Cò đất náo loạn vùng ven TP.HCM
Cò đất giới thiệu những mảnh đất lúa, đất nông nghiệp và hứa bao lên thổ cư, hứa phân lô ở Hóc Môn, Củ Chi.
Trước thông tin và lời hứa đầu tư của các doanh nghiệp tại hai huyện Hóc Môn, Củ Chi thì giá đất ở hai huyện này tăng dựng đứng, trung bình khoảng 30 - 50% chủ yếu do cò đất thổi giá, vẽ bức tranh màu hồng cho người mua như bao chuyển đất lúa thành đất thổ cư, phân lô đất vườn, thậm chí bao xây dựng trong các khu đất đã có quy hoạch...
Các cò còn liên kết diễn việc mua - bán để đưa người mua vào bẫy, làm méo mó thị trường bất động sản ở khu vực này.
Chiều 8/5, sau khi tìm hiểu thị trường buôn bán bất động sản và “đánh tiếng” với một cò đất tên T. ở huyện Củ Chi và người này thông tin là có nhiều đất lúa, đất nông nghiệp chưa có thổ cư nhưng đảm bảo sẽ lên được thổ cư. Ông T. hẹn gặp chúng tôi ở ngôi nhà mặt tiền đồng thời là quán cà phê trên đường Sông Lu (xã Trung An, huyện Củ Chi) để cùng đi xem đất.
Sau khi gặp mặt, người này dẫn chúng tôi vòng vèo vào một con đường đất đầy ổ voi, ổ gà chừng 2m, xung quanh um tùm cây cối. Mảnh đất nằm cuối con hẻm mà ông T. giới thiệu có diện tích 800m2 ở ấp An Hòa, xã Trung An.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà nhỏ nội đô Hà Nội có xu hướng tăng giá
Trong xu hướng tăng giá bất động sản, nhà diện tích nhỏ trong các ngõ, ngách sâu ở nội đô Hà Nội cũng bị đẩy giá “chóng mặt”.
Nhà đất thổ cư luôn được coi là phân khúc cạnh tranh mạnh với chung cư khi nhu cầu tìm kiếm nhà ở của người dân Hà Nội tăng cao, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm. Điều này dẫn đến chênh lệch cung – cầu trên thị trường, khiến giá thành các bất động sản tăng nhanh qua từng năm.
Chỉ riêng từ đầu năm 2022 tới nay, giá nhà ở các phân khúc tại Hà Nội đã tăng lên tới 30%, thậm chí kể cả những nơi xa trung tâm cũng tăng giá đến vài chục triệu đồng mỗi m2.
Đơn cử, tại khu vực Minh Khai (Hai Bà Trưng), một căn nhà có diện tích 30m2, đã xây dựng 5 tầng, nằm ở mặt ngõ sâu cách ô tô dừng khoảng vài phút đi bộ, thời điểm cuối năm 2021 có giá khoảng 3,2 - 3,5 tỷ đồng thì nay được rao bán tới gần 4 tỷ đồng.
Theo khảo sát của phóng viên, nhà trong các ngõ, ngách khu vực Đống Đa cũng đồng loạt tăng giá cao chênh lệch so với năm ngoái khoảng từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng. Chị Thanh Thủy (Hà Nội) cho biết: “Tôi tìm nhà ở tại khu vực Đống Đa 5 tháng nay rồi mà chưa chốt được nhà nào, diện tích từ 30 - 40m2 xây 4 tầng đã cũ đều báo giá từ 3,5 - 5 tỷ đồng. Với những nhà được xây mới cùng diện tích này thì giá sẽ đội thêm khoảng 500 triệu, quá sức mua của gia đình tôi nhiều lắm rồi".
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thuế không phải giải pháp quyết định giảm giá bất động sản
Tình trạng sốt đất hiện nay khiến việc xem xét thu thuế bất động sản lại được đưa vào tầm ngắm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là giải pháp mấu chốt.
