Aa

Xử lý xây vượt tầng ở Hà Nội: Mới "đụng" được 2/40 công trình

Chủ Nhật, 05/04/2020 - 10:23

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về tình hình xử lý các công trình sai phạm còn tồn đọng giai đoạn 2015 - 2016, mới chỉ xử lý được 2/40 công trình, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Đáng chú ý, có nhiều công trình “khủng” như nhà 8B Lê Trực, dự án công trình hỗn hợp Đại Thanh, dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5, xã Tân Triều (Thanh Trì)... là những công trình cư dân đã sinh sống ổn định nhiều năm. Tìm hiểu được biết, có chủ đầu tư đã kiến nghị Nhà nước trưng thu phần diện tích xây dựng sai phạm dùng làm tài sản công, bởi quá trình tháo dỡ rất phức tạp, khó khăn và tốn kém.

Trao đổi về vấn đề xử lý sai phạm trong xây dựng, luật sư Hoàng Đạo - Văn phòng Luật sư 24/7 Hà Nội cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017 đã quy định rõ về mức xử phạt hành chính, tước Giấy phép xây dựng và chế tài buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phạm. Nhưng việc này chỉ phù hợp đối với những công trình đang xây dựng. Còn quá trình xử lý đối với những công trình người dân đã vào sinh sống đang gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn về việc xử lý các công trình sai phạm khi đã có người vào ở ra sao. Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định phải nộp 40% giá trị phần xây sai phép đối với nhà ở riêng lẻ và 50% đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng, mà chưa có quy định về tịch thu toàn bộ số tiền thu được từ việc bán căn hộ sai phép hay trưng thu toàn bộ phần xây sai để phục vụ mục đích công cộng. Vì vậy, muốn thực hiện chế tài này cần phải cụ thể hóa vào luật, tránh trường hợp chống đối hoặc thiếu căn cứ khi xử lý”, luật sư Hoàng Đạo cho hay.

Công trình 8B Lê Trực

Quy chiếu Nghị định 139/2017/NĐ-CP phần quy định những trường hợp xây dựng sai phép mà không bị tháo dỡ, khoản 2, 3 Điều 79 có nêu các hành vi: Không có giấy phép xây dựng; Xây dựng sai nội dung giấy phép, sai thiết kế, sai quy hoạch chi tiết; Tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép, không phép, sai thiết kế được cấp đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới (bao gồm cả công trình được miễn giấy phép)..., thì không phải tháo dỡ nếu: Đã kết thúc trước ngày 15/1/2018; Không vi phạm chỉ giới xây dựng; Không gây ảnh hưởng các công trình lân cận; Không có tranh chấp; Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp; Phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

“Từ khi Nghị định 64/NĐ-CP có hiệu lực, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng giảm hẳn. Nhưng trước đó, khi các địa phương chưa được phủ kín quy hoạch, việc cấp phép xây dựng còn tùy tiện và những dự án không ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng tại khu vực đó ở thời điểm được cấp phép lại không có cơ sở đối chiếu để xử lý”, luật sư Hoàng Đạo nhận xét.

Chia sẻ quan điểm về xử lý công trình vi phạm đã cho người dân vào ở, KTS Nguyễn Văn Thanh cho hay, Nghị định 139/2017 có quy định một số trường hợp xây dựng sai phép trước ngày 15/1/2018 không bị phá dỡ và theo quy định thì chưa có căn cứ để tịch thu toàn bộ phần xây sai phạm làm công trình công ích.

“Theo quy định của pháp luật, những công trình sai phạm từ sau ngày 15/1/2018 thì kiên quyết tháo dỡ. Nhưng để sớm giải quyết các công trình còn tồn đọng từ trước, cơ quan chức năng cần căn cứ vào những nội dung quy định của Luật xem có đủ điều kiện để giữ lại hay không; đồng thời cũng nên xem xét nguyện vọng của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống để quyết định thực hiện phương án trưng thu toàn bộ số tiền bán phần sai phạm vào ngân sách hay tịch thu làm công trình công cộng”, ông Thanh nhìn nhận.

Liên quan đến dự án 8B Lê Trực, UBND TP. Hà Nội mới đây đã có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Ba Đình để quán triệt tinh thần xử lý dứt điểm sai phạm tại công trình 8B Lê Trực.

Ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực bàn giao hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công công trình, UBND thành phố còn đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thiết kế tòa nhà tham gia lập phương án tháo dỡ. Cùng với đó, TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình thực hiện giám sát tháo dỡ, trước mắt là tầng 18 của tòa nhà 8B Lê Trực.

Cũng theo UBND TP. Hà Nội, việc xử lý vi phạm công trình đã được Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND TP. có nhiều văn bản chỉ đạo, đưa việc xử lý vi phạm tại dự án vào danh mục Thành ủy theo dõi, đôn đốc thực hiện phải nghiêm túc đảm bảo đúng pháp luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top