Aa

Bạn tôi làm giám đốc

Thứ Tư, 12/08/2020 - 07:00

Tôi đo "thời tiết" làm ăn của anh qua "nhiệt độ" các câu chuyện về văn chương. Khi nào anh sôi nổi, nhiệt tình về vấn đề này, là thời kỳ nhà máy, công việc khấm khá, thuận lợi. Còn nếu không, thì anh ít nói, nhạt nhạt...

Thú thực, hồi anh mới lên làm Giám đốc, tôi hơi ngạc nhiên, vì bản tính anh là một người sống rất... "amatơ". Đã thế, lại còn có máu giang hồ, nghệ sĩ, hễ cứ rảnh việc ở nhiệm sở là thế nào cũng lôi kéo được đôi ba nhà văn, nhà họa sĩ ra quán nhậu, nhậu tới số, với thượng vàng hạ cám các thứ chuyện trên đời, nhất là chuyện thời chiến tranh, vì anh vốn xuất thân từ lính tráng. 

Anh đã vào Nam, tới tận miền Đông với cặp kính cận. Chẳng biết vì sao người ta để "lọt" một chàng đeo kính cận vào lính! Sau này, tôi mới biết, vì anh làm giáo viên, vào bộ đội vẫn được dạy học, hết dạy học thì làm cán bộ tuyên huấn. Sau giải phóng, giải ngũ, anh về phòng tổ chức bên Tổng Công ty Nhựa. Bạn tôi cắm cúi học suốt mấy năm liền đại học tại chức và có cái bằng cử nhân kinh tế sớm nhất so với những thằng lính cùng đi ra khỏi rừng. 

Nhưng tính cách bạn thì vẫn thế: Có mười đồng tiêu hết cả mười đồng. Lúc nào cũng ham vui, ham chơi, ham bạn bè từ Bắc chí Nam, không so đo hơn thiệt với ai. Đã vui rồi thì, "bán trời không văn tự" cũng sẵn sàng. Chẳng biết ở trong các giảng đường đại học, nhất lại là Trường Đại học Kinh tế, người ta có dạy cho học trò của mình biết tiết kiệm là gì không, chứ với anh, sau khi ra trường rồi, tính cách cũng chẳng thay đổi được chút gì!

Anh nhận chức “Quyền Giám đốc” một nhà máy với một cơ sở tương đối lớn nhưng vốn liếng hạn hẹp tới mức, chỉ có vài chục triệu đồng gì đó để tự lo. Cơ chế bung ra, bạn tôi bắt đầu nhập cuộc. Nhập cuộc bằng các mối quan hệ, bằng sự nhạy cảm và bằng cả cái tính hòa đồng đối với các cộng sự của mình. Họ nâng cốc "ăn thề" với nhau như trước ngày ra trận và họ chia nhau việc mà làm, mà chạy. 

Anh bỗng dưng trở thành một con người khác, con người của công việc. Lúc nào cũng bận, cũng lo. Anh bảo đã nhận việc, đã "chịu chơi" rồi, không thể lơ tơ mơ nghệ sĩ như trước được. Đó là cái lẽ thông thường, cái lẽ tự nhiên. Vậy mà, anh vẫn tạo được cho riêng mình cái khoảng trống thư giãn với bạn bè. Bạn bè giờ không chỉ là một thế giới mông lung nghệ sĩ, mà còn có cả các nhà doanh nghiệp, các chính khách bậc trung, các cơ sở sản xuất tư nhân có tên tuổi trong nghề. 

lnhothnhcngdndttpth-1547528712
Ảnh minh họa

Trong những lúc "nâng chén thư giãn" anh nhận được khá nhiều gợi ý và nhất là các mối làm ăn. Anh củng cố cơ quan bằng "khâu tổ chức", hướng mọi thành viên vào lợi ích cụ thể, vừa riêng vừa chung, vừa trước mắt, vừa lâu dài, lấy cái lâu dài làm trọng. Và sự việc diễn ra không phải lúc nào cũng trôi chảy, cũng thuận buồm, mát mái. 

Còn nhớ cái đận, khi anh đã vay được vốn ngân hàng rồi, hợp đồng mua máy về để sản xuất rồi, sản phẩm mẫu cũng có rồi. Một mặt anh cho triển khai sản xuất, một mặt đích thân Giám đốc, lúc này anh đã được "cắt Q", đi liên hệ hợp đồng với khách hàng. Khách hàng miền Bắc, gần, xa đều xuất phát từ tinh thần chiến hữu, bạn bè. 

