“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” (ca dao). Thời bé, tôi được học trong trang sách, nghe bà nội đọc câu ca dao này. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng đàn cào cào trên ngọn đồi nhỏ quê nhà, châu chấu ngoài đồng và chuồn chuồn trong vườn.
Chuồn chuồn nhiều loại lắm. Nghe đâu ở Việt Nam có đến 500 loại, thế giới có hàng ngàn. Loại côn trùng này, duy nhất vô hại, thậm chí có lợi, vì bắt ruồi, bắt muỗi... Tổ tiên chuồn chuồn xuất hiện sớm kinh khủng, nghe đâu tồn tại hơn 300 triệu năm qua. Những con chuồn chuồn đầu tiên xuất hiện có kích thước lớn hơn rất nhiều so với loài chuồn chuồn ngày nay. Theo đó, hóa thạch của một con chuồn chuồn khổng lồ có đôi cánh dài khoảng 76cm từ kỷ Permi đã được tìm thấy ở bang Kansas, Mỹ.
Vườn nhà tôi rộng lắm, rộng như tuổi trẻ của tôi, như đôi mắt bé thơ, một thuở chuồn chuồn. Nào là chuồn chuồn kim bé tí, chuồn chuồn ớt xanh đỏ... Chuồn chuồn tím đậu bờ cầu ao, soi bóng chiều hè, đậu trên cành sen cuối thu, lơ đãng mặt hồ. Bỗng nhớ “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm” của Tế Xương.
Và nữa, còn loại chuồn chuồn gì nữa, to lắm, thân bằng ngón út người lớn lận, hình như là chuồn chuồn đá. Xưa sao nhiều thế, hôm nào “dự báo” mưa, từng đàn bay rợp vườn, đồng bãi. Thường chúng đậu trên bờ rào, giàn đậu, giàn mướp, ngồng cải ra hoa... và bất cứ cái cọc bé xíu nào trong vườn. Bây giờ chuồn chuồn bỗng hiếm.
Tuổi bé thì bố bắt chuồn chuồn, dỗ tôi ngoan để bố mẹ còn làm vườn. Lớn chừng 6, 7 tuổi, tôi đã lăng xăng, tự bắt được chuồn chuồn. Chuồn chuồn vừa đậu, mắt còn dướn lên, nhớn nhác, cánh còn thăng bằng... nghe tiếng động là bay, thì thua. Các nhà khoa học côn trùng nói rằng, mỗi mắt của chuồn chuồn được tạo nên từ 30.000 đơn vị thị giác được gọi là ommatidia, mỗi đơn vị này chứa đựng một thủy tinh thể và hàng loạt các tế bào nhạy cảm ánh sáng.
Nếu con người có thể nhìn thấy màu sắc kết hợp giữa xanh dương, đỏ, xanh lá thì chuồn chuồn có thể cảm nhận đến 33 loại khác nhau cùng với sự nhạy cảm ánh sáng ở mức cao. Cùng với đó, mỗi ommatidia hấp thụ một màu sắc ánh sáng có quang phổ, bước sóng khác nhau nên chúng có thể “thưởng thức” tới 10 triệu màu sắc.
Ngày bé tôi đâu biết, mắt chuồn chuồn tinh anh như thế nhưng cũng có “điểm mù”? Quan sát thấy con nào cánh cụp xuống, bàn chân tôi bấm đất, nhẹ nhàng, nín thở, từ từ tiến từ phía sau mới bắt được. Ngón tay cái và ngón nhẫn kẹp vào cái đuôi. Lúc ấy chuồn chuồn bừng tỉnh, cong đuôi lại, nhe hàm răng cắn nhưng chịu rồi. Dẫu quẫy đạp cũng trong tay tôi.
Bắt chuồn chuồn chẳng để làm gì. Thích thì bắt thôi. Bắt được thì cắt cánh, thả lên thềm nhà, hai anh em cùng xem. Chuồn chuồn nhảy lò cò như muốn chạy trốn. Trẻ con nhà quê, ngoài bắt chuồn chuồn, cào cào, hun chuột đồng, đánh khăng, đánh đáo... thì chẳng còn trò gì nữa.
Lớn lên chừng mươi, mười hai tuổi, tôi bắt chuồn chuồn lớn hơn. Hình như có có tên là chuồn chuồn đá, đầu cứng như đá? Loại chuồn chuồn này đậu trên cành tre và các cành cây khác. Để bắt được chuồn chuồn này, cầu kỳ lắm. Phải đến mùa cây mít ra quả, có nhựa mới bắt được. Bọn trẻ như tôi lấy dao cứa vào cuống quả mít, nhựa chảy ra, đông lại thì quấn vào đầu chiếc que. Có khi lấy nhựa lúc bố chặt quả mít xuống làm nhút. Nhựa mít nhiều khi phải cất dùng dần. Nếu bị cứng, có khi phải hơ vào lửa cho chảy mềm ra.
