Nhờ lấy vợ người Tày mà tôi biết được nhiều điều kì lạ của “Những người sống gần Trời” (Lời của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến). Chẳng hạn trong bữa cơm bình thường hoặc đãi khách mà có thịt gia cầm, nếu bạn thấy có những chiếc đùi để riêng trong một cái đĩa, thì chắc chắn gia chủ có trẻ nhỏ và chúng đang đi vắng đâu đó. Đôi khi chỉ là một đứa bé vừa mới lọt lòng đang ngủ trong buồng. Nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến việc nhất định cứ phải để riêng phần nó những cái đùi to vật, béo múp míp đến nỗi ngay cả một người lớn cũng khó mà ăn hết. Số lượng đùi có thể là hai (số tối thiểu) hay gấp đôi, gấp ba… chất thành một đĩa tú hụ, tùy số lượng con gia cầm bị giết mổ. Nếu bạn chưa biết thì để tôi mách: Này, chớ có động đũa vào cái đĩa thức ăn đặc biệt đó đấy nhé!
Nhưng kì lạ nhất và cũng đáng để suy ngẫm nhất, với tôi, là Lễ bán khóc.
Vào ngày đầy tháng một đứa bé nào đó, gia chủ sẽ làm lễ Ma nhét. Trong buổi lễ long trọng và thiêng liêng đó, ngoài đồ cúng lễ tổ tiên và thần linh, ngoài thức ăn ngon, rượu thơm, ngoài một số đồ dùng đẹp đẽ sắm cho đứa trẻ mà rồi ta sẽ biết phần lớn chúng là quà tặng của khách, gia chủ còn phải chuẩn bị trước những cái bánh, được làm từ gạo nếp và muối, gói bằng lá, có hình giống như cái sừng bò (gọi là bánh cốc mò). Việc tuy nhỏ nhưng rất quan trọng.
Sau nghi thức cúng tế linh thiêng cầu mong cho đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, an toàn, học giỏi, luôn được mười hai bà mụ thương yêu dạy cho trí khôn; sau bữa cỗ đầy ắp niềm vui hỉ hả, là đến tiết mục cần sự có mặt của những chiếc bánh ấy. Một đứa trẻ trai khỏe mạnh, thông minh, con nhà nề nếp sẽ được chọn làm nhiệm vụ địu đứa bé đầy tháng đến các ngõ ngách trong làng, trên tay và trên vai là những chiếc bánh đã được xâu lại thành những xâu nhỏ! Người bán chính là đứa bé đầy tháng mà phần lớn đều ngủ tít trên lưng người địu. Mặt hàng đem đi bán là… khóc, được tượng trưng bằng những chiếc bánh cốc mò. Còn khách hàng mua… khóc là những đứa trẻ lớn hơn trong làng. Chúng sẽ mua một phần khóc của đứa bé vừa đầy tháng, đồng nghĩa với việc mua bớt bệnh tật, san xẻ bớt những đau ốm, sài đẹn; “gánh” giúp nó những vận hạn mà vì quá bé nên nó chưa đủ sức vượt qua, để nó lớn lên một cách khỏe mạnh, an toàn. Ý nghĩa của việc bán khóc mà người Tày quan niệm, được thực hiện trong lễ đầy tháng trẻ, là như vậy.
Thông thường việc mua bán diễn ra như sau: Thằng bé được lựa chọn phải ăn mặc đẹp, rồi địu đứa nhỏ đầy tháng đến trước ngõ những nhà có trẻ con trong xóm và đôi khi chẳng cần phải nói câu nào, bởi đã có người đợi sẵn để nhanh nhảu chạy ra mua mấy cái bánh. Tay nhặt bánh, miệng người mua cười nói xởi lởi, chủ yếu cầu chúc cho đứa bé hay ăn chóng lớn, rồi thả vào đẫy của người bán một ít tiền tượng trưng. Bán (thực chất là biếu) càng được nhiều bánh, đứa bé càng ít khóc. Sau này, khi đứa bé lớn lên, vượt qua giai đoạn yếu đuối, mong manh nhất của đời người, đến lượt nó sẽ lại làm nghĩa vụ chia bớt khóc, gánh bớt rủi ro với những em bé khác mới được sinh ra sau chúng.
Nếu bạn tận mắt thấy hoặc may mắn hơn, được tham dự một lần và chứng kiến lễ bán khóc, chắc chắn bạn cũng sẽ làm như tôi: Muốn kể lại cho thật nhiều người nghe.