Aa

Bài 52: Lâm Đồng loay hoay xử lý sai phạm phân lô bán nền

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Sáu, 24/03/2023 - 06:15

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm đối với khu vực, diện tích đất không phù hợp với quy hoạch.

Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 1952/UBND-ĐC1 về việc xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vào ngày 14/2/2023, UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương về rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phân lô, tách thửa, kinh doanh bất động sản trên địa bàn các huyện, thành phố.

Sau khi xem xét báo cáo và ý kiến của các bên, UBND tỉnh đã yêu cầu các UBND địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, lập, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn theo thẩm quyền; trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Trong đó, riêng đối với quy hoạch sử đụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện phải hoàn thành việc thẩm định, trình UBND tỉnh trước ngày 31/3/2023.

Song song đó là thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản theo đúng quy định; tuyệt đối không để hình thành các khu dân cư, dự án bất động sản trái phép, không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị).

Đối với các khu vực, diện tích đất hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa hình thành các khu, điểm dân cư mới (thực chất đây là các dự án kinh doanh bất động sản) trên địa bàn các huyện, thành phố, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, phân loại và xử lý theo hướng:

Đối với khu vực, diện tích đất phù hợp các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Đối với khu vực, diện tích đất chỉ phù hợp với một trong các quy hoạch hiện nay (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị), mà địa phương có định hướng, dự kiến quy hoạch khu, điểm dân cư mới thì dừng các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, san gạt mặt bằng, đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ trình tự hồ sơ, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở (nếu có)...theo quy định. Sau khi chấp hành xong việc xử lý vi phạm và đã điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất giữa các quy hoạch thì hướng dẫn doanh nghiệp hoặc hộ gia đình, cá nhân có đất tách thửa lập, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đã điều chính thống nhất, thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với khu vực, diện tích đất không phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị) thì thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở... theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu không điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa hồ sơ sai phạm, đảm bảo sự nghiêm minh trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.  

Hình thức hiến đất làm đường đã bị nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi, thậm chí biến tướng để phân lô, bán nền

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải căn cứ quy định của pháp luật hiện hành đề hướng dẫn UBND các huyện, thành phố (trong tháng 3/2023) hướng xử lý vi phạm trong việc hiến đất, làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất, làm đường giao thông và tách thửa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đánh giá, xác định các trường hợp nào thuộc trường hợp hình thành các khu, điểm dân cư mới; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 31/3/2023 xem xét, chỉ đạo; đồng thời rà soát báo cáo, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh (trong quý 2/2023) xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung chưa rõ, còn vướng mắc quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 01/11/2021 của UBND tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ đạo tiếp tục giải quyết các trường hợp hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp đường giao thông dự kiến phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chung nông thôn mới đã được phê duyệt.

Những chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng liệu có đúng quy định của Luật Đất đai và các quy định liên quan hay chỉ mang tính chủ quan, đối phó? Reatimes tiếp tục phản ánh trong những bài tiếp theo.

Huyện Bảo Lâm có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030?

Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện nhiều bất thường, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong quy hoạch huyện Bảo Lâm đến năm 2030 do huyện này lập. Đây là thông tin đã được Reatimes phản ánh trong bài: Lâm Đồng: Huyện Bảo Lâm chạy theo “lợi ích nhóm” khi lập quy hoạch?

Theo đó, ngày 7/3/2022, Hội đồng Thẩm định QHKHSDĐ 2021-2030 tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo số số 59/TB-HĐTĐ/STNMT về kết quả thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Bảo Lâm. Theo thông báo này, việc cập nhật các tuyến đường giao thông theo hiện trạng lên bản đồ quy hoạch đối với các vị trí, tuyến đường giao thông do người dân tự phát mở trên diện tích đất thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, đất ở (theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020), mà không phải là các tuyến đường do nhà nước quy hoạch hoặc tuyến đường trong khu dân cư hiện hữu và nhiều khu vực khác trên địa bàn huyện đặc biệt là các khu vực người dân hiến đất mở đường đang được thanh tra, kiểm tra vô hình chung hợp thức hóa việc mở đường. Do vậy, Hội đồng Thẩm định QHKHSDĐ 2021-2030 tỉnh Lâm Đồng đề nghị chỉ thực hiện cập nhật khi các khu vực này đã có quy hoạch chi tiết được cơ quan nhà nước có thâm quyền phê duyệt; để không làm ảnh hưởng đến cơ cấu, chỉ tiêu sử dụng đất các loại đất.

