Aa

Bài 52: Xây dựng không phép có dấu hiệu tăng, TP.HCM mạnh tay xử lý công trình sai phạm

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Tư, 11/09/2024 - 06:20

Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM từng bước được cải thiện, có chuyển biến tích cực, số trường hợp vi phạm hành chính về trật tự xây dựng giảm qua từng năm. Tuy nhiên, so sánh số liệu vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua thì số liệu vi phạm không phép có dấu hiệu tăng.

Lời toà soạn:

Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.

Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.

Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Thông tin từ Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa có báo cáo việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố (giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024).

Theo UBND TP.HCM, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019. Từ đó, kịp thời ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM được thực hiện thường xuyên. Đồng thời, các sở, ban, ngành TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 3333/KH-UBND của UBND TP.

Bài 52: Xây dựng không phép có dấu hiệu tăng, TP.HCM mạnh tay xử lý công trình sai phạm- Ảnh 1.

Nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép ở phường Long Phước, TP Thủ Đức chưa thực hiện tháo gỡ

Do vậy, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM từng bước được cải thiện, có chuyển biến tích cực, số trường hợp vi phạm hành chính về trật tự xây dựng giảm qua từng năm.

Cụ thể, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP là 3.085 công trình (15/6/2019-30/6/2024), bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU là 8,5 vụ/ngày (6 tháng đầu năm 2019).

Tuy nhiên, so sánh số liệu vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua thì số liệu vi phạm không phép có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do quy định của pháp luật; do tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình tăng dân số cơ học cao tại TP.HCM dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao. Điều này dẫn đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp; làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở riêng lẻ với mục đích cho thuê, hình thành các "chung cư mini" trên địa bàn thành phố.

Bài 52: Xây dựng không phép có dấu hiệu tăng, TP.HCM mạnh tay xử lý công trình sai phạm- Ảnh 2.

ai phạm xây dựng tại Tòa nhà Big Group 94-96 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Hưng, quận 7 kéo dài nhiều năm

Đặc biệt, UBND TP.HCM cho biết, trong thời gian tới tiếp tục giao các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép UBND các cấp được quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm quy định về trật tự xây dựng không chấp hành yêu cầu dừng thi công xây dựng. Hoặc biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm của người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thi công xây dựng, thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; hoàn thiện tổ chức bộ máy của lực lượng thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Đồng thời, ban hành quy định quản lý đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn thành phố; tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

Sai phạm khủng tồn tại nhiều năm ở thành phố Thủ Đức bất chấp Chỉ thị 23

Sai phạm tại dự án Laimian City và nhà khách Hậu Giang là 2 sai phạm "khủng", tồn tại nhiều năm tại thành phố Thủ Đức, nhưng cho đến nay vẫn chưa bị cưỡng chế tháo dỡ.

Cụ thể, tại dự án Khu đô thị An Phú, An Khánh (tên thương mại là Laimian City), Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, các sai phạm xảy ra tại dự án vẫn chưa cưỡng chế và thu hồi hết phần xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế tháo dỡ.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, đối với các sai phạm tại dự án khu đô thị An Phú - An Khánh, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 4,5 tỉ đồng. Trong đó đã thu hơn 2,7 tỉ đồng, còn phải thu 1,7 tỉ đồng.

Bài 52: Xây dựng không phép có dấu hiệu tăng, TP.HCM mạnh tay xử lý công trình sai phạm- Ảnh 3.

Chủ đầu tư dự án Laimanin City ngang nhiên tự ý thay đổi quy hoạch khi chưa được phép và xây lụi hơn 2.000 căn hộ trên phần diện tích đất công

Ngày 8/4/2024, Sở Xây dựng có văn bản số 2903/SXD-TT về thực hiện Kết luận thanh tra liên quan Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh; trong đó đề nghị UBND TP Thủ Đức chỉ đạo Thanh tra Xây dựng thành phố Thủ Đức và các đơn vị trực thuộc có biện pháp thu hồi đúng và đầy đủ số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành và báo cáo kết quả thực hiện cho Thanh tra Thành phố.

Ngày 4/1/2024, Sở Xây dựng đã có văn bản số 68/SXD-TT và ngày 17/6/2024 có văn bản số 5272/SXD-TT với nội dung "đề nghị UBND thành phố Thủ Đức khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ động xác định chính xác diện tích, vị trí, kết cấu công trình xây dựng vi phạm tại Khu D, Khu E thuộc Khu đô thị An Phú - An Khánh, thành phố Thủ Đức để ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định".

Còn tại dự án nhà khách Hậu Giang, ngày 26/11/2018, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2366/QĐ-XPVPHC, đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Hậu Giang, do đã có hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Đến ngày 21/8/2019, Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 2136/QĐ-CCXP, về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Bài 52: Xây dựng không phép có dấu hiệu tăng, TP.HCM mạnh tay xử lý công trình sai phạm- Ảnh 4.

Trước đó, theo ý kiến từ Sở Xây dựng: “Dự án La-Premier tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 của chủ đầu tư Phú Cường & Lotte E&C. Qua rà soát, Sở Xây dựng chưa cấp giấy phép xây dựng, cũng như chưa xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán tại dự án này” - Ảnh: Trung Hiếu

Căn cứ Quyết định số 3580/QĐ-UBND ngày 21/8/2019 của UBND Thành phố về việc phân công nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM, việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Thủ Đức.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Reatimes, dự án này đã thi công xong phần móng và đã dừng triển khai nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa bị cưỡng chế tháo dỡ. Dự án cũng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM liệt vào danh sách không đáp ứng điều kiện chỉ định chủ đầu tư (Phải đấu thầu hoặc đấu giá để lựa chọn chủ đầu tư - PV).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top