Aa

Nghĩ về cái chết

Chủ Nhật, 30/05/2021 - 07:00

Câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, “quy tiên cưỡi hạc phải vù thật nhanh”, hình như đó là niềm mơ ước của mọi người trên trái đất này...

Ông nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh có viết hai câu rất hay, thâm thúy về cái sự đau đớn nhất của kiếp người: "Quy tiên cưỡi hạc phải vù thật nhanh”

Để chỉ mỗi cái sự chết, tiếng Việt có không biết bao nhiêu từ để diễn tả: Chết, tử, ngỏm, tỏi, tắt thở, ra đi, đi đời, đi đứt, đứt bóng, ra ma, thăng thiên, theo các cụ, đi Tây Trúc thỉnh kinh, quy tiên cưỡi hạc, về cõi niết bàn, theo ông bà ông vải… Không thể nào mà kể hết ra đây được. Thậm chí, tùy vào ngữ cảnh người ta lại ứng tác luôn ra một cụm từ mới để chỉ cái sự chết.

Chết, là một sự tất yếu của đời người. Sự kết thúc một vòng đời sinh học. Người xưa đã đúc kết “sinh - lão - bệnh - tử” là quy luật bất biến của đời người. Con người ta sinh ra, lớn lên rồi phải già lão hóa đi. Cơ thể trẻ trung đầy nhựa sống tưởng như mãi mãi về sau không biết đến bệnh tật yếu đuối, một ngày kia bỗng thấy rệu rã, bệnh tật ở đâu sinh ra lắm thế hành hạ cái thân xác này.

Cái chết
Có người nói, cuộc sống thực chất là hành trình đi đến cái chết. Nghe có vẻ tiêu cực nhưng nó lại chứa một sự thực đắng cay. (Ảnh sưu tầm)

Rồi một lúc nào đó, cái chết đến. Có cái chết từ từ như được báo trước, thậm chí có người biết cái chết của mình vào thời điểm nào, sự tê liệt lạnh giá bắt đầu từ đâu. Nhưng cũng có người “chết không kịp ngáp”, vù một cái “cụ” đã cưỡi hạc vân du nơi tiên cảnh. Cái chết như là một đích đến của cuộc đời mà, dù muốn dù không chúng ta vẫn cứ phải tới.

Có người nói, cuộc sống thực chất là hành trình đi đến cái chết. Nghe có vẻ tiêu cực nhưng nó lại chứa một sự thực đắng cay. Con người ta sinh ra rồi bị ném vào cuộc đời vật lộn, giành giật, thậm chí là chém giết lẫn nhau. Làm đủ trò ti tiện bỉ ổi có, thanh cao đạo đức có. Vơ vét chiếm đoạt lừa đảo làm hại nhân quần có. Cống hiến chia sẻ thúc đẩy văn minh nhân loại tiến lên có. Thôi thì đủ kiểu. Người giàu kẻ nghèo. Người ăn không hết kẻ lần chẳng ra. Thế nhưng trước cái chết, họ đều bình đẳng như nhau. Đều từ cát bụi lại trở về cát bụi hư vô.

Ông nhà văn người Séc, Milan Kundera trong cuốn tiểu thuyết “Sự bất tử” của mình đã luận rất hay về cái sự chết. Theo ông, sự sống và cái chết như hai bờ của một dòng sông. Để đi đến cái chết, con người ta bắt buộc phải đi qua một cây cầu có tên là sự mệt mỏi, đau ốm bệnh tật, chán nản buông xuôi. Rồi mới chết đi được. Có lý. Nhưng cũng rất nhiều người do chiến tranh, tai nạn, thiên tai… phải chết bất ngờ mà lòng vẫn đầy khao khát sống, chưa từng đặt chân đến cây cầu kia.

