Aa

Bất động sản 24h: Doanh nghiệp bất động sản tìm cách vượt khó

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Chủ Nhật, 25/12/2022 - 10:29

Doanh nghiệp bất động sản tìm cách vượt khó; Savills: Hơn 30 thương hiệu mới sẽ gia nhập BĐS hàng hiệu Việt Nam... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Doanh nghiệp bất động sản tìm cách vượt khó

Tinh giản bộ máy nhân sự, hợp tác đầu tư dự án, chuyển đổi số là những xoay sở của doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để tồn tại và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Theo ông Châu, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Tại TP.HCM, một tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động.

Ông Nguyễn Quang Thành, phụ trách kinh doanh của một chủ đầu tư tại Hà Nội cho hay, trong 6 tháng, công ty cắt giảm hơn gần một nửa nhân sự, trong đó đa phần là nhân viên môi giới. Nguyên do vì hoạt động bán hàng đình trệ, doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. 

Theo ông Thành, biện pháp này mang tính ứng phó trong ngắn hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp thay đổi kế hoạch kinh doanh, trước mắt tập trung vào phân khúc cho thuê căn hộ và tìm kiếm các đối tác triển khai dự án. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: "Doanh nghiệp và người mua nhà đều không dễ vay được vốn"

Khi các ngân hàng được cấp thêm 1,5 - 2% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 240 nghìn tỷ đồng, số lượng người được vay chắc chắc tăng lên, nhưng không vì thế mà thủ tục vay được nới lỏng dễ dàng hơn.

Sau những chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan bộ ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và các thị trường. Đơn cử, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thành lập ngày 17/11, tiếp tục họp bàn với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp. Nhiều chuyên gia nhận định, tổ công tác đã được trao quyền quyết định, sẽ có tác động nhất định đến việc “gỡ rối” cho thị trường bất động sản. Song, việc quan trọng là cần xác định đúng điểm nóng phải tháo gỡ.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP. Invest), Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, giữa tháng 12, một số đại diện doanh nghiệp bất động sản lại tiếp tục họp cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn hiệu quả trong nền kinh tế

Để có nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản cần xem xét kỹ và thực hiện các điều kiện để có thể tiếp tục phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Những năm gần đây, trái phiếu đang dần trở thành một kênh huy động vốn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành cuối năm 2021 đạt khoảng 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021). Theo đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh, từ 4,9% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP vào năm 2021.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỷ đồng (tăng 66,3% so với năm 2020) và chiếm 44% tổng lượng phát hành năm 2021. Kế đến, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.400 tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng phát hành và tăng 73% so với năm 2020 (một phần do nhu cầu cần nguồn vốn để bù đắp lượng trái phiếu mua lại trước hạn lên tới 67.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, các nhóm ngành năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng phát hành từ 28.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, chiếm trên dưới 4% tổng lượng phát hành; trong đó lượng phát hành của các định chế tài chính phi ngân hàng (chủ yếu là các công ty chứng khoán) và nhóm phát triển hạ tầng tăng cao so với năm 2020 (lần lượt tăng 152% và 225%).

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Gam màu” nào cho thị trường bất động sản 2023?

Nhiều đánh giá cho rằng, năm 2023 thị trường bất động sản sẽ có cơ hội hồi phục nhờ vào loạt chính sách hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ. Cũng có quan điểm, thị trường năm tới vẫn thiếu “gam màu” tươi sáng. 

Trước những biến động của thị trường bất động sản trong năm 2022, Nhà nước đã và đang nhìn thấy các vướng mắc, khó khăn để đưa ra các chính sách hỗ trợ trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.

Cụ thể, về trung hạn, dài hạn Nhà nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã xác định mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của thị trường bất động sản.

Từ đó, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, mà điển hình là Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 06/12/2022 về “Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2022”, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 về “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Savills: Hơn 30 thương hiệu mới sẽ gia nhập BĐS hàng hiệu Việt Nam

Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt nhất về nguồn cung bất động sản hàng hiệu.

Theo báo cáo mới nhất về bất động sản hàng hiệu (branded residences) trên toàn cầu của Savills, 3 thị trường đứng đầu toàn cầu trong năm nay là Dubai, South Florida và New York.

Điều đáng nói, Việt Nam cũng được xếp vào nhóm 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng nguồn cung tốt với số lượng thương hiệu nổi tiếng gia nhập thị trường trong tương lai lớn nhất, ước tính đón hơn 30 thương hiệu.

Thực tế, cái nôi của bất động sản hàng hiệu là vùng Bắc Mỹ, nhưng đến nay, các nhà phát triển đang liên tục mở rộng sang các khu vực khác có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tại Việt Nam, khái niệm này dù chỉ mới xuất hiện cách đây vài năm nhưng xu hướng cũng đang được thấy rõ.

Trong đó, các thành phố ven biển là điểm đến ưa chuộng nhất. Điển hình như Đà Nẵng với dự án hàng hiệu Le Méridien hay Fusion Resort & Villas, hay mới đây có dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa ở Hồ Tràm do Tập đoàn Hyatt quản lý. Dự án này đã được khởi công từ năm 2021, giá bán khoảng 18 - 68 tỷ đồng/căn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top