Lại nói, O Kén không chỉ là tấm gương thành đạt thành danh cho cả làng, mà còn là một tấm gương hiếu thảo hiếm có. Tuy là phận gái nhưng từ ngày Mệ Lụa qua đời, chưa dịp giỗ chạp nào O Kén vắng mặt. Nghe nói có năm ngày giỗ của Mệ Lụa trùng dịp tỉnh tổ chức đại hội rất quan trọng mà O Kén lại đang trong diện cơ cấu vào Ban lãnh đạo khóa mới, rứa mà O vẫn thu xếp về giỗ Mạ xong còn kịp quay vô Huế dự phiên bầu bán.
Năm 1989, tỉnh Bình trị Thiên chia tách, đa số cán bộ dân Quảng Bình đều lục tục kéo nhau ra Đồng Hới hân hoan tái lập tỉnh nhà, riêng O Kén vẫn kiên quyết bám trụ cố đô sông Hương núi Ngự. Những năm sau này O nghỉ hưu, con cái đều phương trưởng, mỗi dịp giỗ Mệ Lụa là cả nhà O đánh ô tô con về rất hiển hách, mua sắm đồ mặn ngọt không thiếu thứ chi, khiến ông ông anh cả cựu chiến binh lẫm liệt vạch sao, trở thành chân… sai vặt và ăn theo nói leo.
Năm ngoái, giỗ Mệ Lụa nhằm dịp cao điểm dịch Vũ Hán, chỉ mình O Kén cùng đứa cháu nội là nữ sinh năm cuối Đại học Huế về quê. Giỗ xong, bà cháu chuẩn bị hồi kinh thì con bé có biểu hiện khó thở, sốt cao. Hai lần Bệnh viện Đồng Lê và Bệnh viện Ba Đồn xét nghiệm đều âm tính với dịch Vũ Hán, nhưng bệnh tình con bé vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Có bệnh thì vái tứ phương, cuối cùng O Kén cũng đồng ý cho người phi xe máy đang đêm ngược đường 12A lên gần Cha Lo mời ông thầy cúng Tỏng Nguôn về mần Đông - Tây y kết hợp.
Ông thầy cúng Tỏng Nguôn này, tôi được nghe danh từ gần 40 năm trước. Năm đó có đoàn Đại biểu Quốc hội, do Đại tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước) dẫn đầu vào Quảng Bình kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc và miền núi. Tôi là phóng viên, người Tuyên Hóa – Quảng Bình, nên được Ban biên tập tòa soạn cử tháp tùng Đại tướng. Chuyến công tác này tôi đã kể khá tỉ mỉ trong bút ký “Đi tàu chợ cùng Đại tướng” được đăng báo và in sách hẳn hoi, nhưng có một chuyện mà tôi chưa kể. Ấy là cái hôm làm việc với lãnh đạo huyện miền núi Minh Hóa, đồng chí Đinh Minh Thử, Bí thư huyện ủy, báo cáo với Quốc hội là huyện nhà miền núi khó khăn, văn hóa, dân trí còn thấp, nhiều tập tục lạc hậu chưa bị xóa bỏ, nhiều trường hợp đau ốm bà con không chịu đến Trạm xá Quân Dân y chữa trị mà lại ở nhà mời thầy cúng đến đuổi ma. Thậm chí, nhiều người hiếm muộn con cái cũng mời thầy cúng…
Đại tướng Nguyễn Quyết hỏi: Thế thầy cúng chữa rồi họ có con không? Bí thư huyện thành thật: Báo cáo bác, vì nhiều trường hợp thầy cúng xong rồi vợ chồng có con nên dân làng càng tin ạ! Đại tướng lại cười cười, hỏi: Thế thầy cúng chữa gián tiếp hay trực tiếp? Lần đầu tiên tôi được nghe đồng chí Đại tướng kính mến nói đùa vui hài hước. Thế nhưng đồng chí Bí thư huyện ủy lại không nắm được cái tinh thần humour ấy nên vẫn trả lời rất nghiêm chỉnh, rằng là chúng tôi sẽ tiến hành điều tra kết luận và báo cáo Đại tướng sau ạ…
Là tên phóng viên "ma xó", nên ngay hôm đó tôi mở cuộc điều tra và được biết, cái ông thầy cúng nổi tiếng ấy tên là Tỏng Nguôn, ở bản gì mãi tận Cổng Trời, cách Cha Lo chỉ hơn chục cây số. Ông này là người Kinh, thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc vùng Hạ Bạn. Hồi những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, ông cùng người anh cả được đoàn thể tổ chức cho sang học tập lý luận cách mạng và xây dựng cơ sở trong đồng bào Việt Kiều ở Thái Lan.
