Mới đây thôi, nhà văn Nguyễn Lam Thủy còn nhắn tin với tôi: “Hết dịch, rồi chị sẽ đi Đông Âu, ước mơ của chị sẽ thành. Qua Hungary, em sẽ đón chị, sẽ đưa chị đi chơi, chị nhé!”. Trước mắt tôi là bóng dáng Thủy gầy gò, da tái xanh khi gặp em ở Liên hoan Thơ quốc tế, mùa xuân năm 2019. Đận đó, tôi nói: “Chị mới đọc truyện ngắn của em ở trên báo Văn Nghệ, đọc em, chị mới hình dung ra nỗi thống khổ của người Việt sống ở xứ người, họ cũng chẳng sung sướng gì”. Lam Thủy nhìn xa xôi: “Vâng chị, người Việt lao động cực lắm ở nước ngoài, em thường viết trong những đêm khuya, trong những giờ phút thật sự yên tĩnh. Bên đó thời gian không như bên nhà mình. Có nhiều tháng tuyết phủ buồn bã là một chuyện, nhớ nhà là chuyện khác”. Rồi nói tiếp: "Em rất mừng là chị đọc truyện của em".
Tôi thú nhận: “Thoạt nhìn em, chị ngỡ em người Hàn Quốc, không dám hỏi”. Thuỷ cười nhẹ: "Em cũng hay bị người ta nhầm là người Hàn, người Nhật, em vừa mổ xong, nên càng gầy". Tôi lảng tránh nhìn em, vì em rất gầy và xanh. Những đối thoại ngắn, những lát cắt ngắn, khiến tôi luôn nhớ lại cuộc hàn huyên này. Rồi Thủy kể: “Ở bên đó, em không có những tác phẩm Việt Nam để đọc, không có không khí văn chương như ở quê mình. Bên đó, em sống được bằng nghề y, nuôi văn chương để đỡ nhớ quê Việt. Con gái em từng là hoa hậu của châu Âu, gia đình em ổn. Nhưng khi nhớ quê, nhớ nhà, với em rất không ổn. Em viết để thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ Việt Nam. May, bây giờ có internet, có email còn đỡ, chứ thời còn viết thư tay, em toàn viết gửi bằng thư dán tem để in truyện ở Việt Nam. Nếu có sức khỏe dư ra, thì em viết đều tay hơn. Bên đó, làm việc căng lắm, có ngày em phải tiếp rất nhiều cú điện thoại của bệnh nhân. Mệt, chị không hiểu hết đâu”.
Tôi thấy Lam Thủy cúi xuống ngực áo.
Thủy nói: "Em sẽ vào Sài Gòn, thăm người thân, cũng cảnh nhớ quê và nhớ món ăn mẹ nấu. Em sinh ra ở Hà Tĩnh, một miền quê nghèo. Em sinh sống được ở bên đó, viết văn cho thỏa sở thích, tự nguyện chứ không màng gì vật chất".
Có lần Thủy gửi cho tôi một cái truyện ngắn nhưng chuyện đó không xuất sắc như “Ngày cuối cùng ở Budapet”. Nguyễn Lam Thủy viết ít, nhưng chuyện của anh cứ găm mãi trong lòng người đọc. Ví dụ chuyện "Piroska" chẳng hạn, một nhân vật sinh ra không đến nỗi nào, mà cuộc đời xô đẩy, đã dẫn đến phiêu dạt khắp nơi.
Truyện của Nguyễn Lam Thủy dẫn tôi đi đến Địa Trung Hải, Sicillia (Ý), Marseille (Pháp), Alexandria (Ai Cập), Barcelona (Tây Ban Nha). Nhân vật Piroska chỉ là một thân phận ở xứ Đông Âu, cũng bình dị, từng khốn khổ, từng có người yêu, có mẹ, rồi mất cả người thân. Rồi nàng ta có cơ hội kiếm tiền, nhưng không điều khiển được đồng tiền, từng sống với một đám mèo và rượu. Và cũng từng có không gian sống vương giả, rồi thác loạn, đẩy đến cái chết trong trại giam để được chết theo mẹ và người tình. Dưới ngòi bút mổ xẻ tâm lý, văn Nguyễn Lam Thủy kỹ càng từng centimetre, có những chi tiết mà chỉ bác sỹ phẫu thuật mới đủ sức phanh phui ra. Khi tả về nhân vật Piroska xấu đến mức “những gì đã quá xấu xí, khi mặc quần áo đẹp và sang trọng lại càng thêm kệch cỡm, diêm dúa”, hay “cả hình thức hay đạo đức, cái gì cũng đạt đến đỉnh điểm của cái xấu”…
Đó là cách dẫn chuyện, từ việc mô tả bên ngoài, đến lột tả tâm lý nội tâm. Phải kể đến chuyện “Ngày cuối cùng ở Budapet”, với nhân vật Long, người Việt hai lần xuất ngoại đi lao động ở xứ người. Lần một, Long đi lao động ở Iraq, thế cuộc để lại cho người mẹ của Long một đống nợ trên vai. Chưa đủ ngộ ra thiên đường, đến lần thứ hai, xuất ngoại tiếp, Long vẫn chưa hồi tỉnh, lại chất trên vai mẹ già một đống nợ to hơn nữa để xuất ngoại đi sang Hungary. Hắn đã tiêu hết tiền vay nặng lãi, tiêu hết tuổi thanh xuân ở Hungary. Hóa ra sang đó để chạy chợ, chỉ biết từ nhà ra đến chợ trời bốn con hổ, đến buôn hàng giả, cuối cùng bị ung thư gan, được bác sỹ và bạn bè đồng hương chung tay chữa trị, cuối cùng cũng trắng tay.
