Aa

Bài 4: “Thế lực” nào đứng sau “dọn đường” cho những doanh nghiệp làm ăn chộp giật?

Thứ Sáu, 22/06/2018 - 06:01

Đối với nhiều chủ đầu tư bất động sản, sự hứa hẹn luôn là "linh hồn" của chiến lược quảng cáo. Nhưng cho đến khi bàn giao nhà cho khách hàng, người ta mới “hoảng hốt” nhận ra thực tế không hề giống với những gì được cam kết. Bức tranh thị trường bất động sản vì thế mà trở nên “chắp vá”, kệch cỡm.

Những dự án chung cư khi ra mắt thị trường đều kèm theo muôn vàn lời hoa mỹ từ phía chủ đầu tư. Vỗ ngực tự hào bao nhiêu lần, thì chủ đầu tư lại càng “né tránh” khi sự việc “vỡ lở” với nhiều sai phạm trong dự án. Sự chối bỏ trách nhiệm ấy vô tình đã làm ảnh hưởng ít nhiều tới thương hiệu, danh tiếng mà doanh nghiệp xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

"Con voi chui lọt lỗ kim"

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, dự án chung cư CT6 được phê duyệt quy hoạch thiết kế gồm 2 tòa CT6A, CT6B và 34 căn liền kề. Nhưng thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng thành 3 tòa CT6A, CT6B, CT6C kèm theo 38 căn biệt thự liền kề nhà thấp tầng.

Chung cư có tổng số 1590 căn (tăng 564 căn so với quy hoạch được phê duyệt); Trong đó, công trình CT6C có 447 căn hộ. Điều đáng nói tất cả những căn hộ không phép này đã được bán cho khách hàng và đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay.

Theo phản ánh các hộ dân ở đây, cư dân mua nhà tại dự án CT6 Kiến Hưng và đã chuyển về ở được vài năm nay nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ.

Theo phản ánh các hộ dân ở đây, cư dân mua nhà tại dự án CT6 Kiến Hưng và đã chuyển về ở được vài năm nay nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ.

Một người dân ở tòa CT6C cho biết, tòa này có người ở từ tháng 12/2012. Cho đến nay, đã gần 6 năm trôi qua nhưng nhiều người dân của tòa nhà này dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng nhưng không được đứng tên và luôn sống trong lo lắng.

Được biết, tập thể cư dân CT6C đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng Hà Nội đề nghị sớm cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà tại dự án này cũng như xử lý những sai phạm của chủ đầu tư. Mặc dù, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì cùng UBND quận Hà Đông tổng hợp quá trình chỉ đạo xử lý đối với dự án CT6C Kiến Hưng từ trước đến nay; khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, đã một tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Liên quan đến dự án này, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Chúng ta phải xác định rõ rằng không chỉ chủ đầu tư sai mà các cấp chính quyền rất thiếu trách nhiệm. Nhưng giờ giải quyết thế nào? Đập phá theo căn cứ pháp luật thì quá dễ, nhưng chúng ta cần nhìn nhận vào hậu quả nó mang lại ghê gớm đến mức nào. Thứ nhất, hàng trăm hộ dân sẽ mất nhà và không biết bao giờ mới lấy lại được tiền từ phía chủ đầu tư và không biết chủ đầu tư có làm sao không (dù theo luật là đủ các thứ tội lỗi), nhưng chưa chắc đã bị xử lý đến nơi đến chốn...”.

Mới đây, khu Biệt thự Khai Sơn Hill nằm trong dự án Khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đi khu đô thị mới Thượng Thanh do công ty Cổ phần Khai Sơn - Chi nhánh Hà Nội, địa chỉ tại số 22 Ngõ Huế (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là chủ đầu tư cũng bị báo chí phát hiện có hàng loạt sai phạm. 

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số sai phạm về tài chính đất đai, với tổng số tiền lên tới 1.562 tỷ đồng. Trong đó, một số chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất đã xây căn hộ bán cho khách hàng, dẫn đến thất thu cho ngân sách 733 tỷ đồng, như lô đất CT2 thuộc dự án Kim Văn - Kim Lũ.