Họ nhận hàng của anh mà hàng anh chưa đáp ứng đủ, đành phải mua của đơn vị bạn để cấp cho khách. Khi thấy tôi băn khoăn về điều này, anh cho biết: Lỗ cũng làm, lỗ tiền nhưng lãi tín. Giữ được chữ tín là giữ được cái gốc của sự làm ăn. Đến khi cơ sở sản xuất có hàng rồi, anh nghiễm nhiên giữ được "đầu ra" một cách lâu bền.

Tôi thực lòng chẳng hiểu mấy về nghề kinh doanh, cả cái việc tổ chức, quản lý sản xuất, tôi cũng mù tịt. Nhưng chơi với anh, đôi lúc cứ thấy bạn mình làm ăn tít mù, những lỗ lãi, đầu ra đầu vào, nay ngược mai xuôi, nay được anh khách hàng này, mai lại nghe nói có nơi "giở quẻ"… Có lần một ông khách hàng nọ, cũng là bạn bè với nhau, nợ bên anh tiền chưa thanh toán được, cứ khất lần, không đúng hẹn. Anh buộc phải đòi một cách quyết liệt khiến ông kia sững sờ. 

Tưởng là bạn bè thì nương tay cho nhau một tý. Nhưng anh quyết không đồng ý, vì theo anh, tiền ấy không phải là của anh và ngoài tiền, đó là công việc, là chữ tín trong kinh doanh. Chơi với nhau để thuận lợi cho nhau trong công việc, còn nếu du di, lẫn lộn giữa chơi vui với làm ăn thì dễ sinh khó xử. Tôi cũng thấy ái ngại cho anh, khi anh phải đấu tranh với khách hàng (vốn là bạn) hơn thua vài giá, vài đồng. Còn việc cá nhân vui vẻ đãi nhau lại là việc khác, đâu có thể lẫn lộn được! Vấn đề tối quan trọng là hiểu nhau …

Làm Giám đốc! Ba từ ấy quả nghe cũng thời thượng, cũng hấp dẫn và cũng đáng tự hào lắm chứ. Thế nhưng, nếu chỉ cần cái danh ấy thôi thì quá hồ đồ. Không ít người vì cái danh ấy mà thành ra khuynh gia bại sản, thành ra thân tàn ma dại, thành kẻ phạm tội. Nhiều lúc thấy bạn mình làm Giám đốc mà lo ngại. Âu đó cũng là lẽ thường tình. 

Nhưng rồi với anh, cái sự lo ngại của tôi dần dần được được giải tỏa. Cái thói "Kẻ dưới đất lo cho người trên cây" của tôi xem ra đã lỗi thời. Lần nào gặp anh, tôi cũng hỏi: "Sao? Công việc dạo này thế nào? Sắp bị cách chức chưa?". Một câu hỏi đầy khiêu khích và anh đã trả lời tôi bằng một câu hỏi lại thế này: "Mày đã thấy người ta tạc tượng tao chưa mà hỏi?". Rồi chúng tôi kéo nhau đi nhậu. 

unnamed
Ảnh minh họa

Trong tiệc nhậu, thường thì tôi thích nói chuyện kinh doanh, còn anh lại hay nói tới văn chương nghệ thuật. Anh đọc rất nhiều sách văn học, nhất là văn học đương đại. Anh luôn luôn bộc lộ chính kiến của mình một cách cực đoan và sắc sảo về tác giả này, nhà văn kia, đặc biệt là những nhà văn nổi tiếng. 

Nhiều lúc, tôi có cảm giác, con người này, nếu theo sự nghiệp văn chương, chắc cũng sẽ trở thành tay bút khá, nhất là ở cái khoản phê thẩm văn học. Tôi luôn đo "thời tiết" làm ăn của anh qua "nhiệt độ" các câu chuyện về văn chương. Khi nào anh sôi nổi, nhiệt tình nói về vấn đề này, là thời kỳ nhà máy, công việc khấm khá, thuận lợi. Còn nếu không, thì anh ít nói, và nói nhạt nhạt như quả Thanh Long trái mùa vậy.

Giờ đây, Nhà máy Nhựa Tân Thuận đang chuẩn bị mở thêm một xưởng sản xuất ở Hà Nội. Nguyễn Văn Hùng, bạn tôi, là Giám đốc nhà máy này, đã tới mấy tháng nay không gặp. Chắc là anh bận. Lần gặp tới, thể nào tôi cũng lại được nghe anh nói về văn chương một cách hào hứng. Có lẽ cái xưởng sản xuất chai nhựa PP của anh ở Hà Nội đã bắt đầu vào nhịp đua mới - Nhịp đua vụ giáp Tết sắp tới...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top