Aa

Bất động sản 24h: Nhà ở xã hội “tiền tỷ” đánh đố công nhân?

Chủ Nhật, 15/05/2022 - 09:50

Nhà ở xã hội “tiền tỷ” đánh đố công nhân; Doanh nghiệp địa ốc xoay xở thời siết vốn... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Nhà ở xã hội “tiền tỷ” đánh đố công nhân

Nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM đang cải thiện dần mang đến tin vui, thế nhưng mức giá 20-25 triệu/1m2, khoảng 1 - 1,6 tỷ đồng/căn lại là thách thức với đa số lao động phổ thông nói chung, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp nói riêng.

Gần 1.300 căn hộ là số lượng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân vừa được TP.HCM đốc thúc triển khai từ cuối tháng 4/2022, bao gồm dự án nhà ở xã hội nằm trong Khu nhà ở phường Long Trường, TP. Thủ Đức với gần 600 căn (3 block); dự án nhà ở xã hội tại Khu nhà ở Nguyên Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh với 242 căn (1 block) và dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II, TP. Thủ Đức với quy mô 360 căn (1 block).

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 10 dự án nhà ở xã hội, 2 dự án nhà lưu trú công nhân, tổng quy mô 11.000 căn hộ trong năm 2022. Trong đó, có 4 dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp thực hiện quy mô trên 3.300 căn, 6 dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại với gần 6.000 căn thuộc các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7 và TP. Thủ Đức.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp địa ốc xoay xở thời siết vốn

Dù thị trường trái phiếu, tín dụng đang bị siết chặt, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc không tỏ ra bất ngờ, thậm chí cho rằng, việc này sẽ giúp thị trường sớm đi vào khuôn khổ.

Những vụ việc lùm xùm liên quan đến trái phiếu bất động sản thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhiều thành viên trên thị trường, nhưng cũng chính trong “mảng tối” đó, lộ ra một số điểm sáng tích cực, khi vẫn có doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước và trái phiếu quốc tế thành công.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long rất tự tin là doanh nghiệp bất động sản huy động trái phiếu minh bạch, rõ ràng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí cho các khoản vay trái phiếu, kể cả của những tổ chức rất khó huy động, như việc Công ty Tài chính quốc tế (IFC) công bố rót 44 triệu USD để phát triển Dự án Waterpoint giai đoạn II cách đây 1 tháng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

"Cuộc trở lại" với phân khúc nhà ở xã hội của các doanh nghiệp bất động sản

Thị trường nhà ở xã hội đang chứng kiến một tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp công bố chiến lược tham gia phân khúc này. Đơn cử như trong đại hội cổ đông thường niên của Vinhomes mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… trong đó, ưu tiên trước khu vực lân cận TP.HCM và Hà Nội.

Theo đó, các dự án nhà ở xã hội của Vinhomes sẽ mang thương hiệu Happy Home, quy mô mỗi dự án từ 50 - 60ha. Những dự án này nằm tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của Vinhomes. Dự kiến giá bán căn hộ Happy Home sẽ dao động từ 300 - 950 triệu đồng mỗi căn.

Vinhomes hứa hẹn sẽ giúp “nâng tầm” nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích trong các dự án Happy Home như: Công viên, khu vui chơi trẻ em, sân chơi thể thao…

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nếu thị trường trái phiếu bị “phanh gấp”, thị trường bất động sản sẽ sốc

Từ cuối năm 2018 tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản bắt đầu giảm, nguồn vốn trung và dài hạn bị cắt giảm từ 60% xuống 40%, dẫn đến sự “chững” lại của thị trường bất động sản. Cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó cảnh báo một số tổ chức tín dụng có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro gắn với xu hướng tăng nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ tín dụng cấp cho kinh doanh bất động sản, hoặc mua trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành.

Để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện trong năm 2021. Vì vậy, trong năm 2021 và đầu năm 2022, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang chịu áp lực về vốn cả từ phía tín dụng ngân hàng, huy động qua trái phiếu doanh nghiệp và vốn tự có. Theo đó, vốn tín dụng và vốn huy động trên thị trường tài chính bị siết chặt quản lý, còn vốn tự có hẹp dần do cạn nguồn thu... Thời gian chịu tác động của đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nhất cho doanh nghiệp nào có nguồn vốn lớn, dồi dào sẽ có sức đề kháng tốt hơn so với các doanh nghiệp vốn ít, mỏng và khó huy động vốn. Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong hai năm vừa qua.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá trị mở bán mới của một số doanh nghiệp BĐS niêm yết sẽ đạt đỉnh trong 5 năm trở lại đây

Tại báo cáo triển vọng ngành quý II/2022, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra đánh giá khả quan đối với ngành bất động sản thương mại.

Theo BSC, phân khúc căn hộ cao cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường TP.HCM trong bối cảnh nguồn cung vẫn còn rất hạn chế giúp cho giá bán bình quân tiếp tục ghi kỷ lục mới. Nguồn cung toàn thị trường bất động sản của Hà Nội và TP.HCM trong quý I/2022 đạt lần lượt là 3.525 sản phẩm (giảm 20% so với cùng kỳ) và 884 sản phẩm (giảm 87% so với quý trước và giảm 48% so với cùng kỳ), đây đều là mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Riêng trong đó, 100% sản phẩm mở bán mới tại thị trường TP.HCM đều là nằm ở phân khúc cao cấp, từ đó khiến giá bán bình quân tại đây tiếp tục ghi nhận mức tăng 7,8% so với cùng kỳ, đạt 2.390USD/m2 với tỷ lệ hấp thụ bình quân ở mức cao 136%, bao gồm 5.975 căn hộ được ghi nhận giao dịch trong quý I/2022.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top