Dự án có tổng diện tích 180ha thuộc địa phận của ba phường: Ngọc Thụy, Thượng Thanh và Đức Giang quận Long Biên. Trong đó khu biệt thự có diện tích quy hoạch hơn 2,1ha bao gồm 66 căn biệt thự cao cấp và công trình trung tâm kết nối cộng đồng Center House thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến năm 2019.

Dự án được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận đầu tư, một số hạng mục thi công theo quyết định phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và không phải xin GPXD. Tuy nhiên, đối với những căn biệt thự có tổng diện tích sàn trên 500m2 tại Dự án Khu nhà ở thấp tầng theo quy định phải tổ chức xin GPXD.

Mặc dù quy định đã rất rõ ràng, thế nhưng công ty Cổ phần Khai Sơn đã cho tổ chức cho thi công 26 căn biệt thự có diện tích mặt sàn lớn hơn 500m2 và chưa hề có GPXD theo quy định. Đáng chú ý, những căn biệt thự đã được khởi công từ cách đây gần 1 năm.

Đặc biệt, chính quyền sở tại chỉ phát hiện ra sai phạm khi chủ đầu tư đã xây xong phần thô.

Mặc dù ngày 14/11/2017, UBND quận Long Biên đã có quyết định xử phạt 80 triệu đồng, yêu cầu đình chỉ thi công tại dự án xây dựng Khu nhà ở thấp tầng TT1, biệt thự Khai Sơn Hill và yêu cầu cưỡng chế phá dỡ trong thời hạn tối đa 60 ngày. Thế nhưng, sau nhiều tháng, dù quá thời hạn tối đa trên 26 biệt thự vẫn tồn tại.

Chính quyền "thờ ơ" trước sai phạm

Gần đây, các dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) làm chủ đầu tư thường gây ra nhiều điều tiếng xấu trong dư luận. Cụ thể, các dự án như chung cư 93 Lò Đúc, Capital Garden ở 102 Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) và điển hình là dự án 8B Lê Trực không chỉ sai phạm về xây dựng mà thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa khách hàng mua nhà với chủ đầu tư liên quan đến hàng loạt vấn đề bất cập.

Đặc biệt mới đây, dự án chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy do Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Cầu Giấy (Công ty con của Kinh Đô TCI Group) tiếp tục trở thành tâm điểm xấu của thị trường khi tồn tại hàng loạt các vi phạm. Trong đó, tình trạng chậm tiến độ và chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế tòa nhà dự án, "bỏ quên" một khoản thuế hàng chục tỷ đồng đã khiến khách hàng, dư luận bức xúc.  

Băng rôn với nội dung tố cáo chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật... yêu cầu đối thoại, được khách hàng mua căn hộ chung cư Discovery Complex căng kín trước cổng dự án. Ảnh: Trần Kháng.

Băng rôn với nội dung tố cáo chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật... yêu cầu đối thoại, được khách hàng mua căn hộ chung cư Discovery Complex căng kín trước cổng dự án. Ảnh: Trần Kháng.

Cũng chính tại dự án được giới thiệu là “điểm nhấn của quận Cầu Giấy”, nhiều khách hàng đã “khóc thét” phản ánh về nghịch cảnh: Bất chấp người mua nhà không có nhu cầu, chủ đầu tư vẫn… “ép” khách hàng ký và thanh toán giá trị phần diện tích phát sinh. Số tiền diện tích phát sinh khoảng 10 - 15m2, tương ứng đội giá lên khoảng 300 - 500 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí, bà Quỳnh Anh đại diện hơn 100 khách hàng mua căn hộ Discovery Complex 302 Cầu Giấy cho biết: “Với cách trả lời của chủ đầu tư, rõ ràng họ đang chiếm dụng vốn của khách hàng. Việc chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ họ không đề cập đến chuyện đền bù nhưng lại luôn yêu cầu khách hàng nộp phạt khi nộp tiền chậm”. 

