Aa

Bài 3: Xử lý vi phạm đất đai, xây dựng tại xã Minh Phú (Sóc Sơn) “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”!

Thứ Năm, 05/05/2022 - 10:47

Theo ý kiến các chuyên gia, trong công tác quản lý đất đai, xây dựng như ở xã Minh Phú (Sóc Sơn), khi đã vi phạm rồi thì đề nghị xử lý thật nghiêm, phải có thời hạn, lộ trình xử lý và “không có vùng cấm”.

"Ai vi phạm thì đều phải xử lý"

Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý trật tự xây dựng nói riêng và công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị nói chung, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội”. Trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý. Đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai. Đặc biệt là những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng.

Có thể thấy rõ sự chỉ đạo quyết liệt từ Thành ủy Hà Nội liên quan đến những vấn đề “nóng” của thành phố thời gian vừa qua. Thế nhưng, trái ngược với sự quyết liệt ấy, ở nhiều địa phương tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng vẫn xảy ra với quy mô rộng và có tính chất nghiêm trọng, điển hình là tại xã Minh Phú (Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Xây dựng trái phép ở Minh Phú Sóc Sơn
Trả lời PV tại trụ sở UB, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra có hết văn bản và cũng có hết quyết định ban hành cưỡng chế”.

Như thông tin Reatimes đã phản ánh, tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, người dân còn ngang nhiên xây dựng tổ hợp công trình nghỉ dưỡng homestay trên đất quy hoạch là đất quốc phòng (di dời Trung đoàn 165). Vậy, nguyên nhân nào mà tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn âm thầm xảy ra như vậy?

Trao đổi với Reatimes về công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhưng trên thực tế xảy ra tình trạng vi phạm tồn tại kéo dài, thậm chí còn có dấu hiệu “bao che”, “buông lỏng” quản lý của chính quyền cơ sở, PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá XIII chia sẻ: “Về việc này, cấp trên cần phải vào cuộc ngay và xử lý luôn không thể để luật bị 'nhờn' được. Đây là sự công bằng Hiến định, mọi người phải công bằng, ngang bằng trước pháp luật bất kể là ai cũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đã là pháp luật thì về nguyên tắc, mọi người phải công bằng, bình đẳng như nhau và ai vi phạm thì đều phải xử lý”.

Bà An cũng cho rằng, nếu quy hoạch được công khai rõ ràng cho người dân được biết, thì sẽ hạn chế được vi phạm. Khi đã vi phạm rồi thì đề nghị xử lý thật nghiêm, phải có thời hạn, lộ trình xử lý và “không có vùng cấm”.

Xây dựng trái phép tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn
Bà Hà - người  tự xưng là chủ tổ hợp công trình nghỉ dưỡng tiết lộ, sẽ tiếp tục xây dựng nhiều hạng mục công trình khác.

Về vấn đề xử lý sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội), trao đổi với PV, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ quan điểm: “Pháp luật là để thực thi, ai không thực thi có nghĩa người đó đang vi phạm nghiêm trọng về pháp luật, cần phải xử lý ngay lập tức. Luật quy định cụ thể, trực tiếp từng cấp, cơ sở, có trách nhiệm xử lý khi đúng thẩm quyền, nếu vượt quá thì báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn để xử lý kịp thời. Cứ dựa vào đó để xem lỗi của ai mà áp dụng”.

Như vậy, đối với trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng ở thôn Phú Ninh, xã Minh Phú và nếu có ở các xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn thì cần được xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”. Điều này cần thiết phải được thực hiện nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm trước các quy định của pháp luật và sự quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.

“Ai mà kiểm tra xong không xử lý, thì cấp trên có thể cách chức được"

Liên quan đến phản ánh trên, trước đó trả lời PV, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú và bà Huyền, cán bộ Tổ Quản lý trật tự xây dựng cũng đã khẳng định, tổ hợp nghỉ dưỡng homestay tại thôn Phú Ninh được chủ công trình thi công trái phép và chính quyền xã đã lập hồ sơ xử lý. Thế nhưng, điều khó hiểu là nguyên nhân vì sao trước đó chủ công trình vẫn dễ dàng “vượt rào” các quy định để thi công các hạng mục homestay và đến giờ vẫn ngang nhiên tồn tại? Hơn nữa, theo tiết lộ của người phụ nữ tự xưng là chủ công trình, sắp tới bà sẽ tiếp tục thi công nhiều hạng mục công trình khác, trong khuôn viên đất đã được xây dựng hàng rào kiên cố.

Ngoài trường hợp điển hình trên, tại nhiều khu vực tại xã Minh Phú còn có tình trạng san gạt, hạ cốt nền, có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất rừng, đất quy hoạch đất quốc phòng. Trước những ý kiến PV cung cấp, ông Hân cũng từ chối trả lời các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, cũng như có hay không trách nhiệm nếu có vi phạm xảy ra tại một số khu vực khác trên địa bàn xã Minh Phú.

