Đại biểu Quốc hội: Nhà ở xã hội nên điều chỉnh theo hướng tăng cho thuê
Theo đại biểu Quốc hội, việc áp dụng hình thức nhà ở xã hội tăng tỷ lệ cho thuê sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp.
Sáng ngày 19/6, thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đánh giá chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật này. Tuy vậy, chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nêu hai vấn đề vướng mắc chính trong dự thảo luật:
Vướng mắc thứ nhất là chính sách và điều khoản trong dự thảo Luật dường như đang hướng tới mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội; song thực tế người thu nhập thấp chủ yếu là công nhân, người mới đi làm có thu nhập thấp hơn mức trung bình trong khi nhà ở là tài sản quá lớn đối với đa số người thu nhập thấp.
Hệ quả người dân sẽ khai gian thu nhập, diện tích để hưởng lợi mua nhà ở xã hội với giá thấp hoặc người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua đầu cơ nhà ở xã hội.
Vướng mắc thứ hai là không tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành nhà ở xã hội; quá chú trọng ưu đãi dành cho bên cung - tức là chủ đầu tư hơn là bên cầu - tức là những người có thu nhập thấp.
“Các chủ đầu tư được ưu đãi vốn, lãi suất thấp, thời gian vay dài, được miễn giảm thuế đất đai, còn người mua nhà được nhận ưu đãi lớn nhất là mức giá nhà thấp. Giá thấp dẫn đến các hệ quả như đã nêu trên”, ông Hiển phân tích.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản tỉnh “nép mình”
Nhu cầu tiếp tục suy giảm buộc nhà đầu tư bất động sản phải rút về các thị trường truyền thống để “bảo toàn lực lượng”, nên thị trường tỉnh lẻ phải “nép mình” theo.
Báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn đến tháng 4/2023 cho thấy, mức độ quan tâm ở hầu hết thị trường bất động sản tỉnh đều suy giảm từ 2 - 12%. Trong đó, nhiều địa phương ghi nhận sự sụt giảm mạnh như Long An (-12%), Bình Dương (-9%), Đồng Nai (-8%), Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu (-7%)... Tính cả 4 tháng đầu năm, mức độ quan tâm toàn thị trường suy giảm tới 26%.
Mức độ quan tâm giảm tại các thị trường tỉnh được cho là phần nào xuất phát từ tâm lý “chờ đáy” của nhà đầu tư. Một khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, có tới 43% người có nhu cầu mua ở thực có tâm lý chờ bất động sản tiếp tục giảm giá.
Ở một khía cạnh khác, 49% nhà môi giới đánh giá, chung cư bán/cho thuê là loại hình bất động sản tiềm năng nhất trong năm 2023. Điều này lý giải phần nào nguyên nhân nhà đầu tư đang quay trở lại nhiều hơn với các thị trường lõi, thay vì “đánh bắt xa bờ” như trước đây.
Riêng với phân khúc nhà ở thực, theo Savills Việt Nam, bối cảnh nguồn cung căn hộ sơ cấp hạn chế, thị trường thứ cấp đang được người mua nhà với nhu cầu ở thực cân nhắc như một lựa chọn thay thế phù hợp. Với thị trường thứ cấp, các đô thị lõi, đô thị trung tâm như Hà Nội, TP.HCM luôn được xem là những thị trường trọng điểm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Kinh nghiệm “xương máu” khi nhận bàn giao nhà chung cư
Nhận bàn giao nhà đúng thời hạn là mong muốn của mọi khách hàng, nhưng chưa đủ; điều quan trọng hơn nằm ở chất lượng vận hành dự án. Nhưng làm sao để nhận diện được dự án chất lượng và chủ đầu tư có trách nhiệm?
Chuẩn bị được về căn hộ, tổ ấm của mình là niềm vui đối với nhiều người, đặc biệt là những người lần đầu mua căn hộ chung cư, tuy nhiên, cũng không khỏi lúng túng và mắc phải những thiếu sót để lại những hậu quả về sau khi tới nhận bàn giao nhà cùng chủ đầu tư. Cửa sổ bất động sản ngày hôm nay có cuộc trao đổi với chuyên gia Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, về những vấn đề khách hàng cần lưu ý khi nhận bàn giao nhà.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình vấn đề đại biểu quan tâm, nhất là vấn đề sở hữu chung cư.
Giải trình trước Quốc hội sáng ngày 19/6, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết cơ quan này đã bỏ quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Bộ trưởng thừa nhận đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án, một là sở hữu có thời hạn, hai là không.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Chính phủ thống nhất chọn phương án không quy định thời hạn sở hữu như trong dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại. Song song với đó, dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế.
Thảo luận trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình phương án sở hữu chung cư dài hạn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn. Bên cạnh đó, một nơi ở dài hạn qua nhiều thế hệ có ý nghĩa lớn với các gia đình, củng cố quan hệ và tinh thần của gia đình, có thể làm nên hồn cốt văn hóa đô thị.
"Cần duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn. Về vấn đề đảm bảo an toàn, đại biểu cho rằng cần quy định rõ, với chung cư sở hữu dài hạn, cần tuân thủ các quy chuẩn về an toàn, an ninh", đại biểu đề xuất và dẫn chứng ở Singapore, khi thời hạn an toàn không bảo đảm nữa, các công ty bất động sản sẽ thương thảo với người dân mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phía sau làn sóng rao bán nhà đất siêu hiếm giá hàng trăm tỷ ở Hà Nội
Nhiều nhà đất hàng trăm tỷ đồng tại Hà Nội được rao bán rầm rộ giữa lúc thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng.
Thời gian qua, bất động sản Hà Nội xôn xao với thông tin rao bán 5 căn biệt thự 4 tầng mặt phố Quảng An, Tây Hồ, diện tích 1.263m2, với tổng giá trị 660 tỷ đồng.
Đặc biệt, môi giới nhấn mạnh, đây là lô đẹp nhất của khu phố Quảng An, rất hiếm có người bán. Hơn nữa các căn biệt thự nằm ngay cạnh nhà “bầu Kiên" (ông Nguyễn Đức Kiên).
Cũng tại phố Quảng An, mới đây, một môi giới đăng bán nhà "siêu khủng, đẳng cấp thượng lưu, 1.270m2, giá chỉ 600 tỷ đồng”.
Để gây sự chú ý, môi giới nhấn mạnh, đây là bất động sản “cực hiếm” với sổ đỏ chính chủ, toàn bộ là đất ở, sử dụng lâu dài…
Ghi nhận thời gian qua, những sản phẩm bất động sản được rao lên tới vài trăm tỷ đồng xuất hiện rất nhiều không chỉ ở khu vực phố cổ nơi được biết đến với vị trí “kim cương” ở Hà Nội mà còn ở nhiều tuyến phố lớn.
Như tòa nhà 9 tầng mặt phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa) với diện tích 528m2 với giá 485 tỷ đồng; tòa nhà phố Thái Hà (Đống Đa) với diện tích 1.869m2 rao bán 518 tỷ đồng; nhà mặt phố Xã Đàn (Đống Đa) với diện tích 183m2 bán 118 tỷ đồng...