Đầu tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật Thuế tài sản để trình Quốc hội. Trong đó, đề xuất phương án áp dụng mức thuế tài sản chung (gồm cả đất và nhà) với tỷ lệ 0,3% nếu xác định ngưỡng nhà không chịu thuế dưới 1 tỷ đồng hoặc áp dụng tỷ lệ 0,4% nếu ngưỡng nhà không chịu thuế là 700 triệu đồng. Phương án này được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng và dự kiến mang về cho ngân sách khoảng 31.000 tỷ đồng.
Bên cạnh sự ủng hộ, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần xem xét thận trọng việc đánh thuế nhà đất bởi lo ngại nếu “miễn cưỡng” đánh thuế sẽ khiến giá nhà đất tăng thêm, từ đó người nghèo càng gặp khó khi tiếp cận nhà ở. Hơn thế, nếu chỉ giải quyết vấn đề thuế thì đây vẫn chưa phải là “bài thuốc” trị được tận gốc sốt bất động sản hiện nay.
Chia sẻ về câu chuyện này, tại toạ đàm “Thị trường Bất động sản sẽ tác động ra sao trước việc đánh thuế, siết tín dụng”, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo, Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM cho biết, phát triển bền vững là yếu tố căn cơ để đưa ra mức thuế của bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
3 yếu tố lạc quan về thị trường bất động sản trong quý II/2022
Những chính sách mới giúp ổn định thị trường, bất động sản công nghiệp tiếp đà tăng trưởng, phân khúc bất động sản văn phòng thêm phần sôi động là những yếu tố lạc quan về thị trường bất động sản trong quý II/2022.
Nhận định về tình hình thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông David Jackson – Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, cùng với đà hồi phục chung của nền kinh tế, có nhiều yếu tố khiến chúng ta tiếp tục lạc quan về thị trường.
Về mặt chính sách, việc các cơ quan chức năng có những quyết sách cụ thể tiếp theo ra sao với việc siết tín dụng bất động sản sẽ có tác động quan trọng bậc nhất với những diễn biến của phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và bất động sản nghỉ dưỡng. Các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn “chảy” nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết. Những chính sách như vậy sẽ từng bước khiến cho thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế nói chung phát triển ổn định và bền vững hơn.
Việc đảm bảo sự cân bằng giữa việc duy trì sự năng động của thị trường bất động sản, ngăn chặn nguy cơ hình thành “bong bóng” và đáp ứng nhu cầu thực có ý nghĩa lớn trong việc ổn định thị trường vĩ mô để tiếp tục hướng đến các mục tiêu chung cho toàn xã hội.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Khó chấp nhận những dự án “quây tôn”
Vấn đề dự án “treo” gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân sinh,.. lại một lần nữa làm nóng “nghị trường” tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội vừa qua.
Giải pháp nào để triệt tiêu những dự án quây tôn, bên trong đất hoang hóa để cỏ mọc? Điều này chắc hẳn không thể bằng các kiến nghị mà cần có chế tài, quyết sách mạnh.
Mới đây nhất, tại buổi tiếp xúc cử tri thuộc Đơn vị bầu cử số 3, đại diện cử tri quận Cầu Giấy đã rất bức xúc và đề nghị TP cho thu hồi hoặc chuyển đổi cho các chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện các dự án đã được GPMB từ 10 - 20 năm, chưa triển khai, chỉ quây tôn giữ đất để cỏ mọc, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Thực ra, việc tồn tại dự án “quây tôn” để đấy nhiều năm không chỉ xuất hiện tại quận Cầu Giấy mà rất nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP. Theo báo cáo của Sở TN&MT, toàn TP Hà Nội có hơn 400 dự án thuộc diện chậm tiến độ, bỏ hoang. Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất, gồm: Hoài Đức (51), Mê Linh (47), Nam Từ Liêm (48), Hoàng Mai (25)…