Aa

Anlosia

Thứ Hai, 10/05/2021 - 07:00

Có khi chỉ để ngồi nhâm nhi cà phê ở cái quán sát nhà chú em, nghe Trịnh và đợi em dâu nấu một bữa cơm quê, càng quê càng ngon, với măng chua nấu cá, chóp môn muối kho chạch, cá tươi kho với rất nhiều ớt, và hến...

Có một thời, sau 1975 ở Huế, ai nhắc đến cái tên tôi vừa viết phía trên, là Anlosia ấy, là liệu hồn, bởi bị quy đủ điều ngay, ít nhất là bị quy: Nhớ Mỹ, muốn sang Mỹ, tiếc rẻ chế độ thối nát phồn vinh giả tạo...

Thực ra, nó chỉ là mấy địa danh: Huế - An Lỗ - Sịa, nhưng người ta muốn... sang nên cứ gọi An Lo Si A. Nó là cái tuyến đường xuất phát từ Huế, có mấy bến xe, trên thành xe ghi như thế. Có tiền thì đi xe đò, không thì đạp xe. Tôi học đại học ở Huế, mỗi lần về nhà thì thường đạp xe theo tuyến Anlosia ấy...

Qua cái đò Vĩnh Tu, từ bên này sang bên kia mênh mông không thấy bờ, đò chật ních, xe máy, xe đạp dựng ngổn ngang, không ai được đeo áo phao, mà lạ, hình như không thấy chuyến nào bị chìm. Hồi sinh viên thì đạp xe, sau này có xe máy thì chạy xe máy. Giờ có cầu Ca Cút (Tam Giang) thì chạy ô tô về nhà ro ro...

An Lỗ có cái cầu An Lỗ, từ Huế ra rẽ phải là đường xuống Sịa. Thị trấn Sịa khá sầm uất, có nhiều người nổi tiếng xuất thân từ đây, là nơi trung chuyển hàng hóa từ Huế cho các địa phương xung quanh, đặc biệt là những làng bên kia sông. Nhà có việc, nếu hoành tráng hẳn thì lên Huế, không thì đi chợ Sịa, mua sắm. Nhiều bạn bè tôi rủ về nhà chơi, đã đi qua con đường Anlosia này. Hai đứa con gái nhà tôi đã nhiều lần ngồi đò từ Sịa qua Vĩnh Tu để về nhà ông bà nội mỗi khi cả nhà tôi về quê. Thời ấy chúng thích lắm. Đương ở Pleiku, được về miền sông nước. Mà cái bến đò thì rộng mênh mông, từ bên này không thấy bên kia. Hồi ấy có chụp mấy cái ảnh chúng ngồi trên đò đẹp lắm, nhưng là chụp máy cơ, giờ lục phim thì lười, mà lại còn phải chuyển đổi, mệt nên không thèm tìm...

Tôi cũng từng được nghe láng máng một chuyện tình rất diễm lệ giữa một cô gái Sịa với chàng trai Sài Gòn mà chưa nhớ ra đầu ra đũa...

Lâu lắm không được quay lại Sịa, vì giờ đã có cái cầu Tam Giang để từ Huế chạy thẳng về nhà tôi bằng ô tô, không phải qua đò Vĩnh Tu nữa. Cầu Tam Giang đúng là một sự thay đổi vĩ đại để nối vùng Ngũ Điền quê tôi với Huế. Thế mà, giờ chạy trên con đường ro ro ấy lại quay quắt nhớ... Sịa, nhớ Vĩnh Tu, dù ô tô vẫn phải chạy qua An Lỗ... 

Ngũ Điền là nhắc đến 5 Điền: Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải. Đây từng là nơi chậm phát triển của Bình Trị Thiên, rồi Thừa Thiên Huế, là vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, tuy chưa phải là nhất nhưng cũng… vua biết mặt chúa biết tên, về sự khổ và nghèo...

Tôi là con dân của vùng ấy.

Đấy giờ là một vùng phát triển. Thậm chí là phát triển... nóng. Tôi từng về quê tìm một cây rơm điển hình nông thôn để chụp ảnh mà kiếm mãi không ra. Dân giờ, đa phần đã nấu bếp gas. Cũng như thế, làng giờ chủ yếu là người già và trẻ em. Người trẻ xuôi Nam làm ăn hết. Tết mới đổ về, đông như hội. Và nhờ thế mà Tết đúng nghĩa là... Tết. Nó là sum họp, là ấm áp, là gặp mặt, là trùng phùng. Tết trở thành sự mong mỏi, sự khát khao, là đúng nghĩa Tết... 

Bây giờ, đường nhựa chạy qua làng, đường bê tông xương cá luồn theo từng ngụ (ngõ) kéo lên tận độn cát. Nhưng tôi vẫn không thể quên cái hình ảnh ngày xưa, đã từng in đậm trong trí óc cậu học trò là tôi, lần đầu tiên về quê: Mỗi người khi đi trên đường đều cầm theo một… cành lá. Họ chạy chứ không phải đi, vì cát rất nóng. Cành lá che đầu. Chạy chạy chạy đến lúc nóng quá chịu không nổi thì vất cành lá xuống cát, giẫm chân lên để nghỉ cho bớt nóng. Rồi lại cầm cành lá lên để chạy, rồi lại vất xuống giẫm. Cứ thế mà di chuyển…

