Em tôi cười trêu lại mẹ: “Nhà cũ chật chội quá mẹ ạ. Chúng con chuyển lên đây cho thoáng, ở đỡ bí bách, gò bó. Cứ lúi húi ở cái gian nhà cấp 4 cũ, ngố cả người ấy chứ”. Chẳng mừng cho con gái, mẹ lại thở dài, có vẻ xót tiền: “Gớm, anh chị đã nghèo còn hoang. Ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu. Các cụ đã dạy thế rồi. Quan trọng là nuôi dạy con cái lên người kia kìa. Ở thế nào chả được. Chúng tôi ở quê cũng nhà cấp 4, lúi húi chui ra chui vào đấy thôi, sao vẫn lo cho các anh chị lên người? Các anh chị bây giờ cứ hơi tí là chê các cụ lạc hậu”.
Thấy mẹ ca thán nhiều, tôi lại gần, góp ý: “Mẹ suốt ngày lôi mớ triết lý của các cụ ra giáo huấn. Cái quan niệm “ăn hết nhiều, ở hết bao nhiêu” của mẹ và các cụ ngày xưa giờ lạc hậu rồi. An cư mới lạc nghiệp. Chỗ ở không ổn định, thoải mái, rộng rãi, thư thái thì sao mà sống tốt, phát triển được. Nhà của bố mẹ ở quê sắp tới cũng đập đi xây mới, không để xập xệ mãi thế được. Bố mẹ không làm con làm”.
Mới nghe đến đó, mẹ đã vùng vằng bỏ vào trong buồng, vừa đi vừa lấy tay lau nước mắt, vẻ giận dỗi. Cứ tưởng lát sau mẹ sẽ nguôi ngoai. Vậy mà, cả buổi mẹ không nói năng gì, mặt nặng mày nhẹ giận giận dỗi dỗi. Hết con dâu, con gái động viên, xin lỗi, to nhỏ dỗ dành, ấy vậy mà bà vẫn vùng vằng, nhắc mỗi câu cửa miệng: “Các anh chị giờ giỏi rồi, tôi làm sao mà nói lại được nữa. Chúng tôi lạc hậu, cổ hủ rồi, vô tích sự rồi”.
Khổ, tôi cũng nào đâu dám huỵch toẹt cái quan điểm “ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu” của các cụ, bảo điều đó sai hoàn toàn. Thực ra, ở vào thời kinh tế cả nước còn khó khăn, hầu như ở nông thôn, nhà nào cũng phải chạy ăn từng bữa thì quan điểm đó hoàn toàn hợp thời. Lúc đó, người ta ngồi thèm thuồng ăn bữa trưa nhưng trong đầu lại đang ngẫm nghĩ xem bữa tối có gì ăn không. Việc giải quyết khâu “no cái bụng” thời điểm đó được coi là nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Không có ăn thì sao có sức để làm lụng, để sinh tồn? Ngay cả thời điểm này, ở nhiều nơi, miếng ăn vẫn là nỗi lo thường trực của không ít người. Công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” của nhiều địa phương vẫn còn đang tiếp diễn. Việc kiếm “cái ăn” quan trọng hơn nhiều so với “cái mặc” và “cái ở”.
Nhưng, với sự phát triển của kinh tế đất nước, đời sống của người dân đã được nâng cao, khiến nhu cầu của nhiều gia đình, mỗi con người cũng có sự thay đổi. Giờ “cái ăn” không còn đơn thuần là chuyện ăn no, ăn đủ bữa mà chuyển sang “ăn ngon”, ăn đủ dinh dưỡng, đủ chất, khoa học. Tương tự như vậy, chỗ ở cũng không đơn thuần là nơi để sau một ngày làm việc, người ta về tắm giặt, ăn xong là lăn ra “ngả lưng”, đánh một giấc cho đến sáng, rồi lại quần quật bắt đầu một ngày mới. Cuộc sống bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa làm việc với vui chơi, hưởng thụ.
Ngôi nhà lúc này không còn đơn thuần là chỗ ngủ, nơi trú ngụ nữa, mà còn là nơi để chủ nhân thư giãn, giải trí sau giờ làm việc căng thẳng, là trung tâm để gia đình sinh hoạt, thể hiện tình cảm yêu thương. Đặc biệt, với nhiều gia đình, ngôi nhà còn là nơi để họ tận hưởng những phút giây của cuộc sống. Ở đó, người ta cần không gian để rèn luyện thể lực, muốn có chỗ để thưởng thức nghệ thuật, thích có khoảng không để nhìn ngắm đất trời, khát khao có không gian để thể hiện những thú vui sinh vật cảnh.
Chỗ ngủ chỉ còn là một trong số rất nhiều các hoạt động, sinh hoạt trong ngôi nhà. Ngay cả phòng ngủ, với nhiều người, cũng phải được thiết kế, bài trí theo phong cách, tâm trạng, tính cách của chủ nhân. Đó như một thế giới riêng biệt mà chỉ cần bước vào đó, ít nhiều ta có thể cảm nhận được sở thích, “gu” thẩm mỹ, phong cách sống hoặc ít ra cũng là điều kiện sống của chủ căn phòng.
Nói vậy để thấy, chỗ ở với nhiều gia đình hiện nay trở thành nhu cầu đặc biệt, có vị trí cực kỳ quan trọng. Tất nhiên, bữa ăn với nhiều gia đình vẫn mang nhiều ý nghĩa. Nhưng chắc chắn, các thành viên ấy chẳng thể cảm thấy bữa ăn ngon miệng, nếu món ăn dù thịnh soạn, đủ đầy nhưng lại được bày biện trên chiếc bàn cũ kỹ, không gian chật trội, chẳng có góc riêng của nhà ăn, nhà bếp. Vì vậy, với nhiều người, chuyện “ăn” không còn hết quá nhiều như các cụ lo lắng, nhưng chỗ ở thì không phải chỉ có hết “bao nhiêu”, mà phải được dành cho một sự quan tâm đặc biệt, có thể coi là quan trọng nhất. Quan niệm của dân gian về chuyện ăn ở không hoàn toàn sai, nhưng cần phải hiểu theo hướng khác, trong đó đề cao mọi giá trị, nhất là chỗ ở.
Đợi khi mẹ nguôi giận, tôi sẽ về và chia sẻ với mẹ quan điểm đó của mình. Tôi tin rằng, nếu nhỏ nhẹ phân tích, dần dần mẹ sẽ hiểu ra, trong xã hội ngày nay, chỗ ở, ngôi nhà có vị trí thực sự quan trọng. Và cái câu “ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu” mà mẹ vẫn luôn coi là quan điểm sống đã có phần lạc hậu, cần phải được nhìn nhận theo một góc độ khác. Thời điểm mẹ nghe câu nói của các cụ với hiện thực cuộc sống hôm nay, nó đã có quá nhiều sự thay đổi rồi!