Cũng theo phản ánh của khách hàng, theo Hợp đồng ký kết với khách hàng, chủ đầu tư dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy cam kết bàn giao nhà vào quý I/2016, được phép chậm nhưng không quá 180 ngày, (thời hạn muộn nhất là tháng 9/2016). Nhưng thực tế, người dân vẫn chưa nhận được nhà, việc bàn giao đã chậm so với hợp đồng gần 18 tháng.

Trong khi những mâu thuẫn chung cư đang ngày một tăng, thì các chế tài xử lý vẫn nằm trên giấy hoặc chưa thực sự có hiệu lực như mong muốn. Đây là một bất cập rất lớn cần nhìn nhận lại để tháo gỡ. Luật sư Trần Anh Tuần

Chủ đầu tư đưa ra những lý do không thuyết phục được khách hàng. Cụ thể, trong văn bản số 53 (ngày 7/7/2017) chủ đầu tư gửi đến khách hàng giải thích các nguyên nhân chậm tiến độ. Đó là, do thi công nhà ga đường sắt Nhổn – ga Hà Nội ảnh hưởng tới tiến độ công trình, khó khăn cho giao thông và việc cung ứng vật liệu ra vào công trường. Nguyên nhân nữa là do UBND phường Dịch Vọng ban hành Quyết định số 170 (ngày 31/10/2015) đình chỉ thi công công trình dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy vì vi phạm trật tự xây dựng không đúng quy định và ngưng cấp điện, nước đối với công trình cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ.

Bức xúc của khách hàng kéo dài nhưng không được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, chủ đầu tư thì vẫn có dấu hiệu "coi thường" quyền lợi của khách hàng.

Vừa qua, tại dự án chung cư The Pride của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Còn nhớ, Hải Phát dưới sự lãnh đạo tài tình của doanh nhân Đỗ Quý Hải “rũ bùn vươn dậy sáng lòa”, từng trở thành tâm điểm lạ kỳ của giới bất động sản.

Những ngày đầu thành lập vào năm 2003, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải phát chỉ vỏn vẹn 8 tỷ đồng. Cho đến năm 2008, đánh dấu cột mốc con số tăng trưởng nhảy vọt lên tới 300 tỷ đồng. Ngay lập tức, Công ty cho ra mắt một loạt các Dự án lớn như Khu đô thị mới Văn Phú và Tổ hợp thương mại, dịch vụ và căn hộ The Pride thuộc Khu đô thị An Hưng (Quận Hà Đông).

Năm 2011, trong bối cảnh thị trường bất động sản vô cùng “sốt nóng”, Hải Phát tiếp tục tạo cú hích đưa con số vốn lên 750 tỷ đồng. Vậy là lại một lần nữa, đơn vị này gây được tiếng vang lớn với nhiều dự án cam kết về cuộc sống chất lượng vượt trội như: Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng), Khu nhà ở đô thị Phú Lãm (quận Hà Đông), Khu đô thị mới Tây Nam An Khánh (huyện Hoài Đức)...

Dự án The Pride Hải Phát. Ảnh: Đỗ Linh.

Dự án The Pride Hải Phát. Ảnh: Đỗ Linh.

Được xem là một trong những “quý nhân” góp phần làm thay đổi “bộ mặt” thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội nhưng với sự sai phạm, tắc trách trong khâu giám sát, quản lý đơn vị thi công, vận hành của mình kèm theo thái độ không hợp tác, liên tục né tránh cư dân, Hải Phát đã tự đánh mất đi “chữ tín” của mình qua các dự án như The Pride hay Khu đô thị Tân Tây Đô.

Hoặc nghiêm trọng hơn, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long đã tự “biến” dự án khu đô thị cao cấp Usilk City của mình từ đáng sống nhất Hà Đông trở thành dự án “rẻ tiền” nhất. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có tiếng bỗng trở thành những kẻ “bịp bợm” khi ngừng trệ thi công, không bàn giao nhà cho khách hàng hay không hoàn thiện hệ thống PCCC cho cư dân.