Bên cạnh đó, huyện Bảo Lâm không đưa vào quy hoạch sử dụng đất kỳ này các khu dân cư tại một số vị trí nêu trên khi cơ sở hạ tầng không đảm bảo về điện, đường, trường, trạm, hệ thống cấp thoát nước (như người dân tự khoan giếng ảnh hưởng đến mực nước ngầm, gây ra sụt lún đất...), hệ thống xử lý rác thải không đồng bộ. Điều này dẫn đến hệ lụy về môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế của địa phương trong các giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, các tuyến đường giao thông tự phát do người dân hiến đất mở đường phục vụ cho việc tách thửa chuyên mục đích sử dụng đất chưa được thâm định nghiệm thu về chất lượng, chưa kết nối đồng bộ với hạ tầng khu vực có thể dẫn đến hệ quả khi khai thác đưa vào sử dụng sẽ nhanh xuống cấp, hư hỏng ....

Như vậy, những điều trên không phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo là quy hoạch phát triển phải đảm bảo sử dụng đất một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nâng cao hiệu quả sử dụng đất bền vững.

Ngoài ra, theo biên bản họp Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Bảo Lâm, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh cho rằng, một số khu vực ở huyện Bảo Lâm chỉ thể hiện loại đất quy hoạch, không thể hiện loại đất theo hiện trạng là gì, cần được bổ sung. Nhiều khu chức năng có số liệu, không được thể hiện vị trí, ranh giới trên bản đồ.

Diện tích đất ở đô thị, đất ở nông thôn quá lớn, thiếu căn cứ khoa học và lý luận để xác định chỉ tiêu này; tổng diện tích quy hoạch đất ở nông thôn đến năm 2030 là 3.926,24 ha tăng 452,15 % so với hiện trạng năm 2020 (868,34 ha), tương đương 130.000 hộ dân. Tỷ lệ tăng dân số khoảng 10%/năm, tăng cơ học khoảng 5%, như vậy hàng năm dân số tăng khoảng 15% đến năm 2030 dân số khoảng 150.000, tương đương 40.000 hộ.

Tổng diện tích quy hoạch đất ở đô thị đến năm 2030 là 557,63 ha tăng 341,69 % so với hiện trạng năm 2020 (163,20 ha); một số điểm đất ở không hợp lý: nằm giữa rừng, nằm vào hành lang bảo vệ sông hồ, nằm độc lập giữa đất sản xuất nông nghiệp, không có hệ thống đường giao thông kết nối với khu đất ở. Huyện Bảo Lâm cũng thiếu nhiều ký hiệu trên bản đồ thể hiện loại đất theo hiện trạng chuyển sang đất ở, nhiều khu đất ở được quy hoạch ôn định lâu dài nay lại sang đất nông nghiệp (thiếu tính kế thừa không hợp lý ngược với quy luật phát triển không thể thực hiện quy hoạch) hoặc nhiều khu đất đưa vào quy hoạch đất ở không hợp lý, không phù hợp quy chuẩn để hình thành điểm, khu dân cư, phân bố chỉ tiêu đất ở theo địa bàn xã thị trấn không hợp lý: các xã bố trí đất ở quá lớn như Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc An, Lộc Thắng...

Về đất giao thông, tuyến cao tốc quy hoạch thể hiện cả phần diện tích thuộc địa bàn ngoài ranh giới hành chính. Một số tuyến đường giao thông đã xây dựng, có quy định chiều rộng, hành lang an toàn, đã thông toàn tuyến, hệ thống cầu cống đã có nhưng thể hiện thiếu dẫn đến đường quy hoạch mà bị đứt quãng, không nối thông qua sông suối, không được thể hiện chính xác trên bản đồ mà thể hiện khúc lớn khúc bé, đoạn đường nối nhau bị lệch dẫn đến mép trái nối với mép phải, nhiều đoạn sông suối lại thể hiện là đường giao thông và ngược lại, đường giao thông thể hiện nhánh cụt rất nhiều, không có đấu nối với nhau, diện tích đất giao thông quá thấp... Những bất cập trên dẫn đến số liệu diện tích đất giao thông không đồng nhất giữa dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính.

Ngoài ra, quy hoạch các loại đất ven các hồ, đập, sông suối chưa tuân thủ theo quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần được bổ sung.

Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, các xã vùng ven thành phố Bảo Lộc đang được đưa vào phạm vi quy hoạch chung xây dựng Thành phố Bảo Lộc, vì vậy đề nghị Hội đồng thấm định xem xét nên chăng đưa nội dung này vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện để đáp ứng và đồng bộ quy hoạch sau khi được phê duyệt.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng còn đề nghị UBND huyện Bảo Lâm kịp thời cung cấp các hồ sơ liên quan đến việc lập bản đồ quy hoạch sử dụng đắt cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, gửi Văn phòng Đăng ký đất đai (các thành phân cụ thể theo văn bản số 34/CƯ-VPĐKĐĐ ngày 19/1/2021). Văn phòng Đăng ký đất đai đến nay chưa nhận được tài liệu, do vậy chưa có kết quả kiểm tra thâm định báo cáo Hội Đồng thẩm định theo yêu cầu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top