Aa

Ai hưởng lợi từ các dự án đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất?

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Sáu, 08/10/2021 - 16:15

Nhiều đơn vị trúng đấu giá đất ở Thanh Hóa nhưng cố “chây ỳ” không nộp tiền sử dụng đất, tình trạng đó khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn liệu có lợi ích nhóm hay có sự “bảo kê” cho doanh nghiệp?

Hiện nay, tình trạng nợ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ hàng trăm hay thậm chí lên đến hàng ngàn tỷ đồng có dấu hiệu chây ỳ, né tránh trả nợ không hiếm ở nhiều dự án trên địa bàn thành phố Thanh Hoá nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Thậm chí thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tình trạng tổ chức, cá nhân rao bán “chui” cả dự án “trên trời” khi chưa có quyết định trúng đấu giá hoặc mới có quyết định trúng sơ tuyển.

Hiện tượng này không khó tìm kiếm vì chỉ cần lên mạng internet hoặc thông qua "cò" có thể bắt gặp hàng loạt lời mời chào với nhan nhản số điện thoại rao bán đất nền… điều đó làm cho thị trường bất động sản tại địa phương trong thời gian vừa qua được dịp "nhảy múa", “náo loạn” ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều hành ngân sách, tiềm ẩn nguy cơ cao về bất ổn xã hội.

Bất cập sẽ trở thành thông lệ?

Trong bài viết “Thanh Hóa: Bất cập tại loạt dự án chậm nộp tiền trúng đấu giá” mà Reatimes đã từng phản ánh về thực trạng Dự án Khu DVTM, văn phòng và dân cư (MBQH 3241), đơn vị trúng đấu giá là Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa với giá trúng đấu giá hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Theo Quyết định số 4222/QĐ-UBND, ngày 15/10/2019 về việc công nhận kết quả trúng đấu giá thì liên danh này phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá trước tháng 04/2020.

Ai hưởng lợi từ các dự án đấu giá đất chậm nộp tiền sử dụng đất?
Mặt bằng "nhiều tai tiếng" 3241.

Hay như dự án Khu dân cư thôn 6, xã Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa (MBQH 4961/QĐ- UBND, ngày 05/6/2019), đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần địa kỹ thuật Việt Nam (Công ty GEOVIETNAM) với giá trúng đấu giá hơn 122 tỷ đồng. Theo Quyết định số 2317/QĐ- UBND, ngày 19/6/2020 thì đơn vị này chậm nhất phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước tháng 11/2020.

Tuy nhiên, những nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước được quyết định thời gian nộp tiền tại hai Quyết định công nhận trúng đấu giá là Quyết định số 4222/QĐ-UBND, ngày 15/10/2019 và Quyết định số 2317/QĐ- UBND, ngày 19/6/2020 từ hai cuộc đấu giá này đều không như kỳ vọng. Không đúng với sự hân hoan, hi vọng như khi công bố kết quả trúng đấu giá của hai dự án này là sẽ tạo một cú húych tài chính cho ngân sách để chi đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố Thanh Hóa thì trái lại là thất vọng rất lớn.

Kể từ khi quyết định trúng đấu giá được ban hành đến hạn nộp tiền theo quy định thì các đơn vị này vẫn không hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước mặc dù  đã nhiều lần bị UBND tỉnh, các ngành cấp tỉnh và UBND TP. Thanh Hóa mời làm việc. Tuy nhiên sau những lần làm việc đó, các đơn vị trúng đấu giá này vẫn chây ỳ, đưa ra nhiều lý do để trì hoãn việc nộp tiền trúng đấu giá.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi từng phải nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu đơn vị trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá theo thời gian đã quy định. Điển hình như tại Thông báo số 214/TB-UBND ngày 10/11/2020, thông báo nêu rõ: "Yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc nộp đầy đủ số tiền sử dụng đất còn nợ đọng nêu trên và các khoản phải nộp khác theo quy định và cam kết vào ngân sách trước ngày 25/11/2020. Trường hợp chủ đầu tư không chấp hành nộp đầy đủ tiền sử dụng đất trúng đấu giá vào ngân sách, UBND tỉnh sẽ hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; chủ đầu tư không được tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh".

Quy định là vậy, ý kiến chỉ đạo của phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gắt gao là thế, tuy nhiên, đơn trúng đấu giá vẫn phớt lờ ý kiến, cố tình “làm trái” yêu cầu của UBND tỉnh, UBND thành phố và các cơ quan chức năng.

Điển hình như việc Công ty GEOVIETNAM đã ngang nhiên thực hiện việc rao bán, nhận phiếu đặt chỗ, đặt cọc và được nhân viên bán hàng chào mời nhiệt tình thông tin giá cả từng lô. Khi phóng viên thắc mắc "theo quy định, dự án này phải xây nhà thô mới mở bán cho dân" thì đại diện Công ty CP GEOVIETNAM nói đã lo hết rồi, chỉ cần đóng đủ tiền là có sổ đỏ, không phải xây nhà". Báo Người Lao động đã từng phản ánh ngày 30/11/2020 sự việc trên đã từng bị UBND xã Thiệu Khánh phải phát loa cảnh báo người mua.