Được thành lập vào cuối năm 2006 từ một chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Sông Đà, hiện nay Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và tạo dựng được một thương hiệu lớn với các dự án nổi danh như: Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông), Usilk City,…

Xuất thân từ gia đình có truyền thống kinh doanh, ông Nguyễn Trí Dũng đã từng đưa danh tiếng của công ty vang xa. Tuy nhiên, cho đến khi "vũng lầy" Usilk City ngày càng lún sâu, Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long cũng vì thế tuột dốc, thua lỗ. Quyền lợi của cư dân bị “xâm phạm” nghiêm trọng bởi chủ đầu tư thẳng thừng rũ bỏ trách nhiệm, không thừa nhận, không sửa chữa và khắc phục sai phạm của mình.

Ngày 31/5/2018, tại cuộc tiếp xúc đại biểu cử tri của UBND quận Hà Đông diễn ra tại hội trường của UBND phường La Khê, cư dân Usilk City mong đợi mọi thắc mắc và bức xúc của mình liên quan đến những lùm xùm của dự án thời gian qua sẽ được giải đáp. Nhưng trên thực tế, câu chuyện lại một lần nữa vẫn chỉ đi vào “ngõ cụt”. Trong suốt buổi họp, các vấn đề liên quan đến dự án Usilk City chỉ được nhắc đến và lướt qua một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, chưa có bất cứ phương hướng giải quyết nào được đề đạt.

Phản hồi về vấn đề xảy ra tại dự án Usilk City, Chủ tịch UBND quận Hà Đông - ông Vũ Ngọc Phụng - cho biết lãnh đạo Quận đã có sự chia sẻ với Ban quản trị lâm thời của Cụm CT1 dự án Usilk City. Quận cũng biết các vấn đề cư dân dự án gặp phải như công tác PCCC, điện nước, Quận đã gửi văn bản, gặp gỡ trực tiếp và yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long giải quyết nhưng chủ đầu tư luôn kêu khó khăn.

Đại diện cho cư dân Usilk City tham gia cuộc tiếp xúc cử tri ngày hôm nay, anh Nguyễn Tiến cho hay: “Chủ đầu tư chây ỳ ko chịu bàn giao khu đô thị cho chính quyền địa phương vậy cư dân chúng tôi phải làm gì, có vấn đề gì xảy ra với dân ai sẽ chịu trách nhiệm? Chính quyền cũng không đề ra giải pháp chỉ biết đùn đẩy và nói suông. Tính mạng chúng tôi không phải để các cơ quan chức năng chỉ “biết và chia sẻ” là đủ!”.

Dự án Usilk City tồn tại nhiều sai phạm. Đặc biệt, hệ thống PCCC chưa được hoàn thiện. Ảnh: Đỗ Linh.

Dự án Usilk City tồn tại nhiều sai phạm. Đặc biệt, hệ thống PCCC chưa được hoàn thiện. Ảnh: Đỗ Linh.

Theo ghi nhận, không chỉ tại các dự án nói trên mà nhiều chung cư cao cấp khác trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tranh chấp trong thời gian qua. Trước Discovery Complex, Horizon Tower, cư dân Capital Garden, Golden West Lê Văn Thiêm, Hồ Gươm Plaza, Keangnam, New Horizon, Vinaconex 3, Center Point…, cũng phải "vỡ mộng" với cuộc sống trong mơ, tiện ích đầy đủ, dịch vụ đẳng cấp…, mà các chủ đầu tư vẽ ra khi mở bán. Nhiều cư dân sau thời gian dài đấu tranh với chủ đầu tư, đã phải thốt lên rằng: "Mua chung cư cao cấp, nhưng sống khổ hơn cả khu tập thể cũ!".

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu còn có “thế lực” nào đứng sau “dọn đường” cho từng bước đi của các doanh nghiệp này. Những sai phạm cho đến nay dù người dân đã, đang “kêu cứu” vô cùng thống thiết nhưng vẫn chưa được giải quyêt thỏa đáng. Liệu chính quyền còn đang “loay hoay” trong câu chuyện tìm giải pháp hay đã nhìn thấy cách giải quyết trước mắt nhưng lại sẵn sàng tiếp tục “ngó lơ” cho những sai phạm đang xảy ra?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top