Ấy là khi nhìn thấy chuồn chuồn ngủ trên cành cây.
Tôi nối chiếc que vào cái sào dài hơn, rón rén tiến lại, nhẹ nhàng nâng cây sào lên, nheo nheo mắt đủ để làm sao châm chính xác nhựa mít dẻo quánh lên lưng con chuồn chuồn. Dính nhựa thì không giãy được.
“Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng cu Tí thò tay bắt chuồn” (ca dao). Biết vậy nhưng thằng “cu Tí” là tôi nhanh lắm, biết chính xác lúc nào chuồn chuồn ngủ. Lúc nào cần nhón chân, kiễng chân..
Ngày bé, tôi đã được nghe người lớn nói đến “máy bay chuồn chuồn”. Lớn lên được xem những bộ phim thời Đệ nhất chiến tranh thì đúng là có máy bay, y chang con chuồn chuồn, bay từng đàn như chuồn chuồn. Có thể hình ảnh con chuồn chuồn, loài côn trùng đáng yêu trong tự nhiên gợi ý cho con người sáng tạo máy bay phục vụ chiến tranh hồi đó chăng. Tôi chưa xem lịch sử hàng không thế giới nhưng bụng nghĩ, có thể thế.
Nhà thơ Phạm Hổ (1926 – 2007) là người sáng tác nhiều cho thiếu nhi. Trong bài “Chuồn chuồn” ông viết:
Chiếc máy bay bé tẹo
Nhìn kỹ thật đáng yêu
Cánh mỏng hơn cả lụa
Bay không một tiếng kêu
Máy bay này mình xanh
Máy bay kia mình đỏ
Bay thấp rồi bay cao
Sân bay: Một lá lúa.
Đọc bài thơ đáng yêu của ông, có thể nghĩ hai khía cạnh, chuồn chuồn như máy bay, một thi ảnh đẹp, nhưng ở khía cạnh khác có thể nghĩ từ chuồn chuồn con người nghĩ ra máy bay, chứ.
Chuồn chuồn là hình ảnh thân quen của cánh đồng, mảnh vườn quê, tuổi thơ của con người sinh ra ở quê. Có lẽ vì thế mà trong các bài thơ về quê hương, không ít nhà thơ dùng thi ảnh con chuồn chuồn. Chuồn chuồn thuộc vùng ký ức. Nhiều bài thơ, nhiều ca khúc viết về chuồn chuồn, không chỉ trong sáng tác cho thiếu nhi mà cả tuổi lớn. Chuồn chuồn không chỉ đi vào thơ văn, mà còn đi vào văn hóa tâm linh người Việt. Tôi chưa từng gặp chuồn chuồn bay vào nhà, nhưng với các nhà tâm linh, phong thủy, hiện tượng này nhiều ý nghĩa, ít người nghĩ đến.
Nghe nói mơ thấy chuồn chuồn bay trước mặt thì người mơ sắp thăng quan tiến chức. Thú vị hơn, nếu một người con gái nằm mơ thấy chuồn chuồn, tức là người ấy đang mong muốn sẽ tìm được một nửa kia của mình. Còn nếu là con trai mơ thấy thì báo hiệu rằng sắp gặp được ý trung nhân của mình vào một ngày không xa. Tôi chẳng có giấc mơ nào thế. Thảo nào khi lớn lên, tìm vợ khó khăn.
Bỗng dưng... một cánh chuồn chuồn
Lấy của tôi một nỗi buồn bay đi
Để cho hoa lá ùa về,
Để tôi lạc giữa bốn bề là tôi...
(Một cánh chuồn chuồn, thơ Nguyễn Vĩnh Tiến)
Đây là khổ đầu trong bài thơ dài “Một cánh chuồn chuồn” của nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến. Theo tôi đây là bài thơ hay, ám gợi. “Bỗng dưng - một cánh chuồn chuồn/Trao cho tôi: Một nỗi buồn trong veo...”. Hai câu kết bài thơ thật lắng. Đơn giản, bởi “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trẻ lại” (Mong ước kỷ niệm xưa, Nguyễn Xuân Phương). Làm sao trẻ lại, làm sao quay lại? Vì thế mà “Trao cho tôi: Một nỗi buồn trong veo”.
Chuồn chuồn ơi?/.