Về việc này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các cấp quản lý có lẽ cần phải vào cuộc tổng kiểm tra, từ đó có hướng chỉ đạo xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ trong khâu xử lý các trường hợp vi phạm, chính quyền xã Minh Phú đã làm đúng quy trình và đúng chức năng nhiệm vụ hay chưa?

Xây dựng trái phép xã Minh phú

xây dựng trái phép xã Minh Phú

Vì sao nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu đổ bê tông kiên cố, dễ dàng thi công "vượt rào" chính quyền xã Minh Phú?

Có thực tế đang gây bức xúc trong dư luận, trên địa bàn cả nước có nhiều trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng nhưng không bị xử lý hoặc xử lý không quyết liệt, thậm chí còn được “hợp thức hóa” vi phạm, hay có những “biểu hiện khác thường” trong quá trình xử lý vi phạm. Theo PGS.TS. Bùi Thị An, nếu có “biểu hiện khác thường”, giả sử có sự can thiệp thì đề nghị làm rõ chuyện này và báo cáo cấp trên, đồng thời phải giải quyết đến tận cùng tại sao lại như vậy?

PGS.TS. Bùi Thị An bày tỏ ý kiến: “Nếu trong trường hợp đã sai phạm rồi còn hợp thức hóa thì đề nghị cấp trên của họ phải vào cuộc, để làm rõ chuyện ai cho phép việc hợp thức hóa? Nếu đã có biểu hiện gì khác thường thì đề nghị phải làm rõ ra, tại sao có điều khác thường đó? Trong quá trình xử lý thì luật không có vùng cấm”.

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Hùng Võ đưa ra ý kiến bình luận: “Tôi đã nói rất nhiều lần về vấn đề này, sai phạm rồi hợp thức hóa hoặc không ngăn chặn. Pháp luật quy định rất rõ, ai, cá nhân, tập thể nào làm trái pháp luật thì cứ theo luật mà xử lý".

Theo ông Đặng Hùng Võ, luật cũng nêu rất rõ cấp xã phường, thị trấn có trách nhiệm giám sát, thực thi pháp luật trên địa bàn của mình, chỉ ra các trường hợp nào đúng, trường hợp nào sai. Trong thẩm quyền thì xử lý các trường hợp sai phạm, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo ngay với cấp thẩm quyền cao hơn để xử lý kịp thời.

“Quy định đã có rồi, mà có quy định còn không làm thì khi cấp huyện xuống kiểm tra nếu không xử lý thì cấp tỉnh, thành phố xuống kiểm tra. Cấp tỉnh, thành phố không kiểm tra thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng,… xuống kiểm tra. Cứ như vậy, ai mà kiểm tra xong không xử lý thì cấp trên lập tức có thể theo luật cách chức được, vậy tại sao chúng ta không làm?”, ông Đặng Hùng Võ nói.

Các chuyên gia pháp lý nhận định, với vụ việc trên, UBND xã Minh Phú là đơn vị thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm và đồng thời có trách nhiệm báo cáo với UBND huyện Sóc Sơn. Nếu có khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vi phạm thì xã cần báo cáo huyện để xin ý kiến chỉ đạo, xử lý dứt điểm. Trường hợp chủ công trình vi phạm không tự nguyện chấp hành, thì chính quyền địa phương cần áp dụng các chế tài xử lý, tiến hành cưỡng chế vi phạm.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền huyện Sóc Sơn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng trên địa bàn thời gian gần đây. Đặc biệt, sau những ý kiến trong kết luận thanh tra thời điểm năm 2019, huyện Sóc Sơn đang từng bước khắc phục, cùng đó là đưa ra các hướng đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc, một phần cũng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, theo quan điểm của các luật sư, đối với những trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng mới phát sinh, huyện Sóc Sơn cần vào cuộc kịp thời, quyết liệt, xử lý triệt để vi phạm và không để "con sâu làm rầu nồi canh".

Theo thông tin Reatimes nắm được, về việc này, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã và đang có những chỉ đạo quyết liệt liên quan đến công tác quản lý, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu UBND xã Minh Phú. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Bàn luận về vấn đề sai phạm trong công tác quản lý sử dụng đất, xây dựng có chiều hướng diễn biến phức tạp thời gian qua, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì cá nhân, doanh nghiệp mới dám sai phạm.

“Để xử lý tận gốc vấn đề này phải tìm ra những cá nhân liên quan đến sai phạm, kể cả từ nhiệm kỳ trước đưa ra xử lý, người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu từ nhiệm kỳ trước để rút kinh nghiệm, khắc phục. Như vậy, tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định trước báo giới.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết, đối với cơ quan quản lý Nhà nước (ở đây là UBND xã Minh Phú, UBND huyện Sóc Sơn) nếu có sự thờ ơ, buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng dẫn đến hậu quả các công trình xây dựng mọc lên ngang nhiên, họ là cán bộ, công chức, viên chức cũng phải chịu trách nhiệm.

“Theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Ngoài ra, tùy vào mức độ của hành vi vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật hình sự 2015 về Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, luật sư Hà nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top