Lâu nay, mỗi khi nói đến ô nhiễm môi trường, lập tức người ta hiểu là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do rác thải, cháy rừng, khói nhà máy, bụi công nghiệp v.v... làm cho những thứ xung quanh con người không còn trong lành nữa. Vì thế, để chống ô nhiễm môi trường, người ta chú trọng tới việc thu gom rác thải, phế liệu, trồng lại rừng, cắt giảm hoặc dùng thiết bị để lọc khói nhà máy, khói các phương tiện giao thông xả ra, hạn chế dùng thiết bị có khí làm hại tầng ô-zôn v.v...
Với mỗi cá nhân, tuỳ theo nhận thức, tùy vào hoàn cảnh mà mỗi người có cách riêng loại bớt nguy hiểm của ô nhiễm môi trường cho mình và gia đình, như đeo kính, mang khẩu trang, cố gắng dùng nước máy thay cho nước giếng...
Trong đủ các loại văn bản liên quan đến cải thiện môi trường, từ luật quốc gia, đến các nghị định, đều toát lên tinh thần phấn đấu để người dân có nguồn nước và nguồn khí sạch. Về mỗi khu phố, khóm, phường... lại có các nội quy cụ thể cho việc đổ rác, nước thải, khói bếp than. Ai vi phạm đều bị phạt.
Nhưng hình như không, hoặc chưa ai, chưa ở đâu nói đến loại ô nhiễm không kém phần nguy hại, ấy là ô nhiễm mắt.
Xét đến cùng, với mỗi loại bẩn thông thường ghi ở trên đều có cách để làm sạch: Bẩn tay thì rửa, bẩn không khí thì đeo khẩu trang, nhiều bụi sợ hại mắt đã có kính, bẩn nước cũng đã có cách lọc.
Chỉ bẩn mắt là chưa có cách làm sạch.
Bởi vì cái cách hữu hiệu duy nhất là nhắm tịt lại, đừng nhìn nữa mỗi khi có việc phai ra ngoài đường.
Thế mà tình trạng ô nhiễm mắt tại các thành phố, thị xã, khu đô thị lại là thứ ô nhiễm đang gia tăng vào loại khủng khiếp nhất qua từng ngày, từng tháng. Nó gia tăng vì hai lý do: Không gặp bất cứ sự ngăn chặn nào và thứ hai: xem ra không đến mức chết người như các ô nhiễm khác.
Giả sử nhìn bằng con mắt của người nước ngoài khi đến Hà Nội, bộ mặt văn hoá của quốc gia, sĩ diện của cả nước, thì chắc chắn vấn đề sẽ khác. Họ không hiểu tại sao dân An Nam lại thích bôi bẩn đến thế? Bất cứ chỗ nào có thể viết được, là họ dùng vôi, than, gạch non, đất bùn, đầu que sắt nhọn... viết nguệch ngoạc lên. Chỗ nào và ở đâu, hễ có khoảng tường hở ra là bị dán đủ loại tờ quảng cáo. Vì thế mọi nơi, mọi lúc đều dầy đặc số, dày đặc chữ, dày đặc áp phích... Thật may là rất ít người trong số họ hiểu nội dung của những dòng quảng cáo ấy. Bởi nếu không họ sẽ tưởng đang lạc vào một thành phố toàn trẻ con đang học viết i- tờ. Sự bẩn mắt ấy chắc chắn khiến tâm tính con người thay đổi theo hướng tiêu cực, chẳng hạn dễ cáu bẳn, dễ nổi khùng hơn.
Đấy là về mặt văn hóa, còn về khía cạnh y tế và an toàn giao thông, những tác động xấu rõ ràng không còn là giả thiết nữa.
Nguy hại và mất mỹ quan là vậy, nhưng xem ra việc tìm cách “làm sạch mắt” không mấy được quan tâm. Thỉnh thoảng cũng rộ lên vài đợt huy động lực lượng đi xóa quảng cáo mang tính phong trào, nhưng vì chủ yếu để diễn nên chỉ vài hôm là đâu lại vào đó.
Có người nghĩ sâu xa bảo: Cái giống cha chung nó thường vậy.
Mới hỏi: Thế nghĩa là làm sao?
Đáp: Bởi vì quản lý quảng cáo thuộc ngành văn hoá, còn sạch hay bẩn, hay không sạch không bẩn... thuộc nghành môi trường. Đằng này - tức những quảng cáo trên tường kia - vừa văn hoá, vừa môi trường, thành ra ông nọ dựa ông kia. Chả cứ gì Hà Nội, các thành phố, thị xã khác đều thế cả.
Lại có ý kiến cho rằng, bây giờ muốn làm sạch mắt phải chi vào đó rất nhiều tỉ đồng và biết giải trình thế nào? Chả lẽ lại ghi là: Chi cho việc chống ô nhiễm mắt? Ai nghe?
Xin nêu ý kiến và bỏ ngỏ câu trả lời cho các nhà quản lý đô thị? Chỉ lưu ý là vấn đề cũng cấp bách lắm rồi.