Tôi nhớ, lần đầu tiên xuống miền Tây là đi với một ông miền Đông, nhà văn Nguyễn Đức Thọ ở Đồng Nai. Từ Vũng Tàu lên Biên Hòa chơi với anh, anh rủ: Đi miền Tây chơi. Thì nó lại đúng cái máu xê dịch, thế là ok, bằng xe máy, tất nhiên!
Bốn ngày đi bảy tỉnh, lại vừa đi vừa... nhậu, nên cái ấn tượng miền Tây với tôi chỉ là... nước dâng trong phố và những đêm vừa nhậu vừa nghe ca cổ. Tới Bến Tre thì quay về.
Mấy năm sau thì tôi một mình nhảy xe đò từ Sài Gòn đi Cần Thơ. Người đón tôi tại bến xe Cần Thơ là nhà văn Nguyễn Thế Hùng, lúc này đang công tác ở quân khu 7. Ông "miền Tây" này quê gốc... Hà Tĩnh, nhưng đóng quân ở Cần Thơ khá lâu nên rất rành Miền Tây. Chở tôi trên xe máy, tiếng anh bạt trong gió: "Em đưa bác đi chợ Cái Vồn chơi nhé, cho biết". Tôi giật mình, hỏi lại: "Cái gì? Cái Vồn". Mấy ông nhà văn mà gốc miền Trung nói lái rất giỏi nên tôi cứ phải... cảnh giác. Nhưng giờ thì yên tâm rồi, gật như bổ củi: "Ok các loại Cái, đi hết!".
Hùng giải thích cho tôi: Cái ở miền Trung ra Bắc là sông lớn, sông mẹ. Còn ở miền Tây lại để chỉ sông con. Ở miền Tây có hàng trăm địa danh có chữ Cái ở đầu, đi cho hết phải cả năm. Thì ra là thế.
Và rồi cũng không nghĩ mình lại có nhiều duyên nợ với miền Tây.
Một là con gái tôi, là dược sĩ, ra trường cách đây hơn chục năm. Tốt nghiệp xong làm việc ở Sài Gòn, học tiếp thạc sĩ, rồi uỵch phát chuyển về Quy Nhơn làm việc. Được mấy năm lại uỵch phát, chuyển về một bệnh viện loại 1 ở Cần Thơ, làm dược sĩ lâm sàng. Rất nhanh, vợ chồng cháu mua đất làm nhà, ý là sẽ gắn bó lâu dài. Và, nhà nó hiện tại, sát chợ nổi Cái Răng. Cả hai vợ chồng quyết định rất nhanh việc về Cần Thơ vì chúng thích cả đất và người ở đây chỉ sau vài lần tiếp xúc. Tôi quê ở Huế nhưng lại sinh ra ở Thanh Hóa và mẹ thì người Ninh Bình, lập nghiệp ở Pleiku. Con gái tôi sinh ra ở Pleiku nhưng vẫn khai quê là Huế. Chồng nó quê Nghệ An nhưng sinh ra ở Bình Định. Giờ cả hai vợ chồng và hai đứa con sống ở Cần Thơ, cũng chưa hiểu con gái chúng, tức cháu ngoại tôi, sẽ khai là quê ở đâu nữa? Để thấy, cái câu đất nước mình đâu cũng quê hương nó đúng đến như thế nào, và tới một lúc nào đấy, cách khai lý lịch quê quán của chúng ta cũng phải có những quy định xác thực hơn nữa, để nó hợp lý với thực tế lịch sử nhưng cũng thấy được những quy luật di chuyển, quy luật sinh tồn, quy luật "hành phương Nam" nối tiếp từ biết bao thế hệ.
Hai là tôi, bao nhiêu năm lập nghiệp ở Pleiku, làm thơ viết báo, tờ Reatimes này phong cho là "Hùng Tây Nguyên", năm rồi cũng uỵch phát, cái bút ký in trên báo Văn Nghệ năm nào của tôi được chọn in vào sách giáo khoa lớp 6, môn Ngữ Văn bộ Cánh Diều. Nó lại là cái bút ký tôi viết về... miền Tây chứ không phải Tây Nguyên nơi tôi sinh sống và lao động chữ gần hết cuộc đời ở đấy, nơi tôi có những hiểu biết nhất định.
Bút ký "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" của tôi được viết sau một cú đi đầy ngẫu hứng từ Bến Tre sang Đồng Tháp, được anh bạn nhà văn Hữu Nhân chở bằng xe máy xuyên mấy huyện, vừa đi anh vừa giảng giải cho tôi tất tật mọi thứ về Đồng Tháp Mười, tất nhiên tất tật trong điều kiện có thể, và cũng rơi rụng nhiều vì tiếng anh cứ bạt trong gió trên cái nền tốc độ xe máy trung bình 60km/giờ.
Cái thú lang bạt khiến tôi đã có dịp đi được hết các tỉnh miền Tây bằng đủ loại phương tiện. Ô tô là chủ yếu, máy bay cũng nhiều và xe máy cũng mấy tỉnh. Máy bay thì tôi đã hạ cánh ở cả sân bay Cần Thơ và Cà Mau. Ô tô thì xe đò, xe con và cả xe nhà tự lái. Mới nhất, tôi lái xe từ Sài Gòn xuống Cần Thơ hết... 5 tiếng. Có đoạn con gái tôi ngồi bấm giờ rồi thông báo: Một tiếng đồng hồ vừa rồi ba chạy được... 12 cây số. Là cái đoạn qua huyện Cái Bè, Tiền Giang, nó tắc khủng khiếp. Hôm sau ngay tại Cần Thơ, lúc ngồi uống cà phê với mấy anh bạn văn chương báo chí ở cái nhà hàng ngay trước bến Ninh Kiều, tôi đọc được tin ngày 4/1 khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Các bạn tôi đều reo lên. Và tôi càng reo hơn, bởi khi ấy thời gian di chuyển từ Sài Gòn xuống Cần Thơ với con gái và cháu tôi sẽ rất gần. Và không chỉ Cần Thơ, nó sẽ tỏa xuống hết các tỉnh đồng bằng. Khi tôi viết bài này thì đường cao tốc ấy đã khởi công được nhiều tháng rồi. Và không chỉ thế, bởi hôm 13/3, Thủ tướng vừa chủ trì một hội nghị quan trọng về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, mở ra những hướng phát triển rất cụ thể, rất gần, rất thực tiễn... để đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, trong đó có mục tiêu 8G cho khu vực đang và sẽ rất sầm uất ở mọi mặt này.
Biết đâu đấy, mấy năm nữa, tôi lại cũng sẽ là một công dân miền Tây. Chứ sao, đất lành chim đậu, huống gì, đất ấy đã có con gái và cháu ngoại đang ở. Mà với tôi, con và cháu là thiêng liêng vô cùng.../.