Ba kịch bản cho thị trường khi bước qua năm 2026
Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) đưa ra 3 kịch bản về thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn cuối năm 2025, đầu năm 2026. Theo đó, về kịch bản lý tưởng, đơn vị này dự báo thị trường sẽ có chiều hướng phát triển lạc quan với kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong kịch bản lạc quan này, thị trường sẽ chứng kiến nguồn cung tăng trưởng vượt trội từ 40% đến 50%. Giá bán dự kiến sẽ tăng từ 15% đến 25%. Lãi suất thả nổi sẽ duy trì ở mức thấp hơn, khoảng 9% đến 11%. Tỷ lệ hấp thụ dự kiến sẽ đạt mức cao, từ 40% đến 50%.
Đối với kịch bản kỳ vọng, FERI cho rằng đây là kịch bản được đánh giá là có khả năng xảy ra cao nhất. Nguồn cung dự kiến tăng từ 30% đến 40%. Giá bán có thể tăng từ 10% đến 15%. Lãi suất thả nổi được dự báo ở mức 10 đến 12%. Tỷ lệ hấp thụ kỳ vọng đạt từ 35% đến 40%.
Đối với kịch bản thách thức, FERI dự báo trong trường hợp thị trường đối mặt với nhiều khó khăn, nguồn cung có thể chỉ tăng từ 20% đến 30%. Giá bán dự kiến sẽ tăng 5 -10%. Lãi suất thả nổi có thể nhích lên mức 11% đến 13%. Tỷ lệ hấp thụ trong kịch bản này sẽ thấp nhất, dao động từ 30% đến 35%.

Dat Xanh Services - FERI dự báo thị trường bất động sản sẽ có những kịch bản tăng trưởng ấn tượng khi đã bước qua giai đoạn "giải nén". Nguồn. FERI
Nói về cơ sở để dự báo cho 3 kịch bản này, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) cho biết, có thể thấy trong 6 tháng cuối năm 2025, động thái từ các bên tham gia thị trường bất động sản đóng vai trò then chốt trong việc định hình xu hướng và triển vọng phục hồi của ngành.
Cụ thể, Chính phủ tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và hoàn thiện hạ tầng. Cùng với đó, việc ổn định bộ máy các cấp theo cơ cấu mới và tăng tốc thực hiện các mục tiêu kinh tế sẽ tạo nền tảng vững chắc cho thị trường.
Các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án mới và tranh thủ đẩy hàng tồn kho ra thị trường. Việc chăm sóc, giữ gìn và mở rộng hệ thống phân phối được CĐT chú trọng, đồng thời thị trường sẽ chào đón sự xuất hiện của một số tên tuổi mới.
Về phía môi giới cũng đã tập trung vào việc ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự nhằm đáp ứng tốt nhu cầu bán hàng. Việc lựa chọn kỹ càng thị trường, phân khúc, chủ đầu tư và đối tác để hợp tác, triển khai kinh doanh sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Khách hàng hiện nay cũng có tâm thế lạc quan hơn, thu nhập tăng trưởng ổn định, lãi suất vay duy trì ở mức thấp phần nào giúp khách hàng tự tin hơn trong quyết định sở hữu bất động sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng với GDP ghi nhận đạt 7,52% - mức cao nhất trong suốt 14 năm qua và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh lấy lại đà phát triển rõ rệt, thể hiện qua chỉ số PMI duy trì trên 50. Chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN tiếp tục duy trì lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người mua nhà tiếp cận nguồn vốn rẻ. Song song đó, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thu hút FDI cùng những nỗ lực cải cách hành chính (tăng tốc độ giải quyết hồ sơ 20%, giảm thời gian phê duyệt 30%), đã tạo nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản.
Thị trường đi đúng quỹ đạo, sức cầu tăng lên rõ nét
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI), thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều chu kỳ thăng trầm, từ khủng hoảng đến giai đoạn phục hồi và tái cấu trúc. Bước sang 6 tháng đầu năm 2025, thị trường tiếp tục đà phục hồi, xét về xu hướng tổng thể, thị trường vẫn đang đi đúng quỹ đạo và chuẩn bị cho sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2026.
