Aa

Bằng và…cấp

Thứ Tư, 11/07/2018 - 06:00

Cứ tưởng chỉ là chuyện kể tào lao để đùa cho vui. Nào ngờ cách “đầu tư” ấy hiệu quả thật ông ạ, hơn cả mong muốn của tôi và ông. Số là sau đó tôi đem chuyện “tư vấn đầu tư” ấy kể lại cho một đồng nghiệp của tôi. Hắn im ỉm không nói gì mà lẳng lặng áp dụng. Chỉ chưa đến 10 năm, hắn thành công mỹ mãn, nếu chỉ xét ở khía cạnh thu hồi vốn!

Nhân có người vừa phát biểu rằng, không ít cán bộ của chúng ta có cả mớ bằng cấp trong người nhưng chẳng làm được việc gì ra hồn, tôi xin kể một chuyện hoàn toàn có thật. Chuyện của bạn tôi.

Sau hàng chục năm bóp mồm, bóp miệng, cuối cùng anh cũng dành ra được ít tiền. Với người sống bằng nghề chữ nghĩa như anh thì tiết kiệm được vài trăm triệu đồng là nhiều lắm rồi. Vì thế sử dụng nó thế nào luôn khiến bạn tôi băn khoăn. Các cụ bảo: “Tiền phải biết chửa, biết đẻ, mới là tiền”.

Nhưng loay hoay mãi, rốt cuộc anh vẫn chưa biết tìm phương án nào. Vợ anh hiến kế hay là tích vàng rồi chờ thêm một cơn sốt nữa? Chờ đến bao giờ? Anh nẫu cả ruột gan mà không quyết được bèn rước một anh bạn thân khá rành rọt các quy luật kinh tế, quy luật tiền tệ, thị trường nhà đất... đề nghị anh ta tư vấn giúp.

Nghe anh trình bày, nhà tư vấn tỏ vẻ rất thông cảm, đồng cảm với loại người cả đời chắt bóp, ki cóp như anh. Nhưng đáp lại điều anh đang cần chỉ là một câu hỏi:

 - Ông nhiều chữ nghĩa, giải thích giúp tôi từ đầu tư?

Anh bạn tôi đọc làu làu định nghĩa cóp được trong một cuốn từ điển mà diễn giải ra thì nó là thế này: “Một số vốn nào đó được bỏ ra, thông qua hoạt động mua bán, sản xuất kinh doanh nào đó sao cho vốn ban đầu sản sinh ra lợi nhuận (ấy là tính trong trường hợp có lãi)”. Nghe xong, anh bạn chuyên gia tài chính bảo tiếp:

- Nếu anh đã thuộc sách thế thì vấn đề còn lại tôi tưởng quá đơn giản. Chỉ là làm sao chọn được hình thức đầu tư nào cho lãi cao nhất nữa thôi.

- Đấy chính là điều tôi cần ở anh.     

Và bạn tôi bèn kể ra gần chục dự định. Nghe xong anh bạn chuyên gia tài chính lắc đầu quầy quậy:

- Các phương án ấy người ta hớt váng hết rồi.

Thấy bạn tôi hoang mang, anh bạn chuyên gia tài chính đành nói trắng phớ ra:

- Ông đang là cử nhân, sao không hùn vốn mua lấy một cái tiến sĩ?

- Mua bằng tiến sĩ, anh đùa tôi đấy à. Tôi đang nói chuyện “đầu tư” cơ mà.

- Thì tôi đang bảo để anh đầu tư siêu lợi nhuận đó thôi. Anh bỏ ra một vài trăm triệu đồng, học qua loa để có cái... tiến sĩ - Đặc thù ở ta đấy bố ạ! Bấy giờ anh sẽ được đề bạt, cất nhắc, làm chủ dự án, chủ đề tài, tham gia hội thảo, tham luận, phản biện, chấm luận án, giảng bài v.v... Rồi cứ theo đúng cái cách anh bị “chém” mà “chém” lại. Một vốn anh có thể thu bốn mươi lời, lại còn danh tiếng là thứ không lợi nhuận nào sánh được.

Bạn tôi nghe xong ngồi thừ mặt ra. Anh bảo đúng là không còn hở chỗ nào để cãi, nếu quả thực chỉ muốn đầu tư thu lợi.

Bạn tôi kể tiếp: Cứ tưởng chỉ là chuyện kể tào lao để đùa cho vui. Nào ngờ cách “đầu tư” ấy hiệu quả thật ông ạ, hơn cả mong muốn của tôi và ông. Số là sau đó tôi đem chuyện “tư vấn đầu tư” ấy kể lại cho một đồng nghiệp của tôi. Hắn im ỉm không nói gì mà lẳng lặng áp dụng. Chỉ chưa đến 10 năm, hắn thành công mỹ mãn, nếu chỉ xét ở khía cạnh thu hồi vốn! Ông biết không, giờ hắn là tiến sỹ và mặc nhiên được ghi tên mình vào đội ngũ chuyên gia văn hóa! Hắn làm chủ các đề tài bỏ ngăn kéo, loại ấy hóa ra nhiều như quân Nguyên. Ngoài ra, hắn có mặt ở bất cứ cuộc hội họp nào gắn với văn hóa, học vấn, chiến lược phát triển, tầm nhìn, thế giới phẳng, tư vấn dự án, tham gia đề tài xây dựng đội ngũ, thậm chí mới đây tôi còn thấy hắn tự tin tham luận về cải cách thể chế để bắt kịp thời đại 4.0.

Ngừng một lát bạn tôi chán nản bảo:

- Bây giờ bằng không đi với…cấp ông ạ. Là tiến sỹ nhưng hắn chả khá hơn tí nào, vì có thực học đâu. Hắn làm rất nhiều việc, dựa theo cái bằng ấy, hưởng đủ bổng lộc, nhưng chẳng việc gì ra hồn.

Hóa ra lo lắng của vị lãnh đạo nào đó không phải do nóng quá hóa bức xúc mà…bịa ra.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top