Truyện ngắn này như lắc tay rung thật mạnh hồi chuông cảnh tỉnh, cũng giống như tiếng thở dài thật chua xót để hỏi con người: “Sao người Việt cứ mãi ra đi” (thơ Nguyễn Thành Phong) từng day trở. Nhà văn ta đã lên tiếng với người Việt hãy yêu non sông Tổ quốc của mình trên đất nước mình. Và phút cuối cùng, nhân vật Long ra đi, hai lần xuất ngoại, cũng chỉ để trở về lũy tre bên bờ sông Hồng, để thành tro bụi.
Người Việt tha hương, dưới ngòi bút mổ xẻ trong cơ thể người đến diễn biến nội tâm nhân vật, Nguyễn Lam Thủy viết thật hay, lay động đến trái tim con người, thức tỉnh người Việt sao cứ mơ ước viển vông ở một thiên đường xa thẳm khác, không dễ có thực ở xứ người. Và nhà văn cũng cảnh báo cái ác ở xứ văn minh, châu Âu hay châu Á, cũng đều tinh ma, quái đản, rất giống nhau trên trái đất này. Nỗi đau khổ cũng giống nhau trong tìm kiếm miếng cơm manh áo của kiếp người...
Đọc Nguyễn Lam Thủy, vừa ngậm ngùi xót xa cho người Việt và cũng thức tỉnh người Việt khi rời xa quê hương, bến nước quê nhà. Đọc Nguyễn Lam Thủy thấy vị bác sỹ uyên bác, ung dung tĩnh tại, viết tới bến mới dừng tay. Anh mô tả mọi nỗi niềm tha hương của người Việt ở Hungary, hay ở những nơi xứ khác, đời sống vừa như thiên đường, lại vừa bần hàn điêu đứng, bao phận người hóa tro mà vẫn cứ mong rời khỏi nước Việt là sao?...
Tôi thích đọc chuyện ngắn của nhà văn Nguyễn Lam Thủy, muốn được đi khắp Đông Âu, được leo núi Alps và những dãy núi đẹp hùng vĩ ở Hungary, được ngửi các mùi hoa hồng, hoa oải hương, thưởng thức các vị ngon của Đông Âu. Nhưng dù nếm cao lương mỹ vị gì cũng là để chiêm nghiệm, rồi cuối cùng quay quắt lại chỉ nhớ canh rau muống với cà dầm tương của mẹ ở quê nhà.
Tôi nhớ, đận cuối của cuộc nói chuyện với Thủy, anh kể về mơ ước, là có ai đó ở Việt Nam, đọc truyện của anh và hiểu anh hơn, khi anh viết ở xứ sở Đông Âu. Lần đó, tôi không dám hứa sẽ viết về Nguyễn Lam Thủy, vì chưa đọc hết các tác phẩm của anh.
Mới đây, nghe tin anh phải mổ tim, rồi không qua được, ở bên xứ sở hoa hồng. Tôi bần thần nhớ lại giây phút được trò chuyện với anh. Anh đã lỡ hẹn với tôi là sẽ đón tôi sang, sẽ đưa tôi đi. Giờ tôi đang ngồi viết về cái khoảnh khắc đẹp của bạn văn tâm sự về nghề, về sự tự nguyện trong việc sáng tác. Nguyễn Lam Thủy là một trong những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài mà nặng lòng thương nhớ quê hương nhất mực. Cuộc trò chuyện trực tiếp với anh tại Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới năm 2019 là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng giữa chúng tôi. Đấy cũng là lần cuối cùng anh về Việt Nam, rồi để bây giờ, đã bỏ đi xa mãi.../.