Kế Môn là làng nổi tiếng với nghề vàng. Giờ là Điền Môn. Mấy trăm năm trước, có cụ tổ Cao Đình Độ từ Thanh Hóa xuôi Nam, đến đây chọn đất này lập nghiệp. Và đấy là ông tổ của nghề vàng Kế Môn. Giờ thợ vàng Kế Môn có mặt ở khắp nước. Hầu như các tiệm vàng lớn ở các tỉnh thành phía Nam đều do người Kế Môn làm chủ. Hàng năm có ngày giỗ nghề, các đại gia vàng bạc từ khắp nơi lũ lượt đổ về làng chịu lễ. Nhưng không chỉ thế. Điền Môn giờ là vùng rau của tỉnh. Quả là, có tưởng tượng giỏi đến mấy thì cách đây vài chục năm, chả ai có thể hình dung cái nơi chỉ có cát trắng phau này lại có thể trở thành vùng rau xanh. Hồi ấy kiếm rau ở vùng này khó hơn kiếm thịt, mà thịt lại là món rất quý hiếm rồi, món rau phổ biến là quả và cả thân cây đu đủ. Nhưng cũng rất hãn hữu mới dám dùng, thường là vào dịp có giỗ.

Giờ mỗi lần về quê, tôi đều thích tha thẩn ở các chợ. Mỗi làng ở Ngũ Điền đều có một cái chợ. Chợ Mới Điền Hải, chợ Biện Điền Hòa, chợ Đại Lộc, chợ Kế Môn. Làng Thế Chí Tây của tôi kẹp giữa hai cái chợ lớn là chợ Mới và chợ Đại Lược (Lộc) nên cái chợ Biện có vẻ bé hơn, và chỉ họp mỗi ngày chừng một tiếng từ 1 giờ đến 2 giờ chiều. Cũng chả hiểu sao chợ lại họp vào cái giờ oái oăm ấy. Món rất rẻ ở đấy nhưng tôi lại rất thích ăn là… hến. Những con hến to như nắm tay trẻ con chứ không phải loại hến như móng tay thông thường. Một thời nó là món ăn chống đói, canh hến nấu rau lang ăn với củ khoai luộc. Giờ nó là đặc sản. Hến to thế nên tách vỏ khi sống chứ không luộc, rồi xào với thơm, đơn giản thế nhưng rất tốn cơm và… rượu. Có lần tôi dẫn cả chục ông bạn từ Huế về, nói em dâu, em chỉ độc món cho tụi anh, là hến, không phải lo các món khác.

Phá Tam Giang
Phá Tam Giang (Ảnh sưu tầm)

Nhưng quê tôi còn có món cá dìa. Một hôm ngồi tắc xi về nhà, nghe cậu tài xế điện thoại với vợ, vợ khoe có cá dìa tươi lắm, mua không. Hắn nói vợ mua một ký rồi quay sang tôi hỏi chú mua không, cháu lấy luôn cho. Tôi quyết ngay: Lấy giúp chú 5 cân. Một lát thấy vợ nó đã đón bên đường với túi cá dìa tươi rói, còn giãy đành đạch. Món này hấp lên, rồi giản dị là nước mắm nhĩ giã tỏi ớt, rau sống nữa, ăn no chứ không chán.

Làng tôi giờ nổi tiếng với hai món gắn với Tết, là chơi mai và đu tiên. Toàn nông dân nhưng khi đứng trước các cây mai thì họ trở thành nghệ sĩ thứ thiệt. Họ trồng mai để chơi, hầu như nhà ai cũng có, ít thì mấy cây, nhiều thì vài chục. Chơi nhưng Tết có khách là bán, là một khoản thu nhập không nhỏ. Mai Thế Chí Tây nổi tiếng từ dáng đến hoa đẹp. Giáp Tết, xe tải xe cẩu nườm nượp đổ về mua mai. Còn đu tiên thì Tết nào làng cũng tổ chức, và cho các xóm thi với nhau. Người các nơi căn đúng ngày thi đu đổ về xem đông như… Tết.

Tôi không được sinh ra ở làng, sau 1975 mới về quê, rồi lên Huế học đại học luôn, ở ký túc xá, vài chủ nhật mới về một lần để… nhận tiêu chuẩn. Học xong lại đi một hơi. Thời gian đầu, đi lại khó khăn, có khi vài năm mới về làng. Mẹ tôi, người phụ nữ Ninh Bình, đã chọn quê chồng làm nơi sống những năm cuối đời, và bà đã sống ở quê tôi gần ba chục năm trước khi gửi xương thịt ở chính nghĩa địa ngôi làng mà tôi đang vừa nhớ vừa viết.

Giờ thì tôi mắc một thứ bệnh không khó nhưng cũng chả dễ chữa, ấy là thèm… về làng. Cũng không dễ để năm nào cũng vài lượt về. Nhưng năm nào cũng phải cố gắng để về. Có khi chỉ để ngồi nhâm nhi ly cà phê ở cái quán sát nhà chú em, nghe Trịnh và đợi em dâu nấu một bữa cơm quê, càng quê càng ngon, với măng chua nấu cá, chóp môn muối kho chạch, cá tươi kho với rất nhiều ớt, và hến, tất nhiên. Nghe cái tiếng dạ đến nao lòng, chả cứ kẻ xa quê, mà bất cứ ai đã từng nghe cũng phải mềm lòng xao xuyến…

Và nghe quê rì rầm chuyển động, từ mắt, từ tai và từ trái tim luôn mềm yếu của kẻ tha phương luôn thấy mình mắc lỗi với quê…

Thì tự nhiên thấy cái ảnh xe đò có chữ Anlosia rồi mà nhớ vậy.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top