UBND tỉnh Bắc Giang vừa Quyết định ban hành Đề án nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030 với định hướng đưa Bắc Giang phát triển toàn diện các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy. Phát triển đồng bộ và hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường; đồng bộ và hài hòa giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Khuyến khích hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Từng bước nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 15 - 16%/năm.
Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
Đây là nội dung quan trọng được UBND Tỉnh Bắc Giang xác định và coi là vấn đề tiên quyết góp phần thu hút đầu tư đến với Bắc Giang. Theo đó, tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các tuyến đường tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ.
Đôn đốc các nhà đầu tư tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đang hoạt động, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp (KCN): Quang Châu, Hòa Phú, Việt Hàn; lựa chọn các nhà đầu tư đầu tư có năng lực, kinh nghiệm xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN.
Từ nay đến năm 2030 thực hiện bổ sung quy hoạch thêm 23 KCN với tổng diện tích khoảng 5.834ha để đáp ứng nhu cầu phát triển trong những năm tiếp theo, nâng tổng số KCN đến năm 2030 thành 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7.840ha.
Tiếp tục nghiên cứu thành lập bổ sung các cụm công nghiệp (CCN) tại các huyện, thành phố tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp trong tương lai. Từ nay đến năm 2030, giữ nguyên diện tích 34 CCN đã thành lập với diện tích 1.263ha; mở rộng diện tích 3 CCN hiện có với diện tích sau mở rộng là 225ha (bao gồm các CCN: Yên Lư, Việt Tiến, Thanh Vân); quy hoạch mới 28 CCN với diện tích 1.676ha.
Đặc biệt, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư hạ tầng các CCN, trong đó chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng các CCN. Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu (giao thông, xử lý nước thải, rác thải) đối với các CCN trước đây do Nhà nước đầu tư hạ tầng, không đủ điều kiện mở rộng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư.
Để lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết: “Bắc Giang không chạy theo số lượng vốn đầu tư mà tập trung những dự án thực tế có nhiều đóng góp sẽ được ưu tiên. Chúng tôi có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư như điều chỉnh tăng về suất đầu tư trên đất, khống chế lao động, tiết kiệm năng lượng, tuyệt đối không có rủi ro về môi trường và tiêu chí đóng góp ngân sách”.
“Hiện nay các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đều có mặt ở Bắc Giang. Bắc Giang cũng được xác định là trung tâm công nghiệp của cả nước. Các KCN mới của tỉnh được quy hoạch đồng bộ là KCN đô thị dịch vụ và địa phương đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để kết nối các KCN”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ.
Phát triển nhà ở xã hội, thành lập mới 17 đô thị
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, Bắc Giang đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã được chấp thuận đầu tư; tiếp tục rà soát, quy hoạch các vị trí xây dựng nhà ở công nhân phục vụ các KCN trên địa bàn để kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư triển khai xây dựng.
Cùng với đó, rà soát, bố trí điểm tập kết thu gom rác thải xung quanh các KCN, CCN hợp lý, tăng cường đầu tư các xe thu gom, vận chuyển rác thải. Nghiên cứu các vị trí phù hợp cạnh các KCN để thành lập một số khu chợ bán theo giờ nhất định để phục vụ nhu cầu của công nhân KCN. Thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực đông công nhân sinh sống.
Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, hạ tầng xã hội quanh các KCN (chợ, trường học, nhà ở công nhân); đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị tại TP. Bắc Giang và tại các huyện; triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh, các dự án cảng thủy nội địa, các khu du lịch nhằm hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh phát triển đô thị theo hướng mở rộng, sáp nhập một số đô thị hiện có, thành lập một số đô thị mới; phát triển đô thị tại các trung tâm phát triển công nghiệp theo quy hoạch.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP. Bắc Giang); 1 đô thị loại III (thị xã Việt Yên); 4 đô thị loại IV (gồm: Thị xã Hiệp Hòa, thị trấn Chũ, thị trấn Đồi Ngô và thị trấn Vôi); 26 đô thị loại V, trong đó có 17 đô thị thành lập mới.
Khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 - 5 sao ở TP. Bắc Giang; các dự án xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh; các dự án xây dựng cơ sở y tế, giáo dục, đào tạo ngoại ngữ ở TP. Bắc Giang và xung quanh các KCN.
Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội của tỉnh Bắc Giang, là điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh và vùng phụ cận, TP. Bắc Giang đang có các giải pháp thu hút đầu tư phát triển đô thị nhất là ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh - thông minh.
Chia sẻ với Rearimes về vấn đề phát triển đô thị, ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch TP. Bắc Giang cho biết: “Để mở rộng không gian đô thị, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố là hết sức cần thiết. Thời gian qua, thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành Tỉnh triển khai lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đã định hướng phát triển TP. Bắc Giang trong giai đoạn 2020 - 2025 là tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị; giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng đô thị theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời sáp nhập 1 huyện lân cận có điều kiện vào thành phố để trở thành đô thị loại I theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030”.
Đảm bảo doanh nghiệp sản xuất an toàn trước dịch Covid-19
Sau những kết quả quan trọng của đợt “tổng tiến công” dập dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, Bắc Giang đã cho thấy cách làm hiệu quả nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Bắc Giang luôn xác định phòng chống, dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần tập trung cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp để chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an toàn trước nguy cơ lây nhiễm.
Để đảm bảo doanh nghiệp sản xuất an toàn trước dịch Covid-19, UBND Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động có phương án, kịch bản và sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch theo từng trạng thái; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất; chính sách gia hạn nộp thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; chính sách miễn giảm thuế, tiền chậm nộp…
Thời gian qua, với việc áp dung mô hình “vừa chống dịch vừa sản xuất” đã trở thành “vũ khí” sắc bén không chỉ chống dịch hiệu quả, mà còn góp phần đưa Bắc Giang chiến thắng dịch Covid-19, hàng trăm doanh nghiệp đã được trở lại sản xuất trong điều kiện an toàn.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Thời gian xảy ra dịch Covid-19 tại Bắc Giang, hàng loạt KCN phải dừng hoạt động nhưng chính quyền đã cùng với doanh nghiệp thiết kế lại công tác phòng, chống dịch trong từng nhà máy, sao cho bảo đảm phòng dịch, về lâu dài phải thích ứng để sống chung với dịch. Phương án đưa ra là tổ chức sản xuất bên trong bằng cách chia nhỏ các bộ phận làm việc. Việc sử dụng người lao động được cơ quan y tế xác nhận đã kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch. Công nhân quay trở lại sản xuất sẽ được bố trí ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt”.
“Với mô hình này thì công nhân được quản lý khép kín từ công ty đến khi về nơi ở để đảm bảo an toàn ở mức tối đa trong sản xuất, giảm áp lực cho chính quyền, gia tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe cho công nhân”. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.