Những cái chết ấy có thể gọi là oan uổng. Tất cả những con người chết mà chưa đi qua hết vòng đời, chết mà chưa đi qua cây cầu bắc giữa sự sống và cái chết đều có thể gọi là chết oan. Linh hồn họ còn luyến tiếc cuộc sống trần thế, luyến tiếc những thú vui chưa kịp hưởng thụ, không siêu thoát đi được thành ra những hồn ma vất vưởng. Có lẽ thế nên nhà Phật mới có lệ lập đàn cầu cúng cho những linh hồn ấy được siêu sinh tịnh độ về kiếp khác.

Dịp này tôi đang phải thực hiện giãn cách xã hội ở tâm dịch Covid-19 tại quê nhà Thuận Thành, Bắc Ninh. Với một người viết như tôi, giãn cách cũng là một dịp hay, có khi lại viết được nhiều hơn. Năng xuất hơn. Thế nhưng có lẽ do nhàn rỗi và im ắng quá, hoặc là giả do các phương tiện truyền thông cứ ồn ào đưa tin về các ca chết do dịch bệnh Covid-19, nên tôi hay nghĩ về cái sự chết.

Ừ, rồi ai chả chết. Ừ, dịch bệnh Covid thật nguy hiểm. Nhưng nó có đáng sợ đến mức làm tê liệt con người, rối loạn hết mọi hoạt động xã hội như hiện nay không? Có đáng không? Tôi cứ suy nghĩ mãi về điều này. Khi các con số thống kê chỉ ra rằng, gần hai năm dịch bệnh, số người tử vong ở nước ta mới chưa đầy năm chục, chủ yếu là người già cả, mắc bệnh nền. Mới chỉ có một ca đáng lưu tâm là cô công nhân 38 tuổi. Thế nhưng cũng những con số thống kê cho ta biết, số người chết một tháng qua do tai nạn giao thông trong nước là xấp xỉ 500 người! Và một số bị thương còn cao hơn nữa. Thế nhưng con số chết tai nạn giao thông đưa ra lập tức rơi tõm vào thinh không. Hầu như không gây hiệu ứng đáng kể nào trên truyền thông. Có cảm tưởng như mọi người thản nhiên chấp nhận điều đó.

Covid-19
Sự sống và cái chết như hai bờ của một dòng sông... (Ảnh sưu tầm)

Có một điều cực kỳ khủng khiếp khi ta hình dung đầy đủ: Cứ mỗi ngày mở mắt, đi ra đường là đến tối có vài chục người đi “về” trong chiếc quan tài! Mà những người chết vì tai nạn giao thông chủ yếu trẻ khỏe, sung sức. Nói một cách nào đó họ chết thật đau đớn, phí hoài, oan uổng. Khủng khiếp như thế nhưng tại sao nó hầu như không gây ấn tượng gì lắm cho xã hội, mà chỉ những người thân của nạn nhân âm thầm chịu đựng?

Có lẽ do chúng ta đã chai lỳ, đã quen với những con số, hình ảnh khủng khiếp do tai nạn giao thông gây ra rồi. Cái gì rồi cũng sẽ quen, kể cả cái chết! Thế nhưng tại sao Covid chưa gây ra nhiều cái chết lại làm cho mọi người hoảng loạn đến vậy? Điều này rất cần các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội giải đáp.

Đã đành cái chết nào cũng đáng thương tiếc. Nhưng thật sự cái chết của những người đã đi qua hết vòng đời “sinh - lão - bệnh - tử”, đã đi qua cây cầu mệt mỏi, chán nản, đau đớn, buông xuôi nhiều khi lại là sự giải thoát. Giải thoát mọi khổ đau của kiếp người. Kéo dài sự sống hầu như bản năng thoi thóp để làm gì?

Nên, trở lại với câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, “quy tiên cưỡi hạc phải vù thật nhanh”, hình như đó là niềm mơ ước của mọi người trên trái đất này. Ai cũng mong muốn được sống tận cùng kiệt với hết bản năng được thiên phú của mình. Và ai cũng muốn có một cái chết thật nhẹ nhàng, không vật vã đau đớn. Đó hình như là mơ ước cuối cùng của mọi kiếp người. /.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top