Lời toà soạn:
Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.
Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.
Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.
Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Theo đó, người đứng đầu UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2198/BXD-HĐXD ngày 21/5/2024.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng hợp thức hóa sai phạm.
Đặc biệt, thành phố kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng mà không kịp thời phát hiện, xử lý. Ngoài ra, rà soát, tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng theo quy định, tuyệt đối không để các trường hợp vi phạm mà không được xử lý kịp thời.
Sở Xây dựng được giao định kỳ hàng quý, 6 tháng tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ đạo nêu trên để kịp thời báo cáo, đề xuất trình UBND TP xem xét, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đề nghị của Bộ Xây dựng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, trong 3 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã kiểm tra gần 11.000 lượt về hoạt động xây dựng, chỉ phát hiện 49 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 46% so với cùng kỳ.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, không phát sinh điểm nóng, phức tạp, vi phạm trật tự xây dựng sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND giảm mạnh so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23 (tỷ lệ giảm đến 78%).
Cụ thể, đến tháng 6/2023, trên địa bàn TP.HCM có 2.699 công trình vi phạm (bình quân 1,8 vụ/ngày), giảm 6,7 vụ/ngày; tỉ lệ giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.
Nếu tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 thì tổng cộng số công trình vi phạm là 170 công trình, bình quân số vụ vi phạm là 0,9 vụ/ngày, giảm 7,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm đến 89% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23.
Cả năm 2023, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra gần 51.000 lượt, phát hiện 352 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (giảm 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 là 365 trường hợp).
Sở Xây dựng cho rằng, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND đã góp phần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân. Trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, ý thức chấp hành nhiệm vụ công vụ, tinh thần chủ động, sáng tạo của công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng được cải thiện; đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phối hợp giữa các sở, ngành TP.HCM và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao.
Một trong những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM là việc phát huy vai trò giám sát đối với các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TP của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP đã góp sức cho chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước.
Cùng với đó là chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai và xây dựng; thường xuyên tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc xây dựng quy trình, công khai minh bạch, đảm bảo thông thoáng, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính là một trong những yếu tố góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân là vấn đề căn cơ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác chấn chỉnh tình hình vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng. Việc tăng nguồn cung về nhà ở hợp pháp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân góp phần ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng bất hợp pháp trên địa bàn thành phố./
Thành phố cũng có 1.810 công trình vi phạm về điều kiện đưa nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở dịch vụ kinh doanh thuê trọ vào kinh doanh, 1.720 công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy, 355 công trình xây dựng có vi phạm khác.
Các cơ quan chức năng tại TP.HCM đã ban hành 2.273 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 451 trường hợp phải cưỡng chế thi hành.