Nắm bắt được sự việc trên, UBND thành phố đã có ý kiến tại biên bản làm việc ngày 27/11/2020 là "UBND thành phố đề nghị công GEOVIETNAM nhanh chóng nộp đủ số tiền sử dụng đất theo quy định để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao đất ngoài thực địa cho công ty tiến hành xây dựng nhà thô… thì mới được mua bán, chuyển nhượng".

Cực chẳng đã, ngày 02/02/2021, UBND thành phố Thanh Hóa đã có văn bản số: 532/UBND- TTPTQĐ với nội dung: "Kính đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xem xét hủy Quyết định số 2317/QĐ-UBND, ngày 19/6/2020 về việc Công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất Dự án: Khu dân cư thôn 6, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa (MBQH 4961/QĐ-UBND, ngày 05/6/2019)".

Ngày 30 tháng 9 năm 2021, UBND tỉnh có công văn số 15180/UBND- KTTC về việc khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến việc xử lý dự án Khu dân cư thôn 6, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa do người trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Có lẽ, câu chuyện trúng đấu giá rồi chây ỳ, nợ đọng, rao bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định về đấu giá là quyền đương nhiên, là thông lệ của các đơn vị trúng đấu giá?

Cần có biện pháp cứng rắn

Trường hợp của Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI - Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa đến ngày 17/5/2021 mới nộp đủ số tiền sử dụng đất là 1.125.030.000.000 đồng. Tuy nhiên, chưa nộp tiền chậm nộp là 156.868.274.000 đồng theo Thông báo số 2780/ CCT- TTTBTK, ngày 21/5/2021 của Chi cục Thuế KV TP. Thanh Hóa– Đông Sơn, nghĩa là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Vậy mà Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa vẫn được "gỡ khó" bằng văn bản số 11520/UBND- KTTC của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đồng ý chủ trương bàn giao đất cho tổ chức trúng đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa với lý do (đến ngày 16/5/2021, Liên danh đã nộp đủ số tiền sử dụng đất trúng đấu giá là 1.215.030.000.000 đồng vào NSNN,… và đánh giá rất cao việc huy động số tiền lớn nêu trên để nộp ngân sách Nhà nước thể hiện sự quyết tâm, cố gắng của Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng ADI - Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa) như tại văn bản này đã nêu?

Ai hưởng lợi từ các dự án đấu giá đất chậm nộp tiền sử dụng đất?
Mặt bằng QH 4961/QĐ- UBND, ngày 05/6/2019.

Như vậy, với tinh thần làm đúng theo quy định, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất tại những dự án trên đã góp phần không nhỏ để TP. Thanh Hóa có nguồn lực tài chính từ ngân sách phục vụ nhu cầu phát triển đô thị. Doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn thu được món lợi chênh lệch giữa giá trúng đấu giá với giá chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp, mà ngân sách nhà nước không bị chiếm dụng, tỉnh Thanh Hóa không phải tổ chức hết cuộc họp này đến cuộc họp khác để đưa ra kết luận, đôn đốc, chỉ đạo việc nộp tiền trúng đấu giá từ đơn vị trúng đấu giá.

Chính vì những tổ chức, cá nhân đã “cố tình” vi phạm những quy định trên để rồi hàng loạt nhà đầu tư phải dài cổ ngóng giấy chứng nhận QSDĐ khi “trót” tin những doanh nghiệp thiếu uy tín. Để rồi chính quyền địa phương phải ban hành văn bản chỉ đạo, như văn bản số: 532/UBND- TTPTQĐ ngày 02/02/2021 của UBND thành phố đã nêu: "Đề nghị hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của Công ty cổ phần GEOVIETNAM" hoặc hay như: "Việc các hộ đã nộp tiền sử dụng đất cho Công ty nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các hộ có quyền khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo quy định".

Có lẽ đã đến lúc cần minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, nhu cầu thực sự và phải “khám sàng lọc sức khỏe” của các chủ đầu tư tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo hướng:

Tăng mức tiền đặt cọc đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất từ 20% lên 50% nhằm tránh hiện tượng "Đại gia ảo", đầu cơ ảo, thao túng thị trường bất động sản; Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các ngành, địa phương thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng lựa chọn nhà thầu có năng lực yếu, không có biện pháp cứng rắn, hữu hiệu trong đôn đốc thu hồi nợ đọng tiền sử dụng đất quá hạn; Cương quyết loại bỏ các nhà đầu tư (Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) nợ thuế, nợ đọng tiền sử dụng đất, triển khai các công trình, dự án có sử dụng đất chậm tiến độ ngoài những nguyên nhân được quy định là bất khả kháng; Loại bỏ các trường hợp huy động vốn đầu tư bất động sản không hợp pháp, vi phạm quy chế đấu giá và chưa được giao quyền sử dụng đất trên địa bàn, quây thầu, thông thầu các dự án... 

Reatimes tiếp tục thông tin./.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa  “Ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.

Cụ thể tại Điểm a, Khoản 2, Điều 20 quy định “Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi trúng đấu giá” nêu rõ:

"Đối với đất phân lô (thửa) cho hộ gia đình, cá nhân: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá nộp 100% tiền sử dụng đất. Trong thời hạn trên, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp tiền không đủ theo thông báo thì bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật...".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top