Aa

Gửi bác sĩ Hoàng Công Lương

Thứ Ba, 22/01/2019 - 05:59

Một khi đã đi theo ngành y là phải biết sẽ có những tai biến, tai nạn nghề nghiệp rình đổ xuống đầu bất cứ lúc nào. Là rủi ro. Thậm chí là kiện cáo, tòa án, tù tội... Thế nhưng chúng ta phải vượt qua. Phải coi đó là thử thách. Kể cả tình huống xấu thế nào cũng phải nghiến răng mà chấp nhận và vượt qua. Không được gục ngã.

Tôi không định an ủi em. Tôi chỉ muốn kể cho em nghe câu chuyện này. Chuyện thật ở làng quê tôi...

Quê tôi có hai ông bác sĩ. Ở tại một ngôi làng gần nơi tôi sống. Vốn là con nhà nông dân. Học rất giỏi. Thi đỗ đại học Y Hà Nội. Họ đều đã từng đỗ thủ khoa kỳ thi nội trú của trường Y Hà Nội. Một ông cùng lứa tôi, cùng lớp phổ thông. Một ông sau ba năm. Cả hai ông này đều chọn chuyên ngành nhãn khoa, vào làm bác sĩ ở Viện mắt trung ương. Làm bác sĩ nội trú trong viện và giảng viên của trường đại học. Họ đều được học trò yêu quý...
Nhưng rồi thật lạ lùng, cả hai ông đều gặp nạn.

Ông bác sĩ bạn tôi bị đủ thứ nạn ẩm ương, từ chuyên môn đến hành chính. Chịu đủ mọi thứ kiểm điểm, để rồi tới mức phải ra khỏi Viện mắt. Về quê trong nghèo đói. Chưa vợ. Gia tài chính xác là hai bàn tay trắng...

Rồi ông ấy bắt đầu chữa bệnh cho dân xung quanh, như là định mệnh, thiên chức nghề nghiệp. Và cả như là một sự mưu sinh. Và rồi dần dần ông ấy thành công, nổi tiếng. Ông ấy đi lên từ hai bàn tay trắng đúng nghĩa! Ông ấy có tiếng tăm, có gia sản lớn, cưới vợ trẻ đẹp. Và nhà nước đã về mời ông ấy ra làm việc. Nay ông ấy là giám đốc bệnh viện mắt của tỉnh.

Còn ông bác sĩ nhãn khoa thứ hai, sau thế hệ tôi 3 năm. Cũng gặp tai biến y khoa, bị gia đình người bệnh kiện cáo. Lãnh đạo viện lúc đó lại không bảo vệ, truy bức kiểm điểm, không được làm việc, rút suất nghiên cứu sinh đi Pháp... Áp lực trùng trùng bủa vây. Trong một giây phút không chịu nổi áp lực, ông ấy đã tự tử, bỏ lại người vợ trẻ mới cưới, đang mang thai...

"Sai sót trong cuộc đời, trong nghề là khó tránh. Thế nên dù cuộc sống có thế nào thì hãy chấp nhận Lương nhé..."

Vụ việc này đã gây nên một làn sóng phẫn uất trong y giới Hà Nội và cả nước khi đó. Sinh viên trường Y Hà Nội đã tập trung trước nhà hiệu bộ phản ứng vì nhà trường đã không làm đủ để bảo vệ thày giáo họ. Cố giáo sư Tôn Thất Bách khi đó đã phải phát biểu trên Quốc hội là, nếu sai sót nào của y khoa mà cũng đem ra xử thì chỉ sáu tháng sau là Hà Nội hết bác sĩ!

Đã mấy chục năm trôi qua. Câu chuyện của hai ông bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng quê tôi giờ ít người nhắc lại. Ông bác sĩ tự kết liễu đời mình vì những sai sót y khoa thì càng ít người nhắc đến. Còn ông bác sĩ bị kỷ luật về quê xưa, nay người ta chỉ biết đến đấy là một ông bác sĩ có bàn tay vàng, cứu chữa được nhiều ngưòi, mang lại ánh sáng cho nhiều người. Và ông ấy có một cuộc sống đáng mơ ước: Nhà to, xe đẹp, chức cao, du lịch khắp thế giới. Và nhất là được mọi người trọng vọng...

Tôi là một dược sĩ, có thể nói là đồng nghiệp cùng ngành y tế của Lương. Tôi kể cho Lương nghe câu chuyện thật như trên, để nói với Lương rằng: Một khi đã đi theo ngành y là phải biết sẽ có những tai biến, tai nạn nghề nghiệp rình đổ xuống đầu bất cứ lúc nào. Là rủi ro. Thậm chí là kiện cáo, tòa án, tù tội... Thế nhưng chúng ta phải vượt qua. Phải coi đó là thử thách. Kể cả tình huống xấu thế nào cũng phải nghiến răng mà chấp nhận và vượt qua. Không được gục ngã. Bởi sau lưng chúng ta là gia đình, người thân, bạn bè, bệnh nhân... Làm thày thuốc có nghĩa là nhiều lúc như là chỗ dựa cuối cùng của mọi người. Nếu chúng ta gục ngã yếu đuối thì mọi người sẽ trông cậy vào đâu?

Lương ạ. Hãy cứng rắn lên. Ta biết Lương vô tội. Nhưng sai sót trong cuộc đời, trong nghề là khó tránh. Thế nên dù cuộc sống có thế nào thì hãy chấp nhận Lương nhé. Đời còn rất dài. Và sẽ còn rất nhiều cơ hội khác.

Hy vọng câu chuyện này đến được với Lương như một sự chia sẻ. Như một cái ôm ấm áp cho những ngày lạnh lẽo này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top