Sức bật và niềm tin thị trường trong giai đoạn này đã củng cố ở mức cao nhất kể từ nửa đầu năm 2022, thể hiện qua tâm lý cởi mở và sẵn sàng "xuống tiền" của khách hàng. Nguồn cung căn hộ tiếp tục dẫn dắt thị trường ở phân khúc trung – cao cấp, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và Nam, với giá bất động sản ngừng giảm và tỷ lệ hấp thụ được cải thiện.
Sức cầu được kích thích bởi lãi suất ổn định và nhu cầu đa dạng, dẫn đến giá bán sơ cấp tại Hà Nội tăng 15-20%, TP.HCM tăng 5-10%, và các tỉnh thành vệ tinh tăng nhẹ 2-3%. Khách hàng ngày càng chú trọng thương hiệu và uy tín chủ đầu tư, đồng thời tích cực tận dụng nguồn vốn giá rẻ và các chính sách ưu đãi.

Sức cầu được kích thích bởi lãi suất ổn định và nhu cầu đa dạng, dẫn đến giá bán sơ cấp tại Hà Nội tăng 15-20%, TP.HCM tăng 5-10%, và các tỉnh thành vệ tinh tăng nhẹ 2-3%
Về động thái của các chủ thể, nhiều chủ đầu tư đã dần được khơi thông dòng tiền và pháp lý, giảm áp lực tài chính, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc và chuẩn bị triển khai nhiều dự án mới. Các Chủ đầu tư cũng tăng cường tuyển dụng, mở rộng quan hệ hợp tác phân phối. Trong khi đó, các doanh nghiệp môi giới tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ và lựa chọn chiến lược về chủ đầu tư, sản phẩm, địa bàn.
Bước sang năm 2026, thị trường BĐS được dự báo sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ và bền vững hơn, dựa trên các yếu tố nền tảng: kinh tế tiếp tục phục hồi, lạm phát được kiểm soát, hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện và minh bạch, cùng với sự trở lại của niềm tin thị trường và nhu cầu mua bất động sản.
"Nhìn chung, trong nửa đầu năm qua, các chủ thể trên thị trường đều đã và đang ở trạng thái "gieo", chủ động chuẩn bị và tích lũy cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Đất nước đã "gieo" nền tảng thể chế, hạ tầng, chính sách…kỳ vọng "gặt" tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tái cấu trúc và tái định vị chiến lược để gặt lấy thị phần và niềm tin thị trường. Nhà đầu tư đang chọn lọc để gieo vốn "đúng lúc, đúng nơi", kỳ vọng mang về lợi nhuận tích cực.
Môi giới tập trung nâng cao năng lực và chọn lựa sản phẩm phù hợp, kỳ vọng tăng thu nhập và tạo dựng uy tín, thương hiệu cá nhân. Khách hàng tận dụng cơ hội thị trường để sở hữu tài sản giá trị và có tiềm năng tăng trưởng. Thị trường bất động sản nhìn chung đã "gieo" đủ lâu, kỳ vọng để "gặt" là có cơ sở, chúng ta vẫn có niềm tin, kỳ vọng vào sự cải thiện ngày càng tích cực hơn của thị trường bất động sản Việt Nam", chuyên gia FERI nhận định.
Cũng theo nhận định từ đơn vị này, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng chiến lược rõ ràng, và hành động đúng thời điểm chính là những yếu tố mang tính then chốt quyết định thành công. "Gieo gì – gặt nấy": những chủ thể có sự chuẩn bị bài bản, tư duy dài hạn sẽ là những người sớm gặt hái được thành quả.
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay được đánh giá là đã vượt qua giai đoạn "giải nén" một cách tương đối thành công, và đang tái thiết lập quỹ đạo tăng trưởng một cách ổn định và bền vững./.