Giữa thập niên 50, hai anh em ông được đoàn thể tổ chức cho về nước hoạt động, nhưng vừa về đến thượng nguồn sông Gianh thì được tin các đồng chí về đợt trước đều bị qui là Quốc dân đảng, người bị tù đày người bị xử tử rất thảm thương. Hoảng quá, hai anh em quyết mai danh ẩn tích. Người anh lẩn xuống vùng Ba Đồn, lấy tên là Tỏng Chủ, hành nghề thầy cúng nhưng không thuộc bài phải đọc theo sách nên dần dần vắng khách, phải chuyển sang nghề bốc thuốc vốn học được từ bà con Việt kiều ở Thái Lan. Người em ở lại vùng núi Minh Hóa, lấy tên là Tỏng Nguôn, sống lẫn với đồng bào các dân tộc dưới chân dãy Giăng Màn, làm nghề thầy cúng được bà con rất sùng bái…
Quả là danh bất hư truyền, bữa đó thầy cúng Tỏng Nguôn vừa sì sụp khấn vái được vài câu thì bỗng nhiên con bé đang ốm bật cười khanh khách rồi vùng khỏi giường bệnh, nhảy ba bước đến trước bàn thờ, ngồi thế kiết thiền xoay mặt ra sân, hét lớn:
- Tụi bay quỳ xuống nghe ta hỏi!
O Kén mặt xanh như đít nhái, chân tay lẩy bẩy, miệng lắp bắp: Bây ơi Mệ về… bây ơi Mệ về… Cả nhà cũng lẩy bẩy lắp bắp Mệ về… Mệ về… Mự Ngụ sang ngồi hóng chuyện từ đầu hôm cũng lồm cồm bò đến trước hương án, mồm cũng lắp bắp, Bây ơi Mệ về… Bây ơi Mệ về…
Con bé, tức là Mệ Lụa hiển linh, rút một cây hương trỏ vào mặt O Kén: Con tê, tau rứt rọt đẻ mi ra, nuôi mi bằng nghề chăn tằm kéo tơ, răng mi lại giết cả nong tằm của tau bằng thuốc trừ sâu Đê Đê Tê Sáu Trăm Sáu Sáu?
O Kén chợt khóc òa như chum nước bị bể, chắp tay vái lia lịa như tế sao: "Hu hu Mạ ơi Mạ ơi… mấy chục năm ni con đau đớn tâm can dằn vặt không nguôi. Tình ngay lý gian. Hu hu…". Cả nhà ngơ ngác nỏ hiểu đầu cua tai nheo như răng. Mự Ngụ cũng ngơ ngác không kém, cứ lắp bắp hỏi: Tình ngay cái chi? Lý gian cái chi?
O Kén càng kêu gào thảm thiết, vừa khóc vừa kể, thanh minh thanh nga, rằng là con chỉ rắc một nhúm Đê Đê Tê Sáu Trăm Sáu Sáu để giết nong tằm, để Mạ không mần ăn cá thể, để hồ sơ kết nạp của con không có vết đen… Mọi người như vỡ òa cùng bí mật cái chết đột ngột của nong tằm Mệ Lụa hơn nửa thế kỷ trước. Lạ kỳ thay, liền lúc ấy con bé cũng… xuống đồng, với chiếc khăn lau mồ hôi đầm đìa, lộ ra khuôn mặt nữ sinh xứ Huế xinh tươi hồn nhiên như chưa hề có chuyện chi. Thầy cúng Tỏng Nguôn thu xếp đồ lề, mồm lẩm nhẩm nhắc đi nhắc lại: "Mệ tha rồi nha… Mệ tha rồi nha…".
Cả nhà như vừa trút được gánh nặng. Mự Ngụ phủi khu đứng lên, quày quả bước ra sân, vừa đi vừa lẩm bẩm: "Mệ tha nhưng tằm nỏ tha… Mệ tha nhưng tằm nỏ tha… Chờ đó!" O Kén lại vã mồ hôi khi nghe Mự Ngụ nói rứa…