của các vị lãnh đạo, các cơ quan TW.
Ngọn lửa niềm tin sẽ rạng ngời cả nước nếu thời gian qua tất cả các địa phương đều "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".
Nói là nếu, vì thực tế chưa được như vậy, thậm chí nhiều địa phương không những không có sự chuyển động tương ứng, mà ngược lại, ở đó, khủng hoảng niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền càng trầm trọng thêm.
Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, công cuộc "đốt lò" sẽ khó đạt mục đích.
Chưa bao giờ câu chuyện niềm tin, xử lý khủng hoảng niềm tin đặt ra cấp thiết như hiện nay ở các địa phương. Một chỉ dấu về bản lĩnh cán bộ lãnh đạo trong xử lý khủng hoảng niềm tin chính là xử lý khủng hoảng truyền thông.
Một trong những địa phương có nhiều khủng hoảng truyền thông, và hiện nay đang phải giải quyết khủng hoảng gian lận thi cử, đó là Sơn La.
Năm 2015, Sơn La rơi vào "tâm bão" dư luận cả nước vì những thông tin "xây Tượng đài Bác Hồ 1.400 tỷ". Đến mức Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu Sơn La báo cáo. Đến lúc này, Sơn La mới nhận ra tác động kinh khủng của truyền thông không đúng sự thật. Và khác với ứng xử trước đây với truyền thông - Sơn La tổ chức họp báo. Với Sơn La có thể nói đó là lần đầu tiên diễn ra sự kiện hàng chục tờ báo trung ương và địa phương tập trung chất vấn, phản ánh trực tuyến nội dung cuộc họp báo lên không gian mạng. Chủ trì họp báo là 2 vị Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch tỉnh. 1 ngày sau, Chủ tịch tỉnh trả lời phỏng vấn VOV, VTV và nhiều tờ báo lớn khác, làm rõ hơn những thông tin mà báo giới đặt ra sau cuộc họp báo. Sự thật được công bố đàng hoàng công khai, dư luân tiêu cực về việc xây Tượng đài lắng xuống.
Sau cuộc họp báo này, Sơn La có báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng chấp thuận tiếp tục triển khai dự án Quảng trường và Tượng đài. Đến nay, công trình đang triển khai thuận lợi.
Sơn La có được bài học thành công trong xử lý khủng hoảng truyền thông qua vụ này. Đó là bài học: Hãy mở cửa ra và công bố sự thật. Bởi, "khi sự thật đi vào cửa chính thì sự giả dối sẽ chuồn qua cửa sổ". Bài học này tiếp tục được Sơn La áp dụng trong vụ khủng hoảng truyền thông khi khởi tố, bắt tạm giam 17 cán bộ liên quan đến tái định cư công trình nhà máy thủy điện Sơn La. Chỉ một tuần sau họp báo, từ hàng trăm bài báo đưa tin về vụ việc này gây xôn xao dư luận đã giảm xuống và hầu như không nói nữa, người dân tin vào quan điểm chỉ đạo xử lý của Tỉnh ủy, Ủy ban, và chờ đợi thông tin chính thức về vụ án từ cơ quan tố tụng.
Sau 2 vụ khủng hoảng đáng kể trên, hiện tại Sơn La lại đang được cả nước quan tâm bởi vụ thứ 3 - gian lận thi cử.
Lần này, có vẻ như Sơn La thật sự lúng túng trong xử lý. Một trong những biểu hiện rõ nhất là hôm kia, Sơn La tổ chức họp báo, giấy mời đã phát đi, rồi lại vội vã thông báo hoãn. Nhiều tờ báo ở Hà Nội lỡ đà có mặt tại Sơn La lại tiếp tục đưa tin về những bất thường của nhiều cán bộ Sơn La trong cơn bão gian lận thi cử. Về vụ khủng hoảng này, hiện tại Sơn La có vẻ "nóng" hơn cả Hòa Bình và Hà Giang là 2 tỉnh cũng gian lận thi cử không kém.
"Nóng" từ phát ngôn đầu tiên khi bắt đầu phát hiện gian lận ở Sơn La của Giám đốc Sở Giáo dục Hoàng Tiến Đức: "Tất cả đều đúng quy trình. Sơn La đạt điểm cao là do các em làm bài thi cố gắng". "Nóng" do phát biểu trong giao ban báo chí của một vị lãnh đạo: Công bố danh sách học sinh có bài thi gian lận là không nhân văn. "Nóng" bởi điểm thi gian lận của học sinh Sơn La được báo chí đưa tin vọt lên cao ngất. "Nóng" bởi danh sách phụ huynh các em có bài thi nâng điểm toàn là cán bộ chức sắc. "Nóng" bởi nhiều cán bộ có con được nâng điểm đều nói giống nhau: Không biết, không liên quan. "Nóng" bởi người dân Sơn La đang bức xúc nói với nhau về nhiều người, nhiều việc liên quan đến gian lận thi cử chưa được phanh phui. "Nóng" vì họ cho rằng, chính lúc này, lãnh đạo cao nhất tỉnh nên thể hiện vai trò và bản lĩnh của mình xuất hiện trước dân và nói những điều tạo niềm tin cho Nhân dân.
Gian lận thi cử đã trở thành đại án bởi hậu quả đăc biệt nghiêm trọng đối với niềm tin của Nhân dân cả nước, chỉ có sự thật và trách nhiệm trước sự thật được thể hiện mới có sức thuyết phục hùng hồn nhất.
"Đốt lò" phải được các địa phương tiếp lửa!